Kỳ thi TOEFL hàng tuần chỉ dành cho nhân viên công ty và cộng tác viên. Lúc đó, tôi mới chỉ là một người “ngoại đạo” nhưng vẫn “hùng dũng” đăng ký tham gia vì một lời hứa: “Nếu pass 450 điểm, em sẽ được join luôn vào dự án”.
Phòng thi nhộn nhịp. Những người đến sớm “khiêm nhường” dồn hết về cuối phòng, ưu ái “nhường” những người đến sau ngồi lên trên. Anh NinhNH vừa phát đề vừa tươi cười “dụ khỉ”: “Bài thi chỉ mang tính chất đánh giá chứ không tính gì cả. Mọi người cứ bình tĩnh làm, không phải trao đổi gì cả”. Bắt đầu làm bài. Phần nghe thì “nghe như tiếng nước ngoài”, ù cả đầu mà chả hiểu gì cả; phần viết thì hoa hết cả mắt mà cũng không hiểu gì luôn.
Tiếng giở giấy sột soạt liên tục càng làm tôi cuống cuồng. Sáu mươi phút trôi qua, vắt chân lên cổ, toát mồ hôi hột mà vẫn chưa làm xong. Ra khỏi phòng thi chẳng vui chẳng buồn, chỉ an ủi mình đã làm hết khả năng, còn kết quả thế nào thì… trình độ chỉ có thế. Rút thêm được một kinh nghiệm là “TOEFL khó thật!!!”.
Vào cái-phòng-mà-ai-cũng-biết-là-phòng-gì-đấy trước khi ra về, gặp một tốp các chị vừa thi cùng lúc nãy đang cười nói vui vẻ:- Em làm được mỗi phần cuối. Chị XYZ (chịu không nhớ nổi tên) lại làm mỗi phần đầu. Cuối giờ hai chị em chép của nhau, may mà kịp.
– May chị cũng chép của anh bên cạnh một ít….Tình đồng đội muôn năm! Vẫn biết chuyện thi cử muôn đời vẫn thế, nhưng vẫn thấy buồn. Buồn cho những người không thể đứng trên đôi chân của mình. Việt Nam mãi lạc hậu vì người Việt Nam không chịu lớn, cứ muốn mãi là những đứa trẻ để nương tựa vào nhau.
Bài viết này không phải để phê phán, mà chỉ là một cái nhìn hiện thực của một newcomer. Biết đâu mấy hôm nữa cùng mấy chị bạn thân đi thi TOEFL, chẳng lẽ lại không giúp đỡ các chị ấy?
NgọcNH – FSoft
Trich “Sử ký FPT 20 năm”.