Hồi FPT mới được thành lập, ISC là Trung tâm duy nhất làm tin học. Do hay mất điện, ISC được Công ty ưu tiên duyệt mua một máy phát điện. Hai anh Nguyễn Trung Hà và Đỗ Cao Bảo được cử ra chợ Trời mua. Trước khi đi, anh Lê Quang Tiến dặn với: “Anh đã khảo giá rồi, khoảng 3,8 chỉ nhé!”.
Ra chợ Trời, sau một hồi khảo giá và mặc cả, chiếc máy phát điện đã được hai bên nhất trí mua bán với giá 3,2 chỉ.
Trong lúc hai anh đang đứng hút thuốc chờ hoá đơn, bà bán hàng kéo áo:
– Chú muốn ghi hoá đơn lên bao nhiêu?
– Chị bảo cái gì?
– Gớm, chú không phải ngại. Thời buổi này ai chẳng thế, đi mua hàng cho công ty thì phải khai tăng giá lên mà ăn chênh lệch, chứ không thì chết đói à? Chị bán hàng nhiều, chị biết rồi…
– Không cần đâu, chị cứ ghi đúng giá cho tôi – Trung Hà gạt đi.
– Chú thật thà thế, chỉ có chết đói – Bà bán hàng quay đi không quên bĩu môi nguýt hai người một cái.
Lời bàn:
Vào thời điểm đấy, gần như toàn xã hội, bất cứ ai đi mua bán gì cho cơ quan cũng đều khai tăng giá để hưởng chênh lệch. Hiện tượng ấy đến tận hôm nay vẫn còn rất phổ biến ngoài xã hội. Nhưng FPT, ngay từ đầu, đã xác định ngay cho mình hướng đi: Phải xây dựng văn hóa trung thực cho người FPT. Nét văn hóa này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhiều thế hệ FPT tiếp theo. Chúng ta có thể tha thứ cho nhau bất cứ lỗi lầm gì, chỉ không tha thứ sự thiếu trung thực.