Trường Sơn, cảm nhận sau một chuyến đi

14:48 31/07/2014

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai…”.
Bắt đầu chuyến về nguồn Trường Sơn, trong tôi, một người trẻ, khái niệm về Trường Sơn không gì hơn ngoài câu thơ ấy.

Vẫn biết rằng Trường Sơn với bao gian khổ, nhưng có tận mắt nhìn những đoạn đèo dốc quanh co, thịt da cảm thấy cái lạnh giữa làn mưa mùa hạ… chúng tôi, những người yên ổn ngồi ô tô lắp máy lạnh chạy băng rừng và dốc Trường Sơn, mới mường tượng phần nào về Trường Sơn, một con đường, một mạch sống cho cả dân tộc Việt Nam.

Đoàn Về nguồn của FPT Hồ Chí Minh dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) vào tháng 5/2014.
Đoàn Về nguồn của FPT Hồ Chí Minh dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) vào tháng 5/2014. Nguồn ảnh: Internet.

Tôi xin được chia sẻ bằng những nghĩ suy của chính mình, một người trẻ. Cuộc sống là gì? Là làm việc, học tập, là niềm vui gia đình. Với bạn, với tôi, điều đó rất bình thường đấy chứ.
Còn đây, cảnh hùng vĩ của núi rừng gợi được gì trong mỗi người? Vẫn còn đó những lô cốt, những đoạn cầu với bảng chữ rõ ràng về một thời oanh liệt đã qua. Tôi tự hỏi mình, nếu không được nhìn, không được nghe, thì những gì đã đến trong những ngày về nguồn vừa qua liệu có một sức ảnh hưởng thế nào đến nghĩ suy của một người trẻ tuổi? Tôi muốn chia sẻ cho những bạn bè không có dịp đi cùng chúng tôi trong chuyến về nguồn, những cảm xúc, những ghi nhận dưới góc nhìn chủ quan, về một danh từ mà chúng ta không ai không biết: “Đất nước”. Theo địa lý, đất nước là một vùng lãnh thổ, có sông biển, có núi rừng, có đồng bằng, có biết bao miền đất mà chúng ta, kể cả những người may mắn nhất, vẫn không thể nào đi qua hết. Trên bình diện đó, ai từng nói mình hiểu biết nhiều về chính mảnh đất mình đang sống, người đó quả thật có tài. Theo nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn (người FSoft gọi là TuấnPM ): “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu…”, đất nước lại là một sự cảm nhận về âm thanh, một thứ thanh âm thân thuộc, thân thuộc đến mức có thể nhìn thấy như một sự thon thả dịu dàng… Vâng, chúng ta có khá nhiều sự so sánh, cả cũ lẫn mới, trên nhiều tiêu chí khác nhau.

Ở đây, tôi xin nói về con người, những con người thuộc hai thế hệ: giữa cũ và mới, giữa gây dựng và kế thừa. Bởi vì những người chiến sỹ đã hi sinh, bởi vì những bậc cha anh đã gửi lại một phần máu xương cho Tổ quốc để chúng ta có ngày nay, nên họ, là thế hệ gây dựng. Tất nhiên, tuổi trẻ của chúng ta là thế hệ kế thừa. Cả hai thế hệ ấy, cùng với hoàn cảnh lịch sử, cùng với mảnh đất hình chữ S hào hùng, đã tạo nên một điều thật thiêng
liêng, “Đất nước”.

Cuộc hành trình đã kết thúc, nhưng những cảm xúc của chuyến đi vẫn còn đọng lại trong tôi. Khó có thể giải thích bằng lời những gì tôi cảm thấy, những gì tôi nhìn thấy, về tuyến đường Trường Sơn, như đã nói ở trên, “một mạch sống cho cả dân tộc Việt Nam”. Một Trường Sơn với màu xanh bất diệt, tượng trưng cho sức trỗi dậy của bao con người khao khát tự do, một Trường Sơn với màn khói lửa trên đầu đỏ rực thời chiến, như chỉ để làm đẹp thêm cho những bước chân anh hùng đang rong ruổi ngày đêm phục vụ tiền tuyến, phục vụ quê hương.
Trên đoạn đường chúng tôi đi, màu xanh giờ vẫn còn, hoa rừng vẫn nở dưới mưa mùa hạ, bất chấp bao bom đạn vẫn còn nằm dưới mảnh đất này. Cỏ cây, nào đâu có những nghĩ suy, vẫn biết sống vươn mình sau thử thách, vẫn hừng hục cái lửa ngày nào. Không một mảnh đất nào lại vắng bóng màu xanh, không một mảng dây leo nào chịu khuất mình trong bóng râm của sự bình ổn lặng lẽ. Hình ảnh đó, có lẽ là hình ảnh đẹp nhất, tạo cho
tôi nhiều nghĩ suy nhất. Tuổi trẻ chúng ta, thường hay so sánh mình với những người xung quanh, với những vĩ nhân, với những con người hơn hay thua mình trên một khía cạnh nào đấy, nhưng với tôi, tôi chỉ biết so sánh mình với những gì bình dị nhất, tôi thích so sánh mình với cây xanh. Tôi muốn mình luôn là một cây xanh, tôi muốn học cách vươn lên mạnh mẽ như những cây rừng bất khuất giữa đại ngàn. Tôi muốn sống cuộc
sống vượt trên hoàn cảnh sống, muốn tạo dựng cho bản thân, cho gia đình những điều tương tự như các bậc cha anh đã làm. Điều đó, có là một khát khao chung?
Rời Trường Sơn, cảm giác khám phá bản thân hình như vẫn còn trong mỗi chúng tôi. Tôi nhận ra mình đang ở đâu trong mạch sống của đất nước, tôi biết mình chưa làm được gì nhiều cho mọi người, cho cả chính tôi trong cuộc sống mỗi ngày. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ cùng mọi người, nhất là những bạn bè cùng thế hệ với tôi: mình hãy là những mầm xanh, hãy cùng sống dù chỉ một phần nhỏ nhoi, sống vì đất nước.

ToanNP – FSOFT HCM

Trích “Sử ký FPT 20 năm”

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận