Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra sớm hơn mọi năm, các học sinh cần có lộ trình ôn tập lẫn lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp để chắc suất vào đại học.
Năm 2023, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi, trong đó việc lịch thi được chuyển lên sớm hơn mọi năm khoảng 2 tuần có ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình ôn tập cũng như việc xét tuyển của các thí sinh.
Việc tìm kiếm và lựa chọn trường đại học của các sĩ tử và phụ huynh cũng cần được cân nhắc nhiều hơn và linh hoạt theo từng thời điểm để mang đến kết quả tốt nhất.
Những thay đổi đáng chú ý của cơ chế tuyển sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được đẩy lên sớm đồng nghĩa công tác tuyển sinh đại học dự kiến cũng sớm hơn năm ngoái để các trường bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9.
Với thay đổi này, nhiều sĩ tử bày tỏ không mang đến sự khác biệt quá lớn trong lộ trình ôn tập bởi việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đã bắt đầu từ sớm. Tuy nhiên, với những học sinh có lựa chọn du học, việc kỳ thi tốt nghiệp được đẩy lên sớm sẽ giúp các bạn có thời gian chuẩn bị hồ sơ tốt hơn.
Chia sẻ về quá trình ôn tập cho kỳ thi quan trọng, Nguyễn Minh Hiếu (quận 3, TP.HCM) bày tỏ: “Nếu lịch thi sớm hơn khoảng một tháng thì em mới lo chứ chỉ tầm 2 tuần thì không ảnh hưởng quá nhiều. Do giai đoạn 2 tuần này theo kế hoạch của em cũng chỉ là ôn tập vừa phải chứ không nhồi nhét quá nhiều”.
Mặt khác, theo dự thảo công tác tuyển sinh trình độ đại học Bộ GD&ĐT công bố ngày 2/3, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay là 2 tuần, rút ngắn một nửa thời gian so với năm ngoái (một tháng).
Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian tuyển sinh, đẩy lịch học lên sớm hơn mà còn để các thí sinh sớm cân nhắc nguyện vọng xét tuyển, đưa ra những lựa chọn phù hợp với năng lực học tập.
Đẩy nhanh thời gian tuyển sinh còn giúp tạo điều kiện cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Trong trường hợp sĩ tử không đạt kết quả như mong muốn ở nguyện vọng một thì có thể chuyển hướng ở các đợt xét tuyển bổ sung, đảm bảo không ảnh hưởng đến kế hoạch học tập.
Một điểm thay đổi đáng chú ý trong cơ chế tuyển sinh năm nay là việc áp dụng điểm ưu tiên cũng có hiệu lực. Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Học sinh đưa ra lựa chọn sớm hơn
Trong công bố tuyển sinh của nhiều trường đại học, việc đa dạng hình thức xét tuyển vẫn mang đến cơ hội rộng mở cho các thí sinh. Theo đó, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT vẫn chiếm ưu thế, song số lượng thí sinh nhập học với kết quả xét tuyển học bạ cũng đạt gần 40%.
Thống kê từ Bộ GD&ĐT, phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 47,98%. Xếp ngay sau phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với tỷ lệ thí sinh nhập học là 37,18%.
Phương thức xét tuyển học bạ THPT được xem là xu hướng và dần trở nên tối ưu ở thời điểm hiện tại bởi giúp các thí sinh giảm bớt áp lực thi cử, nắm bắt thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học phù hợp.
Việc có chiến lược khi lựa chọn phương thức xét tuyển đại học sẽ giúp thí sinh không phải ôn tập một cách dàn trải mà chỉ tập trung cho các mục tiêu cụ thể, chắc chắn. Việc lựa chọn xét tuyển bằng hình thức học bạ cũng cho thấy các cơ sở đào tạo xem xét kỹ lưỡng đến quá trình học tập của thí sinh.
Công bố đề án dự kiến tuyển sinh từ sớm, trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ gồm xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%).
Theo đó, UEF nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ từ ngày 16/2. Thời gian này, trường nhận hồ sơ học bạ đồng loạt cho cả 2 phương thức, theo điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), theo phương thức điểm trung bình 3 môn lớp 12. Điểm trung bình xét tuyển cả 2 phương thức là 18 điểm cho tất cả ngành đào tạo.
Với việc các trường mở nhận hồ sơ xét tuyển từ sớm, các thí sinh cần có sự đầu tư và tính toán để chắc chắn vào được ngành học yêu thích. Chưa kể, xét học bạ có thể gọi là phương thức xu hướng nên tỷ lệ cạnh tranh khi xét tuyển khá cao theo quy tắc điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước và quy tắc xét tuyển từ cao xuống thấp. Vì vậy, lựa chọn nộp hồ sơ ở đợt đầu vẫn luôn có lợi thế.
Những thay đổi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng cơ chế tuyển sinh năm 2023, các thí sinh sẽ phải cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp để đảm bảo chắc suất ở trường và ngành học yêu thích.
Theo