Đăng ký xét tuyển đại học: Lựa chọn ngành phù hợp sở thích, năng lực

15:27 20/02/2023

Hiện nay, thí sinh đang lựa chọn ngành, nghề để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Trước khi lựa chọn một ngành, nghề nào đó, thí sinh cần hiểu rõ bản thân, năng lực, sở trường. Sự yêu thích, phù hợp của bản thân là yếu tố hàng đầu để quyết định đăng ký xét tuyển, không nên vì chạy theo xu hướng mà chọn nghề mình không có khả năng hoặc không yêu thích.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Chọn ngành theo… đám đông

Trần Thanh Ngọc (học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thị Pha, Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ: “Nhiều bạn trong lớp em rủ nhau đăng ký ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Các bạn cho rằng ngành này đang “hot” và nhiều trường đang mở; nếu đậu thì cùng học với nhau cho vui. Em thì thích khối ngành kinh tế nhưng khối này rộng quá nên chưa biết chọn ngành nào. Nếu đậu mà không thích học thì cũng bỏ giữa chừng vì thật sự em không rõ ngành này làm những công việc gì, có phù hợp với mình hay không”.

Trong khi đó, Đ.H.T. (học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM) cho biết: “Em thích ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường nhưng nghe nhiều người nói học ra khó kiếm việc và làm việc rất cực. Do đó, em quyết định cùng các bạn đăng ký vào các ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Năng lượng tái tạo vì những ngành này đang rất “hot” trong vài năm gần đây”.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại TPHCM, việc tìm hiểu và hiểu rõ về các công việc, nghề nghiệp trong tương lai cũng như các ngành, trường đào tạo các nghề đó rất quan trọng. Hiện nay thí sinh đang đứng trước quyết định quan trọng của đời mình, đó là chọn ngành, nghề cho tương lai, nhưng phần đông các em vẫn rất hời hợt, không xem đây là quyết định quan trọng. Đáng nói hơn là các em lại chọn ngành theo kiểu đám đông, cứ nghe ngành này “hot”, ngành kia “hot” là đăng ký ngay chứ không tìm hiểu xem mình có yêu thích ngành đó hay không. Một phần cũng xuất phát từ lý do các em chọn ngành theo định hướng và mong muốn của cha mẹ.

“Lúc tôi còn làm công tác tuyển sinh tại phía Nam (nhận hồ sơ thí sinh tự do), rất nhiều em học năm nhất ngành Y đa khoa Trường ĐH Y Dược TPHCM đã đến đăng ký thi lại để xét tuyển vào ngành Xây dựng của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Khi hỏi lý do thì các em cho hay bản thân không thích ngành y, nhưng vì cha mẹ muốn nên phải đăng ký cho cha mẹ vui. Thực sự khi vô học, các em rất chán và quyết định thi lại để xét vào ngành Xây dựng. Nếu đậu thì các em sẽ thuyết phục cha mẹ cho bỏ ngành y… Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà bản thân tôi đã trực tiếp nghe các thí sinh chia sẻ khi làm hồ sơ thi lại ĐH”, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Trong khi đó, một cán bộ phụ trách công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: hàng năm vẫn có vài phần trăm sinh viên “ngồi nhầm chỗ” ở đại học. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính vẫn là đậu vào ngành không thích, không đam mê nên dẫn đến chán, bỏ học giữa chừng không lý do. Đây là hậu quả của việc sai lầm khi chọn ngành nghề để học.

Phải hiểu rõ bản thân, năng lực

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết: Khi thí sinh cảm thấy yêu thích, thậm chí đam mê một nghề nào đó, các bạn sẽ có động lực tự thân để nỗ lực hết mình trong học tập và vượt qua các khó khăn để thành công. Nếu thí sinh không dựa trên đam mê và sở thích của mình, chọn đại một ngành/trường chỉ để đậu đại học và có tấm bằng cử nhân thì sẽ không có đủ động lực để vượt qua các khó khăn, trở ngại trong tương lai khi hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy, để có thể “làm vì đam mê”, thí sinh phải hiểu bản thân mình, luôn lắng nghe khám phá bản thân để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.

Tuy nhiên, để thành công trong nghề nghiệp thì sự yêu thích và đam mê vẫn chưa đủ, một vấn đề rất quan trọng là năng lực và sở trường của bản thân. Thí sinh yêu thích nghề nghiệp đó nhưng không có năng lực hoạt động nghề nghiệp thì rất khó để học tập, thành công trong công việc. Chính vì vậy, trước khi lựa chọn ngành, nghề, thí sinh cần hiểu rõ mình có năng lực gì, sở trường của mình có phù hợp với ngành, nghề mà mình lựa chọn hay không. Thí sinh không lựa chọn ngành, nghề theo phong trào, theo ý muốn của người khác hoặc lựa chọn chỉ vì thích.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng, nhu cầu về lao động của các ngành, nghề thường biến động theo sự phát triển của kinh tế và xã hội. Trong một giai đoạn nào đó, có những ngành, nghề mà xã hội rất cần và có sức hút rất lớn với các bạn thí sinh, người ta gọi là các ngành “hot”. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành đều “hot”, hoặc không phải một ngành nào đó luôn luôn “hot”. Vì vậy, việc tìm hiểu nhu cầu xã hội về các ngành, nghề là rất quan trọng, đặc biệt các thí sinh phải quan tâm đến các dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Việc này không chỉ mình thí sinh làm được mà cần có sự tư vấn, hỗ trợ từ phụ huynh, thầy cô và các chuyên gia hướng nghiệp. Cần phân tích để đưa ra dự báo về ngành, nghề lựa chọn sau 5-10 năm nữa, nhu cầu nhân lực sẽ ra sao. Nếu hiện nay ngành này đang “hot” nhưng lực lượng lao động sắp bão hòa thì liệu 5-10 năm nữa còn “hot” hay không?… Do đó, thí sinh và gia đình cần tìm hiểu thông tin, xem xét nhu cầu lao động của ngành, nghề mà mình sẽ lựa chọn để đăng ký xét tuyển phù hợp nhất.

Theo:

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận