Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức tại địa phương thì đề thi, bài thi, coi thi được tổ chức thế nào để đảm bảo không xảy ra gian lận.
Năm nay, Bộ GD&ĐT “siết” quy trình, kỹ thuật tổ chức kỳ thi, chấm thi nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn. vẫn tiếp tục giao cho các địa phương tổ chức từ khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi.
Về in sao đề thi, mỗi địa phương sẽ thành lập ban in sao đề thi riêng. Khu vực in sao đề thi là một địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, cách ly 3 vòng độc lập.
Cụ thể, vòng 1 là những người trực tiếp in sao đề thi. Đây là khu vực cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thi xong môn cuối cùng. Cửa sổ phòng này đóng kín, được công an niêm phong. Hằng ngày, những người ở vòng 1 tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng 2.
Vòng 2 là vòng bảo vệ trong chỉ gồm công an và thanh tra. Vòng này cũng là khu vực khép kín, tiếp giáp với vòng 1, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng. Cán bộ vòng này có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ vòng 3 chuyển vào vòng 1; kiểm tra các đồ vật từ vòng 1 chuyển ra như bát đũa, đồ ăn, đồ uống…Vòng 3 là vòng bảo vệ ngoài.
Về coi thi, mỗi địa phương tự tổ chức kỳ thi tại chỗ do đó phải sử dụng lực lượng giáo viên tại chỗ. Những năm trước, địa phương đổi chéo giáo viên huyện, thị, TP lẫn nhau, đảm bảo giáo viên không coi trúng học sinh của mình. Tuy nhiên, năm nay, một số địa phương có dịch buộc phải sử dụng phương án giáo viên trường này coi thi trường khác.
Bộ GD&ĐT quy định, trước mỗi buổi thi, trưởng điểm thi phải tổ chức cho cán bộ coi thi và cán bộ giám sát bắt thăm phòng thi, đảm bảo mỗi cán bộ coi thi không coi 2 lần/ phòng thi. Điểm thi chuẩn bị hộp để cán bộ coi thi để toàn bộ thiết bị thu phát thông tin của cán bộ coi thi, thí sinh ở ngoài phòng thi. Đồng thời, năm nay Bộ GD&ĐT đưa ra danh sách những phần việc cần làm của giám thị để xong mỗi việc, tích vào đó, tránh bỏ sót, cắt ngắn quy trình, hạn chế việc thí sinh đưa điện thoại vào phòng thi.
Khi gọi thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi được yêu cầu phải kiểm tra các vật dụng thí sinh được mang vào. Lực lượng công an từng địa phương tập huấn cho trưởng điểm thi, cán bộ coi thi về phương thức nhận dạng thiết bị gian lận công nghệ cao. Đặc biệt, kỳ thi năm nay do , thí sinh có thể lợi dụng việc đeo khẩu trang để gắn thiết bị gian lận nhỏ xíu ở trong đó.
Trước mỗi môn thi, cán bộ coi thi phải cho thí sinh chứng kiến tình trạng niêm phong của bì/túi đề thi, lập biên bản xác nhận có chữ ký của 2 thí sinh trong phòng thi. Ngay sau khi bài thi được chuyển khỏi phòng, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng/thẻ nhớ) của camera được niêm phong bàn giao cho sở GD&ĐT lưu giữ trong thời gian 12 tháng.
Ngoài ra, sẽ có lực lượng thanh tra giám sát kỳ thi tại các điểm thi bao gồm: đoàn thanh tra Sở GD&ĐT; thanh tra UBND tỉnh và thanh tra lưu động, đột xuất của Bộ GD&ĐT đảm bảo các điểm thi có lực lượng thanh tra cắm chốt và có thể bị thanh tra đột xuất ở tất cả các khâu.
Theo Báo Tiền Phong.