Sau nhiều năm thay đổi từ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thành một kỳ thi với mục đích “2 trong 1”, kỳ thi cuối cùng của bậc phổ thông dù có nhiều điều chỉnh để phù hợp mỗi năm nhưng cơ bản đã có nhiều thay đổi tiến bộ.
Lộ trình đổi mới
Kể từ khi xảy ra vụ việc gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại nhiều địa phương, việc nên duy trì hay không kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, cũng như nhận được nhiều góp ý của chuyên gia giáo dục thời gian qua.
Nhìn lại lộ trình đổi mới thi cử từ năm 2015, đây là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Một kỳ thi với hai mục đích được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Trung ương khóa XI. Mục tiêu chung của đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT là thực hiện đúng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội.
Từ việc học để thi 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, chỉ còn 1 kỳ thi; thí sinh cả nước không phải đổ dồn về các thành phố để thi mà các em chỉ thi tại địa phương, thậm chí tại trường như đi học. Như vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã giảm được áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ, địa phương đã được phân nhiệm rõ ràng.
Tuy nhiên, chuyển sang hình thức thi mới cũng góp phần tạo ra hiện tượng “mưa điểm 10” ở kỳ thi năm 2017, đặc biệt là hiện tượng bất thường về điểm thi ở một số tỉnh, thành phố ở kỳ thi năm 2018. Thời điểm đấy, hàng trăm thí sinh ở các địa phương: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị lực lượng chức năng phát hiện được nâng điểm, có thí sinh được nâng tới 29,95 tổng điểm các môn.
Nhiều kẽ hở, sai phạm của kỳ thi được chỉ ra khiến tranh luận có nên duy trì hay không kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT được đặt ra.
Tới năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GDĐT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT Quốc gia.
Qua 3 năm tổ chức (2020, 2021, 2022), kỳ thi đáp ứng mục tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi, còn các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đánh giá về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, những thay đổi, cải cách quy trình của kỳ thi là hướng đi đúng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thêm đổi mới, tạo thuận lợi cho thí sinh
Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, vào các ngày 27, 28, 29, 30/6, thay vì vào tháng 7 như các năm trước.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, Bộ tiếp tục giữ ổn định kỳ thi năm 2023 như các năm trước.
Các quy định về phương thức tổ chức thi, bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo… về cơ bản giữ nguyên. Tuy nhiên, để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GDĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Một số nội dung điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc đăng ký trực tuyến và tổ chức thi mang lại nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội. Đơn cử, các thí sinh thuận lợi tra cứu và hạn chế tối đa sai sót thông tin cá nhân. Kết quả học và thi của học sinh được lưu bản điện tử, thuận tiện đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; chuẩn bị thật tốt việc lựa chọn nhân sự để tham gia các khâu của kỳ thi.
Bộ cũng lưu ý các địa phương quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình đăng ký dự thi, bởi năm nay tất cả học sinh lớp 12 phải đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống chung.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn hành vi gian lận, nhất là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh”.
Thời gian từ nay tới khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra không còn nhiều. Tới thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước đang dồn sức ôn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, mùa thi năm nay, học sinh lớp 12 đang bị tăng áp lực thi cử bởi các trường đại học đang dần có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng các kỳ thi riêng. Điều này đồng nghĩa với việc để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều em phải gánh cả hai kỳ thi, gồm: thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực hoặc tư duy của một trường đại học.
(Còn nữa)
Chủ trương giữ ổn định kỳ thi được giáo viên, học sinh và phụ huynh các trường THPT đồng tình ủng hộ. Theo ông Lê Việt Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), chủ trương giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi cũng như cấu trúc, phạm vi nội dung đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là phù hợp cho lứa học sinh vốn khá nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua. Việc giữ ổn định cũng tạo thuận lợi cho học sinh vì kế hoạch, nội dung học tập, ôn luyện không bị xáo trộn. |
Theo