TTO – Cho tới nay, Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, không ít chuyên gia, thầy cô đã đề cập tới phương án hủy kỳ thi này.
Câu hỏi lớn nhất đặt ra là nếu hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT – một trong những căn cứ quan trọng để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ – thì việc tuyển sinh sẽ ra sao, làm sao để đảm bảo công bằng cho các thí sinh?
Sẽ có cách xét tuyển phù hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 29-7, lãnh đạo các trường ĐH ở TP.HCM và Hà Nội đều cho hay do phải chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT liên quan đến kỳ thi THPT khi dịch COVID-19 tái bùng phát, nên hiện nay chưa có phương án cụ thể về việc điều chỉnh phương án tuyển sinh. Nếu không có gì thay đổi, đề án tuyển sinh vẫn giữ nguyên; còn nếu thay đổi, đề án tuyển sinh cũng dựa vào đó để có những thay đổi cho phù hợp.
Dù năm nay Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành đến 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT nhưng TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng nếu xảy ra tình huống phải hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trường cũng sẽ có cách xét tuyển phù hợp. “Năm nay các trường đều có từ 3 đến 7 phương thức xét tuyển, việc xét điểm thi THPT chỉ là một trong các phương thức đó.
Nếu không có kỳ thi, chắc chắn các trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho các phương thức khác để ứng phó với tình hình thực tế. Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn việc công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh trong trường hợp kỳ thi bị hủy. Vì các trường ĐH muốn tuyển theo phương thức nào cũng bắt buộc thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Theo tôi, không có chuyện vì hủy thi THPT mà các trường ĐH không tuyển sinh được” – ông Hạ nhấn mạnh.
TS Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay trước đó cũng do ảnh hưởng dịch COVID-19, trường đã ngừng phương thức tuyển sinh bằng kỳ kiểm tra năng lực và thay thế bằng phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 15% chỉ tiêu. Nhà trường dành 60% chỉ tiêu cho phương thức dựa vào điểm thi THPT. “Tuy nhiên, nếu xảy ra tình huống hủy kỳ thi THPT, trường sẽ sử dụng kết quả học tập THPT của thí sinh. Bên cạnh đó, trường còn 3 phương thức xét tuyển khác nữa”, ông Khoa chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết đến nay nhà trường chưa đặt ra tình huống kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay bị hủy. “Tuy nhiên, với thực tế diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trở lại, chúng tôi sẽ phải họp hội đồng tuyển sinh để bàn bạc, đưa ra các phương án xét tuyển phù hợp dựa vào tình hình thực tế. Nếu tình huống xấu nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT bị hủy do dịch COVID-19, không riêng trường chúng tôi mà các trường khác cũng sẽ phải điều chỉnh phương án tuyển sinh” – ông Sơn khẳng định.
Cần cân nhắc tổ chức thi tốt nghiệp
Tại cuộc họp sáng 29-7 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và
10-8, đồng thời cho biết bộ đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19, trong đó có việc chia thí sinh thi theo 4 nhóm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế và đại diện các trường ĐH vẫn tỏ ra băn khoăn với quyết định này.
Theo đại diện nhiều trường ĐH, trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 trở lại và đang diễn biến vô cùng phức tạp, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT. TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong lúc dịch COVID-19 bùng phát sẽ vô cùng vất vả, bên cạnh đó tâm lý của cả xã hội đang rất lo sợ nhiễm bệnh nên chắc chắn ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi.
“Đặc biệt, tại tâm dịch Đà Nẵng hiện đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 áp dụng trên toàn thành phố. Có những khu phố, tuyến đường còn bị phong tỏa. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi cụ thể cho những nơi đặc biệt như thế, nhưng thực tế tâm lý của thí sinh và cả những người tham gia công tác kỳ thi đều đang rất lo lắng. Như vậy, tính công bằng của kỳ thi sẽ không đảm bảo”, ông Khang nói.
ThS Nguyễn Thái Châu – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – marketing – cho hay mấy ngày qua khá nhiều thí sinh bày tỏ sự lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Thậm chí một số phụ huynh ở Đà Nẵng còn tính đến chuyện cho con bỏ thi nếu dịch bùng phát mạnh.
Ông Châu nêu ra một loạt câu hỏi của phụ huynh: “Theo Bộ GD-ĐT, đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), bộ chỉ đạo các địa phương tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, nhưng vấn đề là ai sẽ chấp nhận vô coi thi, làm công tác kỳ thi? Sau khi thi, tất cả mọi người đều phải chịu cách ly? Ai đảm bảo được tất cả thí sinh F1 đều đi thi? Cán bộ chấm thi có tự tin tiếp cận để chấm bài thi của các thí sinh F1, F2? Đề thi, bài thi di chuyển ra vào thế nào, khử trùng ra sao? Nếu đưa ra ngoài thi, địa phương khác có chịu?”.
Ông Phùng Quán – trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng băn khoăn: “Trong khi cả xã hội đang dồn hết sức để chống dịch, các em học sinh cũng lo lắng, không tập trung tốt việc học tập sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử. Thứ hai, trong thời điểm này nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì liệu cán bộ coi thi, thanh tra, các lực lượng phục vụ kỳ thi, thí sinh có dám đến trường thi không? Tôi cho rằng cần phải rà soát thật kỹ tất cả những người tham gia trực tiếp vào kỳ thi, đặc biệt là các em thí sinh tại địa phương đang có dịch. Bộ GD-ĐT càng phải cân nhắc kỹ, nếu không hậu quả sẽ khó lường”.
Trong khi đó, nhiều giảng viên các trường thuộc ĐH Huế cho biết đều đang rất hoang mang, theo dõi thông tin dịch bệnh từng ngày vì sắp tham gia công tác kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tôi có tên trong danh sách đi thanh tra coi thi tốt nghiệp THPT. Dù chưa phải vùng dịch nhưng thật sự tôi và nhiều đồng nghiệp đang rất lo lắng. Mới đây, tôi có chuyến công tác tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Sau khi có tin tỉnh này có ca mắc COVID-19, trở về Huế tôi phải cách ly ở nhà theo quy định” – chị N., giảng viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), cho biết.
4 nhóm thí sinh Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-7, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được chia làm 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường rà soát, cập nhật tình trạng sức khỏe của tất cả thí sinh, thường xuyên báo cáo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để kịp thời xử lý, bố trí đủ cán bộ dự phòng để tổ chức thi; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại khu vực in sao đề thi, các điểm thi và các khu vực chấm thi. “Những thí sinh diện F0 sau khi được xét đặc cách tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng dự tuyển đại học, Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị các trường đại học có phương án phù hợp để xét tuyển, nhưng vẫn phải trên nguyên tắc tôn trọng sự tự chủ của các cơ sở đào tạo” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Vĩnh Hà |
Phải có sự chuẩn bị rất kỹ Theo ThS Nguyễn Trần Nam – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM), trong tình hình dịch COVID-19 trở lại với nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng và đang diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay, nếu vẫn thi tốt nghiệp THPT theo lịch cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ mới có thể tổ chức thi được. “Ngành giáo dục và các địa phương phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo 3 yếu tố: thứ nhất, các nhà trường rà soát kỹ, cập nhật ngay tình trạng sức khỏe của tất cả thí sinh và cả những người tham gia công tác kỳ thi đều phải được khai báo y tế chính xác; thứ hai, phải đảm bảo tất cả đều phải đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách thường xuyên và bố trí điểm thi, phòng thi theo đúng yêu cầu giãn cách, không tụ tập đông người; thứ ba, cần hạn chế tối đa việc di chuyển, đi lại của thí sinh và cán bộ tham gia công tác kỳ thi, tránh lây lan dịch bệnh”, ông Nam kiến nghị. |
Cần tính phương án xét tốt nghiệp đặc cách Theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Luật TP.HCM), việc Bộ GD-ĐT sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0, F1, F2 và các thí sinh khác thì vẫn chưa đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là điểm thi tốt nghiệp đang là cơ sở xét tuyển vào ĐH. Vì thí sinh trong điều kiện như trên tâm lý vào thi không ổn, cộng thêm điều kiện tổ chức thi không như bình thường và phút cuối có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Do vậy cần có giải pháp thứ 2 với những địa phương không thể tổ chức thi, đó là cần tính đến việc xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh những địa phương không thể tổ chức thi, hoặc có thể phải tổ chức thi lại, hoặc sát hạch theo thủ tục đơn giản để công nhận tốt nghiệp, bởi dịch bệnh là tình huống bất khả kháng. |
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ