Giải pháp xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến chung, lọc ảo chung là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất hướng tới sự đảm bảo công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.
Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khi một trong những điều chỉnh quan trọng trong tuyển sinh đại học năm nay là Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển.
Hạn chế thí sinh ‘ảo’, ‘giữ chỗ’
Lý giải cho câu hỏi, tại sao phải thực hiện điều này, thay vì để các trường tự xác định theo tinh thần tự chủ và Bộ GD&ĐT chỉ cần có giải pháp kỹ thuật để quản lý, giám sát, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỉ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học ngày càng giảm. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn, hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Mặt khác, nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh gây tốn kém cho thí sinh và xã hội; các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác, dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót trong xét tuyển.
Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nên tỉ lệ thí sinh ảo rất cao. Hệ quả là thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Bên cạnh đó, các trường không xác định được tỉ lệ thí sinh nhập học, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn).
Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển, nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, dự thảo quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1.
Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh. Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.
Thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh).
Giảm ‘đau đầu’ cho các trường
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, theo quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, các cơ sở đào tạo được xét tuyển nhiều đợt trong năm, nhưng vẫn quy định lịch trình chung cho xét tuyển đợt 1, đồng thời quy định thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp mới đủ điều kiện để xét và trúng tuyển vào đại học; vào cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Các trường hoàn toàn chủ động tổ chức xét tuyển sớm với các phương thức khác nhau (trước khi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT), tuy nhiên phải chờ tới khi thí sinh có kết quả xét tốt nghiệp mới được công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học.
Với quy định về hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung như trong dự thảo quy chế năm nay, lịch xét tuyển chung đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước.
Hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung cũng không làm thay việc xét tuyển của các trường, không ảnh hưởng đến quyền tự chủ xét tuyển của các trường. Thời gian các trường có thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2-3 tuần so với các năm trước, nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống.
Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng, và các em được trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của mình (đã sắp xếp theo thứ tự nguyện vọng) khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý rằng, nguyên tắc thí sinh “chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất” vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh (theo nguyện vọng ưu tiên nhất), bởi nếu thí sinh đỗ nhiều nguyện vọng mà chỉ nhập học 1 nguyện vọng sẽ lấy mất cơ hội của một số thí sinh khác.
Các cơ sở giáo dục đại học vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh đa dạng, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
Vì những lợi ích nói trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số trường đại học thông qua các hội nghị tuyển sinh, các cuộc họp giao ban.
Giải pháp này được đánh giá là tốt nhất để có thể khắc phục, giảm thiểu được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh, bởi nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì nhà trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để lọc ảo
Năm 2021, đã có 50% thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Những năm qua các trường đã tham gia hệ thống để lọc ảo thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Mục tiêu năm 2022 sẽ lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống.
Chính vì vậy, với kinh nghiệm, kết quả từ công tác tuyển sinh các năm trước, để tránh nhầm lẫn và hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở đào tạo, thí sinh, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (phần mềm với cơ sở dữ liệu về tuyển sinh có cơ chế kiểm soát để hỗ trợ và hạn chế các sai sót của thí sinh trong quá trình đăng ký), hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên họp giao ban trực tuyến với các sở giáo dục và đào tạo, với cơ sở đào tạo để thống nhất về chủ trương, hoàn thiện chính sách, hoàn thiện các thông tư và văn bản, kế hoạch về tuyển sinh; đồng thời trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh của các trường, các nhóm trường.
Quản lý về dài hạn
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, từ những đổi mới cả về cấu trúc, nội dung và cách tiếp cận trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đã được xác định rõ.
Dựa trên những yêu cầu chung và những nguyên tắc cơ bản quy định trong dự thảo, các cơ sở đào tạo tự chủ xây dựng và lựa chọn áp dụng phương thức tuyển sinh phù hợp nhất, thực hiện “thống nhất trong đa dạng”, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để phát hiện và khắc phục các bất cập trong công tác tuyển sinh, những điều chỉnh nếu có sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp kỹ thuật.
Hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sẽ được tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước sẽ trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, kết nối với cơ sở dữ liệu các bậc học, quản lý thông tin người học thông suốt từ quá trình tuyển sinh, đào tạo tới cấp bằng tốt nghiệp.
Theo