Chỉ còn hơn một tháng nữa, thí sinh lớp 12 bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để lấy căn cứ xét tuyển vào đại học.
Đây là thời điểm then chốt để các trường học tại Hà Nội tăng cường củng cố kiến thức cũng như ổn định tâm lý cho học sinh.
Giúp học sinh phát huy hết khả năng
Cô Hoàng Thị Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) – nhận định: Học sinh lớp 12 năm nay có nhiều thiệt thòi khi trải qua ba năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian học trực tuyến kéo dài. Khi thành phố cho phép mở cửa trường học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch để tổ nhóm chuyên môn tổ chức ôn tập tốt nghiệp cho các em. Thầy cô sẽ phân loại, quan tâm hơn đến những em học yếu để tổ chức ôn tập riêng.
Ngoài ra, nhà trường tiến hành các đợt kiểm tra khảo sát cho 625 em khối 12 ở 14 lớp. Qua đây, các em được củng cố thêm kiến thức và biết được khả năng của mình đến đâu để có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Đồng thời, học sinh được rèn kỹ năng làm bài, nhất là các môn thi theo hình thức trắc nghiệm.
“Bên cạnh đó, nhà trường cũng sớm ban hành kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là trong hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thầy cô chủ nhiệm sẽ là người nắm bắt được tình hình để tư vấn sát với năng lực, sở trường của từng em trong quá trình học tập. Từ đó, học sinh phát huy được tối đa lợi thế của mình trong hướng nghiệp để có sự lựa chọn phù hợp.
Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng, trung tâm tư vấn nghề nghiệp đến để tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tháng 4, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoài Đức tổ chức chương trình tư vấn nghề nghiệp. Qua đó, học sinh có nhận thức đúng đắn trong xác định nghề nghiệp của mình để phát huy năng lực” – cô Hoàng Thị Quyên nói.
Do phải học online trong nhiều giai đoạn nên kế hoạch ôn tập để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT của em Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Hoài Đức B có sự thay đổi. Em đặt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo tổ hợp Toán, Địa lý và Tiếng Anh.
Do sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp với Chứng chỉ IELTS nên Trà My sẽ tập trung thời gian nhiều hơn cho hai môn còn lại, nhất là Địa lý. Bên cạnh đó, nữ sinh này cũng chú trọng rèn luyện và củng cố kiến thức thông qua việc làm các đề thi thử cùng bạn bè. Buổi tối hôm trước cùng luyện đề với các bạn, ngày hôm sau sẽ chữa và trao đổi lại bài xem mình sai ở câu nào và rút kinh nghiệm.
Chú trọng vai trò tư vấn
Với hơn 600 học sinh khối 12 đang theo học, Ban giám hiệu Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) chủ động phân công giáo viên ôn thi tốt nghiệp là những thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng. Thầy cô sẽ quan tâm và chia sẻ về áp lực học tập với học trò. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thanh cho hay: Để động viên học sinh, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thông qua trao đổi về tình hình học tập cũng như sức khỏe, tâm lý của các em. Từ tháng 3, nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm và bộ môn ở các lớp rà soát, lập danh sách học sinh học yếu để tập trung ôn luyện, bồi dưỡng miễn phí.
“Khi mới tham gia lớp học này, nhiều em có tâm lý e ngại. Tuy nhiên khi được sự quan tâm, dìu dắt của thầy cô, các em đã chăm chỉ, tự tin hơn trong học tập. Hiện, nhà trường tăng cường phụ đạo các môn thi tốt nghiệp THPT, nhất là môn Tiếng Anh.
Học sinh tham gia lớp học rất hào hứng và chịu khó rèn luyện. Tổ chuyên môn xây dựng nội dung chi tiết ở các tiết ôn tập để bám sát chương trình thi tốt nghiệp, phân tích đề minh họa của Bộ GD&ĐT, giúp học sinh tiếp cận được kiến thức, kỹ năng trước khi thi. Nhờ sự nỗ lực của cả thầy và trò, tại kỳ thi khảo sát lớp 12 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vừa qua, Trường THPT Sóc Sơn có kết quả đứng thứ 18/200 trường THPT của Thủ đô. Kết quả này là động lực để động viên cho thầy cô và học sinh tiếp tục cố gắng trong thời gian tới”, cô Diệu Thanh nhấn mạnh.
Với nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành Kinh doanh quốc tế của Học viện Ngân hàng, em Đoàn Quốc Huy – học sinh lớp 12A1 Trường THPT Sóc Sơn – chia sẻ: Thời gian thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên em sẽ tập trung ôn thi các môn theo tổ hợp đã đăng ký là Toán, Vật lý và Tiếng Anh. Còn theo em Nguyễn Quỳnh Anh, ngoài giờ ôn tập trên lớp thì thời gian ôn luyện ở nhà cũng rất quan trọng. Nữ sinh này xây dựng thời gian biểu tại nhà một cách hợp lý; phân chia thời gian học các môn vào khung giờ thích hợp. “Ví dụ, buổi sáng sẽ là thời gian em học những môn xã hội, với các môn tự nhiên sẽ ôn vào buổi chiều hoặc tối.
Việc phải ngủ đủ giấc và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo đảm sức khỏe cũng cần thiết. Năm nay, các trường đại học có nhiều hình thức tuyển sinh nên em sẽ cố gắng mở rộng cơ hội cho mình bằng cách sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực và xét học bạ THPT. Với điểm thi tốt nghiệp THPT, em đặt nguyện vọng vào nhóm ngành kinh tế của một số trường đại học như Học viện Tài chính, Đại học Thương mại” – Quỳnh Anh nói.
“Trường THPT Hoài Đức B có không ít học sinh lựa chọn con đường học nghề và rất thành đạt. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường đã liên hệ và mời một số cựu học sinh tới trường để chia sẻ cho các em về bí quyết học tập, học nghề. Qua những buổi nói chuyện, học sinh hiểu được rằng để tạo lập cho mình sự nghiệp và công việc mang lại thu nhập cao thì đại học không phải là con đường duy nhất. Thành công chỉ đến khi các em thực sự nỗ lực để phát huy được hết khả năng, sở trường và đam mê. Nhà trường sẽ tiếp tục mời cựu học sinh thành công về chia sẻ bí quyết thành đạt cho thế hệ sau” – cô Hoàng Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B chia sẻ.
Theo