Ước tính 2/3 phụ huynh của 89.200 thí sinh chọn “không yên tâm” cho con thi THPT đợt 1 (ngày 7 và 8/7), song khoảng một nửa trong số họ vẫn đồng ý để con tham gia.
Sáng 29/6, gần 200 trường THPT công lập và tư thục đã hoàn thành ý kiến phụ huynh về phương án thi tốt nghiệp THPT. Số liệu này sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo với Thường trực UBND TP HCM, để làm một trong những căn cứ quyết định phương án thi tốt nghiệp (đợt 1 hay 2) cho hơn 89.200 thí sinh.
Khảo sát của VnExpress tại gần 20 trường THPT công lập trong thành phố cho thấy, hai phương án đầu tiên: yên tâm và đồng ý cho con đợt 1; không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi đợt 1 chiếm khoảng 60-70%. Số còn lại chọn phương án 3 là không yên tâm và không đồng ý cho con thi.
Còn tại nhiều trường THPT tư thục, số phụ huynh chọn phương án 3 cao hơn, chiếm hơn một nửa. Nếu chỉ tính tiêu chí không yên tâm cho con thi đợt 1 (tức chọn phương 2 hoặc 3), khoảng 60-70% phụ huynh chung tâm trạng.
Kết quả khảo sát tương đối ở nhiều trường THPT như sau:
STT | Phương án | Tỷ lệ |
1 | Phụ huynh yên tâm và đồng ý cho con thi đợt 1 | 30% |
2 | Phụ huynh không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi đợt 1 | 30-40% |
3 | Phụ huynh không yên tâm và không đồng ý cho con thi đợt 1 | 30-40% |
Tương tự, nhiều diễn đàn Facebook của phụ huynh cũng tạo ra các khảo sát theo 3 phương án trên. Kết quả lựa chọn không đồng ý thi áp đảo, khoảng 60-70% bởi Covid-19 tại TP HCM đang diễn biến khó lường, chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Từ chiều qua, khi nhận được phiếu khảo sát của trường qua Google Forms, gia đình ông Trần Việt Hùng (ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức) nổ ra tranh luận. Vợ chồng ông đều không yên tâm khi con thi THPT đợt 1 nên quyết định chọn phương án 3. Tuy nhiên, con gái lại sốt ruột, năn nỉ bố mẹ chọn phương án 1 hoặc 2 bởi mong muốn “được thi cho nhẹ gánh”.
Ông Hùng cho biết, con gái đã trúng tuyển đại học bằng xét học bạ và thi đánh giá năng lực, nên kỳ thi tốt nghiệp THPT bây giờ chỉ mang tính thủ tục. “Khả năng tốt nghiệp trong tầm tay rồi, kéo dài mãi cũng rất tội cho con nhưng tôi không thể đánh cược sức khoẻ của con được”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, sau nhiều giờ băn khoăn bàn thảo, vợ chồng ông dù “lòng như lửa đốt” nhưng quyết định chọn phương án không yên tâm nhưng vẫn đồng ý thi để trung hoà ý kiến với con.
Nhiều phụ huynh khác cho biết đã “đặt lên bàn cân” bài toán xét tuyển vào đại học, nên không yên tâm cho con thi đợt này vẫn phải đồng ý vì sợ mất cơ hội xét tuyển (nếu phải chuyển qua đợt 2).
Trong khi đó, nhiều gia đình thẳng thắn “không cho thi” với bất cứ lý do nào khi dịch bệnh đang rất phức tạp. “Làm sao để con đi thi với tâm trạng hoang mang, lo sợ, không biết ai là F0, F1. Lo lắng như vậy thì tâm trí nào các con đọc đề thi, làm bài cho tốt”, bà Phan Ánh Tuyết (phụ huynh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) chia sẻ.
Bà Tuyết chọn phương án không đồng ý cho thi, dù con chưa trúng tuyển vào bất cứ đại học nào trước đó, rất kỳ vọng kết quả ở kỳ thi tốt nghiệp này. Bà kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán phương án cho địa phương xét tốt nghiệp, thay vì thi, khi Covid-19 chưa có điểm dừng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, mục đích của việc khảo sát ý kiến phụ huynh không phải để quyết định thi hay không. Đây là căn cứ để thành phố nắm được tình hình, có cơ sở xem xét toàn diện khi quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tạo sự yên tâm cho phụ huynh và thí sinh.
Ông nhìn nhận, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một áp lực lớn cho học sinh lớp 12 bởi ngoài mục đích xét tốt nghiệp, kết quả là cơ sở xét tuyển đại học. Tuy nhiên, mục tiêu tốt nghiệp đã “gần như trong tầm tay” của thí sinh bởi tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở TP HCM nhiều năm gần đây trên 98%. Do đó, với mục tiêu quan trọng là vào đại học, phần lớn thí sinh mong muốn được thi đợt đầu.
Với 4.700 học sinh ở các tỉnh khác theo học THPT tại các trường ngoài công lập, TP HCM đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP HCM cho phép các em đăng ký tham dự thi đợt 2 nếu có nhu cầu.
“Việc quyết định phương án thi phụ thuộc vào tình hình sức khỏe và khu vực phong tỏa có lớn hay không. Dù tổ chức thi theo phương án nào cũng phải đảm bảo an toàn cho thí sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia kỳ thi”, ông Hiếu nói.
Hiện, thành phố đã huy động hơn 15.800 người để phục vụ kỳ thi; trong đó 400 nguời là thanh tra thi; cán bộ chấm thi là hơn 1.700; cán bộ chấm phúc khảo 1.000 người.
Nếu ngày mai (30/6) UBND TP HCM chốt thi đợt 1, ngày 2/7 (tức 5 ngày trước kỳ thi) sẽ diễn ra buổi tổng dợt phương án thi an toàn. Sở Y tế hỗ trợ nhân sự để lấy xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh; trưởng điểm thi triển khai phương án thi an toàn gồm: phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn học sinh giãn cách ra vào điểm thi… Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng. Phòng thi không quá 24 thí sinh, không sử dụng máy lạnh. Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh theo phòng thi; thí sinh ra về ngay sau khi thi, không tụ tập. Về công tác an ninh, Công an TP HCM sẽ cử 2 công an làm việc trong mỗi điểm thi, 2 công an bảo vệ trật tự bên ngoài. Ngoài ra, mỗi điểm thi sẽ có thêm ít nhất 6 nhân sự là công an phường, xã, dân phòng, bảo vệ khu phố hướng dẫn phân luồng, đảm bảo giãn cách, tránh tụ tập đông người. Công tác chuẩn bị thi đang hoàn tất theo kế hoạch thi đợt 1 (ngày 7 và 8/7) vẫn diễn ra theo kế hoạch. Những thí sinh ở nơi bị phong toả hoặc thực hiện cách ly xã hội, nhóm F0-F2 sẽ dự thi tốt nghiệp đợt 2 (lịch được thông báo sau). Để giúp ngành giáo dục rà soát thí sinh ở nơi bị phong toả, thuộc nhóm F0-F1, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc với học sinh hằng ngày để cập nhật thông tin. Khi có kế hoạch xét nghiệm cho thí sinh, các trường sẽ triển khai thông tin đến các em, hỗ trợ nhân sự điều phối, giúp ngành y tế lấy mẫu. |
Theo VN Express.