Quy chế tuyển sinh đại học 2022: Điểm mới cần lưu ý để thí sinh cầm chắc ‘tấm vé’ vào ĐH

17:17 15/04/2022

Quy chế tuyển sinh đại học 2022 sẽ có một số điểm mới trong đó phải kể đến là sự thay đổi về quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ mà thí sinh cần lưu ý.

Thay đổi chính sách ưu tiên

Một nội dung được thí sinh quan tâm trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 là Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực (KV). Theo đó, mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên: KV1 là 0,75 điểm, KV2 – nông thôn là 0,5 điểm và KV2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên KV chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ không được tính điểm ưu tiên KV (như KV 3).

Theo quy định mới, điểm ưu tiên cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 là 2 điểm, nhóm đối tượng ưu tiên 2 là 1 điểm, áp dụng không phụ thuộc năm thí sinh tốt nghiệp THPT.

Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách theo quy định chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất. Các mức điểm ưu tiên được quy định tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số). Trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.

Theo Bộ GD-ĐT, căn cứ đề án tuyển sinh đã công bố, các trường tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng được tuyển thẳng đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Kết quả được công bố trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung

Năm 2022, việc đăng ký dự thi và xét tuyển sẽ được thực hiện theo một phương thức là trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thu Thủ – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), việc này nhằm thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ công quốc gia. Việc đăng ký trực tuyến đã được thử nghiệm từ những năm trước và thành công trên tất cả địa phương.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng số lượng nguyện vọng cực lớn thì không biết khả năng xử lý của công cụ lọc ảo và xác định nguyện vọng trúng tuyển duy nhất cho mỗi thí sinh sẽ thế nào.

Ngoài ra, năm nay việc sắp xếp nguyện vọng sẽ theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng thứ nhất đến nguyện vọng thứ “n”, không giới hạn số lượng nguyện vọng mà thí sinh mong muốn đăng ký. Sau đó, hệ thống sẽ lọc ảo chung.

Quy định này sẽ giúp thí sinh trúng tuyển nguyện vọng mình mong mỏi nhất và phù hợp với năng lực. Nhờ vậy, giảm thiểu chi phí chung của xã hội, giảm số thí sinh ảo.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì cho rằng với quy định thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT sẽ gây khó cho các trường đã thực hiện tự chủ tuyển sinh.

“Trường hợp thí sinh đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Điều này làm khó với các trường được tự chủ tuyển sinh, do vậy nên bỏ quy định này”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói.

Không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm

Những năm gần đây, các trường đại học áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh (bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp). Vì vậy, nhiều thí sinh được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển trước khi biết điểm thi tốt nghiệp (điều kiện cần). Các em có thể xác nhận nhập học sớm và hoàn thành thủ tục nhập trường khi đã có đủ giấy tờ.

Tuy nhiên, năm nay, dự thảo tuyển sinh 2022 quy định, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ; và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Việc đăng ký tất cả nguyện vọng bằng mọi phương thức lên hệ thống được cho là sẽ giúp giảm thiểu thí sinh ảo. Hệ thống của Bộ sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển các nguyện vọng cao hơn.

Thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm khi đủ điều kiện hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác. Các trường không được bắt buộc các em xác nhận nhập học sớm. Khi chưa xác nhận nhập học, các em vẫn được sử dụng quyền đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung để có thêm cơ hội trúng tuyển như thí sinh khác.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Những năm trước các trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm là để chống ảo và dồn chỉ tiêu mà các em không nhập học cho các phương thức xét tuyển khác thì trường mới tuyển đủ chỉ tiêu đồng thời tăng khả năng trúng tuyển của các thí sinh ở các phương thức còn lại.

Tôi cho rằng chỉ cần quy định các trường ĐH phải tải danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học sớm lên cổng thông tin để không xét tuyển ở các trường khác là đủ. Bộ còn cho phép các em đã trúng tuyển tạm thời tiếp tục lựa chọn nguyện vọng ở các phương thức khác càng làm tăng số lượng thí sinh ảo và nguy cơ lớn là các trường sẽ khó trong việc tuyển đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1″.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận