Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022: Lợi ít, khó nhiều

14:04 13/06/2022

Nhìn chung, Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành có lợi cho thí sinh lẫn các trường nhưng thực tế các trường nhìn nhận: thuận lợi ít, khó khăn nhiều.

Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Các trường sẽ vất vả

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, nhìn chung quy chế tuyển sinh năm nay phần thuận lợi thì ít trong khi khó khăn, phức tạp thì nhiều. Thuận lợi duy nhất là thí sinh đăng ký trực tuyến, có thể giảm bớt việc dùng giấy và các thủ tục hành chính phức tạp. Về khó khăn, thứ nhất, phía thí sinh phải đăng ký (thậm chí đăng ký 2 lần với phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp) tất cả nguyện vọng (NV) của các phương thức xét tuyển trên cổng dữ liệu chung và thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 NV duy nhất.

Điều này sẽ không có vấn đề gì với các em thật sự giỏi và đăng ký ít NV. Nhưng với các em đăng ký nhiều NV thì việc khai báo tất cả các NV cùng lúc có thể làm các em rối, dẫn đến kết quả trúng tuyển chưa phải là ngành/trường như mong muốn tương ứng với năng lực. Thứ hai, về phía các trường, khó khăn nhất là phải quyết định số lượng trúng tuyển cho tất cả phương thức cùng một thời điểm trong khi tỷ lệ nhập học rất khó dự đoán theo quy định mới của quy chế.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, công tác tuyển sinh năm nay có phần vất vả hơn. Việc tất cả phương thức trúng tuyển công bố một đợt sẽ rất khó tính toán tỷ lệ ảo (giữa trúng tuyển và nhập học). Điều này có thể làm các trường ĐH thấy “khó chịu” vì trường sẽ không có “quyền” bắt thí sinh phải nhập học trước. Trong khi điều 8 của quy chế đã quy định, cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung; cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý NV cùng với phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Điều này sẽ công bằng cho thí sinh các đợt, vì nếu đạt yêu cầu xét tuyển bằng học bạ, bằng hình thức thi riêng sẽ được trường ĐH yêu cầu thí sinh trúng tuyển nhập học trước và đợt xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhập học sau cho chắc chắn.

Điều thuận lợi cho thí sinh nữa là quy chế yêu cầu các trường phải giải trình phương án xét tuyển “lạ”, tổ hợp “lạ” như vào ngành Y mà xét tổ hợp Văn, Lịch sử, Toán. Nếu lấy tổ hợp này để xét tuyển vào ngành Y, Dược thì nên giải thích cặn kẽ và công khai trên website, phương tiện thông tin đại chúng cho thí sinh được biết. Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu các trường cần quy định phương án giải quyết rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn. Điều này giúp các thí sinh bớt lo lắng nếu như đăng ký xét tuyển bị nhầm.

Thấp thỏm lo sự cố

Với việc xét tuyển trễ (sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có 6 tuần để điều chỉnh NV), cùng với việc khó tính toán tỷ lệ ảo nên nhiều trường ĐH cho rằng rất bị động và phải lên nhiều kịch bản để phòng ngừa trong mùa tuyển sinh năm nay.

TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phân tích, việc xét tuyển trễ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường. Tất cả phương án xét tuyển và công bố điểm trúng tuyển cùng một đợt khiến các trường khó khăn trong việc chủ động và tính toán việc nhập học ở các phương thức khác, ngoài phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thí sinh thi tốt nghiệp từ ngày 7 đến 9-7, nhưng khoảng 10 ngày sau mới có điểm thi. Sau đó, thêm 6 tuần thí sinh điều chỉnh NV, rồi lọc ảo cũng đến tầm tháng 9 mới công bố điểm. Như thế công tác tuyển sinh sẽ rất căng thẳng. Đó là chưa nói các trường tuyển không đủ chỉ tiêu phải chuẩn bị sẵn phương án cho xét tuyển các đợt bổ sung.

Trong khi đó, một chuyên gia tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, nếu như phần mềm xét tuyển chung thuận lợi, không gặp những sự cố đáng tiếc thì năm nay thí sinh nhập học sẽ rất trễ và ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường. Nếu phần mềm gặp sự cố như hiện nay (có trường gửi dữ liệu lên hệ thống nhưng khi tải về lại mất một số thông tin, có trường danh sách giảng viên lại mất phần học hàm học vị…), đặc biệt là nhầm lẫn hoặc không thỏa hết điều kiện của phương thức xét tuyển sẽ phải mất thêm thời gian để xử lý. Đó là chưa nói việc thí sinh trúng tuyển nhiều phương thức, nhiều trường, nhiều ngành nhưng phần mềm chỉ cho trúng tuyển 1 NV duy nhất và nhận 1 giấy báo trúng tuyển là triệt tiêu quyền lợi của thí sinh. Hiện nay, nhiều học sinh Việt Nam trúng tuyển vào nhiều trường ĐH lớn ở Anh, Mỹ, Úc, Pháp… nhưng việc học trường nào, ngành nào là quyền lựa chọn của các em chứ không một ai có thể quyết định.

Nhiều trường hiện nay cảm thấy hoàn toàn bị động trong công tác tuyển sinh và tất cả phải chờ vào đợt xét tuyển chung cho các phương thức. Quy chế là văn bản quy phạm pháp luật nên các trường vẫn phải tuân thủ. Tuy nhiên, với nhiều sự cố đã gặp mỗi khi điều chỉnh kỹ thuật, các trường hiện cũng đã đưa ra một số phương án dự phòng nếu việc xét tuyển chung gặp sự cố hoặc các phương án xét tuyển bổ sung.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Đánh giá chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận định, mặc dù đã có nhiều góp ý và phân tích những điểm bất cập từ khi dự thảo xung quanh những điều chỉnh của Bộ GD-ĐT về mặt kỹ thuật trong xét tuyển, nhưng quy chế ban hành đã cho thấy dường như bộ muốn làm thay công tác tuyển sinh của các trường. Luật Giáo dục Đại học 2018 và Nghị định hướng dẫn thi hành luật này cũng quy định tuyển sinh là việc của các trường (xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển) nhưng quy chế đang đi ngược lại với tinh thần tự chủ luật định.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận