Sau tập huấn, lực lượng tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT phải vượt qua bài kiểm tra mới được lựa chọn để tham dự vào các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.
Ngày 29/6, đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi của tỉnh Thái Nguyên. Trước đó, đoàn cũng kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Lạng Sơn.
Tập huấn quy chế thi 3 lần
Theo ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên, tỉnh có 16.973 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 3.000 em là thí sinh tự do và thí sinh Giáo dục thường xuyên. Tổng cộng tỉnh này có 33 điểm thi.
Thái Nguyên đã huy động hơn 2.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành Giáo dục, Công an, Y tế… tham gia làm công tác coi thi, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe. Tất cả lực lượng này, theo từng nhiệm vụ, đã tham gia tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra.
Vượt qua bài kiểm tra sau tập huấn, cán bộ, giáo viên, nhân viên mới được lựa chọn để tham dự vào các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.
Tại Lạng Sơn, năm nay địa phương có 9.573 thí sinh. Tỉnh bố trí 417 phòng thi tại 21 Điểm thi. Hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành giáo dục, công an, y tế… được huy động tham gia các nhiệm vụ coi thi, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn.
Thành viên của các Hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi ở đây cũng được tập huấn 3 lần kỹ lưỡng và được khảo sát sau tập huấn.
Sau đó, mỗi nhà trường THPT tiếp tục tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia làm thi với mục tiêu đảm bảo từng thành viên tham gia quá trình tổ chức kỳ thi đều nắm vững quy chế.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, hiện nay chúng ta có công nghệ thông tin để quản lý; các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng chấm thi đều có camera giám sát đảm bảo quét toàn bộ trong phòng.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt nhưng tất cả các lực lượng tham gia quy trình này đều phải có trách nhiệm.
Cán bộ coi thi là người tiếp xúc đề thi, nếu không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí nhận thức đơn giản hoặc nể nang đồng nghiệp là có thể có những hành vi sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát lại cán bộ tham gia làm thi để có những lựa chọn chính xác. Trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, chểnh mảng trong công việc phải thay thế ngay và đánh giá thi đua.
Bên cạnh đó, những nhân sự làm tốt, nỗ lực, trách nhiệm cần được tuyên dương kịp thời để tạo động lực cho cán bộ và các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ khác, cũng như trong tổ chức kỳ thi các năm sau.
Xét nghiệm cho người làm thi và thí sinh
Liên quan đến dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên hiện có 05 trường hợp F0, trong đó không có thí sinh nào của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tuy nhiên, có 11 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi kỳ thi này đang ở vùng phong tỏa hoặc chưa hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà và đang ở vùng có dịch, chưa về Thái Nguyên.
“Nếu có quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước ngày 06/7/2021 và không phát sinh ca nhiễm mới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức thi đợt 1 cho tất cả thí sinh theo nguyện vọng của các em”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nói.
Hiện nay, các đơn vị có thí sinh đăng ký dự thi trong toàn tỉnh vẫn tích cực rà soát danh sách thí sinh đang ở vùng cách ly, phong tỏa, các đối tượng diện F0, F1, F2 để Sở GD&ĐT kịp thời báo cáo BCĐ thi cấp tỉnh. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo việc phòng chống dịch ở từng điểm thi được rốt ráo hoàn tất.
Theo đó, mỗi điểm thi sẽ có 02 phòng cách ly tạm thời cho người nghi ngờ mắc để theo dõi y tế, thực hiện cách ly theo quy định; 01 phòng trực y tế đảm bảo đủ phương tiện phòng dịch.
Trước ngày 6/7, tất cả các điểm thi sẽ được vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn. 100% lực lượng tham gia làm thi ở địa phương này sẽ được xét nghiệm PCR (dự kiến vào ngày 01/7), để đảm bảo không có bất kỳ nguồn lây nào từ đối tượng này.
Tại Lạng Sơn, BCĐ thi tỉnh đã lên phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện có dịch. Kịch bản ứng phó với những tình huống phát sinh, cũng được địa phương tính toán kỹ lưỡng.
Theo đó, từng khu vực in sao đề thi đến các hội đồng thi đều thực hiện nghiêm nguyên tác 5K trong phòng chống dịch.
Các điểm thi, ngoài công tác vệ sinh khử khuẩn, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ làm thi trước khi vào trường thi, đảm bảo giãn cách… còn phải bố trí 02 phòng thi dự phòng cho thí sinh có biểu hiện ho, sốt nghi nhiễm Covid-19. Đặc biệt, có một phòng y tế để sẵn sàng xử lý các tình huống y tế nảy sinh trong quá trình tổ chức thi.
Dự kiến từ ngày 1/7 đến ngày 3/7, toàn bộ cán bộ làm thi và thí sinh tham dự kỳ thi ở Lạng Sơn sẽ được xét nghiệm PCR, đảm bảo kết quả âm tính mới được tham gia tổ chức thi và dự thi.
Trước đó, toàn bộ nhân sự Ban in sao đề thi của Lạng Sơn đã được tiêm vắc xin và xét nghiệm PCR đảm bảo kết quả âm tính mới vào khu vực cách ly. 15 nhân sự dự phòng vòng 1 của Ban in sao đề thi đã được tiêm vắc xin, sẵn sàng bổ sung, thay thế nếu phát sinh tình huống bất thường về dịch bệnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của hai địa phương và nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất đặc biệt quan trọng, vừa lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được đông đảo trường đại học sử dụng để tuyển sinh nên kỳ thi phải được tổ chức hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, chặt chẽ.
“Cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ nên tuyệt đối không chủ quan. Mọi sự lơ là, chủ quan trong tổ chức kỳ thi đều sẽ phải trả giá.
Tổ chức kỳ thi thận trọng nhưng tuyệt đối không quá căng cứng; chặt chẽ nhưng không quá căng thẳng…”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương không quá hoang mang khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn năm trước. Trong mọi tình huống, việc tổ chức kỳ thi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thí sinh.
Theo Dân trí.