Trau dồi kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT

13:04 18/05/2023

Các môn thi tốt nghiệp THPT chia thành hai dạng là tự luận và trắc nghiệm. Nắm chắc kỹ năng làm từng dạng bài giúp học sinh tự tin trước kỳ thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tỉnh Hưng Yên.

Ghi nhớ kiến thức thi trắc nghiệm

Đạt điểm 10 hai môn thi trắc nghiệm là Toán và Hóa, Nguyễn Văn Kiên, thủ khoa khối A00 tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đã chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện và làm bài thi trắc nghiệm.

Không học tủ kiến thức lý thuyết, Kiên cho biết trong thời gian ôn thi, em luyện nhiều đề và làm đi làm lại các dạng bài tập khác nhau từ lý thuyết đến thực hành. Phương pháp này giúp em tăng cường khả năng ghi nhớ và rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Sau khi kiểm tra đáp án, Kiên thường ghi lại các câu sai vào một cuốn sổ và xem lại vào thời gian rảnh.

Còn khi bước vào phòng thi, theo Kiên, thí sinh nên đọc lướt toàn bộ đề rồi gạch chân các từ khóa trong đề. Đây cũng là lúc thí sinh nên phân loại nhanh câu hỏi khó – dễ và áp dụng chiến thuật “câu nào dễ làm trước, khó làm sau”. Trước khi nộp bài, thí sinh nên soát lại đáp án thật kỹ càng.

Với bài thi trắc nghiệm, thí sinh hãy kiểm tra một lượt như mã đề, thông tin cá nhân, cách tô đáp án có mờ hay bị chờm ra ngoài hay không… để tránh máy chấm không đọc được kết quả. Sau đó, tiếp tục đối chiếu đáp án đã khoanh trong phiếu trả lời trắc nghiệm với đáp án trong đề thi để tránh khoanh sai đáp án và mất điểm không đáng có.

Còn Nguyễn Thị Hương, thủ khoa khối C00 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, chia sẻ, với dạng bài trắc nghiệm cần ghi nhớ lý thuyết một cách súc tích, ngắn gọn. Vì vậy, trong quá trình học, các bạn có thể tổng hợp ghi nhớ kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, gạch ý… Với Hương, em thường mang theo bên mình một cuốn sổ ghi chép nội dung lý thuyết để có thể học và ghi nhớ liên tục.

Với môn thi tự luận như môn Ngữ văn, Hương chia sẻ phải dành nhiều thời gian ôn luyện hơn hai môn trắc nghiệm là Địa lý và Lịch sử vì muốn rèn luyện ngòi bút trau chuốt. Khi học, em liên hệ năm sáng tác tác phẩm với các mốc lịch sử, từ đó hiểu sâu hơn về nội dung văn bản, thông điệp tác giả truyền tải. Hơn nữa, với phương pháp này, em cũng có thể kết nối các môn học với nhau.

Thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.

Lập thời gian biểu ôn tập Ngữ văn

Cô Nguyễn Thuỳ Dung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên, cho biết: Học sinh cần lên kế hoạch ôn thi bằng việc lập thời gian biểu chi tiết cho từng tháng, tuần, ngày; đồng thời xác định thời điểm để ôn tập trong ngày.

Khoa học đã chỉ ra 4 khung giờ vàng cho việc học. Trong đó, thời điểm giúp con người ghi nhớ kiến thức lý thuyết lý tưởng nhất trong ngày là từ 4h30 đến 6h sáng. Đây là lúc không khí trong lành, không gian yên tĩnh, đầu óc sáng suốt nên não bộ sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.

Từ 7h15 đến 10h sáng là khung giờ lý tưởng cho các môn xã hội. Bởi những môn này yêu cầu việc ghi nhớ các kiến thức liên quan đến sáng tạo và ít đòi hỏi tư duy logic nên thời gian ôn thi Ngữ văn vào buổi sáng là tương đối phù hợp.

Bên cạnh đó, cô Dung lưu ý, để ôn tập hiệu quả, các em chú ý sau 30- 45 phút ôn luyện cần nghỉ ngơi thư giãn 5-10 phút. Nếu cảm thấy quên kiến thức, không nên cố gắng nhớ lại.

“Nguyên tắc của học hiệu quả là quên để nhớ. Các em hãy để cho đầu óc thư giãn, rồi tự kiến thức sẽ ùa về lúc cần huy động. Nếu muốn ôn lại bài thì hãy ôn lại sau đó 10 phút, rồi một ngày, rồi một tuần và một tháng”, cô Dung cho hay.

Bước vào giai đoạn ôn tập, thí sinh cần định hướng rõ ràng những kiến thức cần cho kỳ thi dựa vào cấu trúc đề thi những năm trước và định hướng ôn tập của giáo viên bộ môn. Một nguyên tắc cần lưu ý khác với môn Ngữ văn là đọc và viết thật nhiều.

Nhiều năm ôn thi cho học sinh cuối cấp, cô Dung chỉ ra nhiều học sinh lười đọc và học thuộc tác phẩm mà chỉ chú trọng phân tích hay đọc văn mẫu, bài giảng mẫu. Các em đã quên mất rằng nếu không nắm chắc nội dung tác phẩm thì sẽ không hiểu được hết cái hay của bài.

Do đó, học sinh cần đọc đi đọc lại nhiều lần văn bản, dùng bút nhớ gạch chân những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ quan trọng cần ghi nhớ làm dẫn chứng. Sau khi đọc kĩ tác phẩm, các em có thể chuyển sang đọc lời bình, văn mẫu và học cách dùng từ, hành văn…

“Cùng với đó, các em hãy luyện viết thật nhiều để diễn đạt trôi chảy và tăng khả năng cảm nhận văn chương. Viết đến khi nào cảm xúc tuôn ra đầu ngọn bút thì khi vào phòng thi, các em sẽ rất tự tin với kiến thức và cảm xúc văn chương của mình”, cô Nguyễn Thuỳ Dung động viên thí sinh.

Theo  

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận