Năm 2023, có khoảng 10 kỳ thi độc lập được các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để phục vụ tuyển sinh. Việc ra đời nhiều kỳ thi riêng được cho là không cần thiết, thậm chí làm rối công tác tuyển sinh chung, vì vậy rất cần xem xét để tiết giảm.
Nở rộ kỳ thi riêng
Hai kỳ thi độc lập được nhiều thí sinh biết đến là kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học (ĐH) Quốc gia và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là các kỳ thi uy tín, chất lượng, đã khẳng định được thương hiệu qua nhiều năm nhờ cách thức tổ chức, ngân hàng và chất lượng đề thi, công tác coi thi, chấm thi cũng như số lượng thí sinh đăng ký, số trường sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ khoảng 70.000 thí sinh với 8 đợt. Trong đợt 1 tổ chức ngày 10 – 12/3 đã có gần 4.000 thí sinh dự thi (chiếm trên 95% lượng đăng ký).
Với kỳ thi đánh giá tư duy, năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi với nhiều điều chỉnh phù hợp, thuận lợi cho thí sinh. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Ngoài đánh giá năng lực và đánh giá tư duy, có hai kỳ thi độc lập mới được tổ chức lần đầu năm 2022 nhưng nhanh chóng có độ bao phủ rộng, đó là kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an và đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Được biết, năm 2022 có khoảng hơn 60 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, gần 20 trường sử dụng kết quả đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Năm 2023, 8 trường sư phạm sẽ sử dụng kết quả đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội và giữ ổn định 8 học viện, trường công an sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an.
Tại đề án tuyển sinh của từng trường năm 2023, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả các kỳ thi riêng được công bố rất cụ thể, chi tiết để thí sinh, phụ huynh nắm được, từ đó chủ động trong đăng ký nguyện vọng và lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Ngoài các kỳ thi nói trên và những kỳ thi năng khiếu đặc thù của một số trường đại học thì các kỳ thi độc lập nhằm mục đích tuyển sinh diện hẹp hoặc tuyển sinh nội bộ vẫn được công bố. Mới đây, trong thông báo tuyển sinh 2023, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Sài Gòn cũng cho biết chuẩn bị tổ chức kỳ thi riêng. Dự báo, các kỳ thi tương tự có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Sẽ cập nhật kết quả kỳ thi riêng lên hệ thống
Xét trong bối cảnh hiện nay, khi có đến 20 nhóm phương thức tuyển sinh được áp dụng cùng Kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT thì việc ra đời nhiều kỳ thi riêng cần được nhìn nhận thấu đáo để cân nhắc vấn đề nên hay không nên tổ chức. Học viện Báo chí & Tuyên truyền và trường ĐH Mở Hà Nội là hai cơ sở giáo dục được cho là đã linh hoạt khi đưa ra phương án tuyển sinh 2023 liên quan đến kỳ thi riêng.
Cụ thể: Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã chủ động loại bỏ kỳ thi năng khiếu báo chí trong việc tuyển sinh cho các chuyên ngành (Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, Ảnh báo chí, Quay phim truyền hình) từ năm 2023 vì xét thấy phương thức này “chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.
Hay trường ĐH Mở Hà Nội, để tạo điều thuận lợi cho thí sinh, với các ngành đào tạo có môn năng khiếu Vẽ (gồm ngành Thiết kế Công nghiệp và Kiến trúc), thay vì bắt buộc thí sinh phải tham dự kỳ thi tuyển sinh môn năng khiếu Vẽ do nhà trường tổ chức thì trường chấp nhận kết quả thi môn năng khiếu tại các cơ sở ĐH khác trên cả nước với điều kiện thí sinh nộp phiếu điểm về trường và đăng ký đúng thời hạn quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thì không thể mỗi lĩnh vực lại có một kỳ thi riêng và tiến tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi diễn ra bởi các trường khi tổ chức cần tính đến hiệu quả của kỳ thi. Các trường cần hợp tác, liên kết theo nhóm để cùng xây dựng, tổ chức một số kỳ thi…
Đồng tình quan điểm này, GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Không nên có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng trong thời gian tới. Các trường đại học sẽ không tách bạch mà dần liên kết với nhau, tạo sự thống nhất trong xét tuyển. Trường hợp liên kết tổ chức thi, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo cơ sở cho một kỳ thi công bằng, chất lượng”.
Để tối ưu hóa việc sử dụng kết quả của các kỳ thi độc lập trong xét tuyển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy thông tin: Năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (nếu có) lên hệ thống. Trên cơ sở đó, các học viện, nhà trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học mà không cần tổ chức kỳ thi riêng.
Theo