Đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 giữ ổn định và không có thay đổi đột biến so với mô hình đề thi trước.
Dự đoán đề thi Văn sẽ “dễ thở”
Cô Nguyễn Thị Ngọc Bé, giáo viên Ngữ Văn của Trường THPT Dương Đông (Kiên Giang) cho biết: Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022.
Nếu so sánh một cách cụ thể đề tham khảo năm nay với đề chính thức năm 2021 – 2022, sẽ thấy đề tham khảo năm nay “dễ” hơn rất nhiều.
Như vậy có thể thấy, nếu đề thi chính thức môn Ngữ văn năm nay vẫn theo hướng như đề thi tham khảo thì hoàn toàn đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, nhất là đối với các trường THPT có mặt bằng học sinh trung bình trở xuống.
Tuy nhiên học sinh tuyệt đối không được chủ quan và học theo kiểu đoán đề, học tủ. Ngay cả khi các em học tủ một tác phẩm, vẫn có thể “trúng tủ mà lệch ngăn”. Để đạt điểm tốt trong kì thi sắp tới, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, thực hành nhiều đề thi.
Theo nhận định của cô Lê Thị Bích Trân, Giáo viên Ngữ Văn của Trường THPT Tầm Vu (Hậu Giang), so với đề thi chính thức năm 2022 thì đề tham khảo năm 2023 có độ khó ở mức trung bình, phù hợp với mọi đối tượng học sinh.
“Có thể nói đề thi tham khảo năm 2023 đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới”, cô Trân cho biết thêm.
Với đề thi tham khảo năm 2023, học sinh trung bình dễ dàng đạt điểm 5-6, học sinh diễn đạt khá tốt, dẫn chứng phù hợp có thể đạt 7-8 điểm. Đối với những học sinh giỏi có thể đạt trên điểm 9.0.
Vì ở phần Nghị luận văn học, yêu cầu học sinh phải có năng lực đặc thù môn học như năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy, năng lực cảm xúc- thẩm mĩ…, học sinh phải biết kết hợp các thao tác lập luận, như phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, đánh giá mới có thể hoàn thành tốt bài làm để đạt điểm cao.
Nắm chắc kiến thức không chưa đủ, các em cần thực hành nhiều đề thi, chỉ thông qua làm bài chúng ta mới rút kinh nghiệm và hình thành kĩ năng đọc đề cũng như xử lý vấn đề. “Văn ôn võ luyện”, học gì cũng cần phải thường xuyên ôn luyện mới thành tài, môn Ngữ văn cũng thế.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Bé, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Dương Đông |
Gợi ý học sinh ôn thi Ngữ văn
Đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 giữ ổn định và không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi mấy năm nay. Cô Trần Thị Hồng Nhung – Giáo viên Ngữ Văn của Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ) chia sẻ một số kinh nghiệm và gợi ý ôn bài cho học sinh.
Thứ nhất, ở phần đọc hiểu, học sinh phải nhận diện được dạng câu hỏi và cách giải quyết từng dạng câu hỏi; không trả lời thừa, không thiếu, đảm bảo đủ và phù hợp với yêu cầu của câu hỏi. Câu trả lời rất cần có câu dẫn và cũng lưu ý học sinh đầu tư nhiều hơn cho những câu 3,4 của phần này (20-25 phút tùy theo độ dài, khó của ngữ liệu đọc).
Thứ hai, phần nghị luận xã hội không quá khó và cũng sẽ không mất nhiều thời gian nếu học sinh nắm chắc dàn ý triển khai đoạn văn nghị luận xã hội, để tránh viết lan man, bản năng. Đoạn văn không được quá dài hoặc quá ngắn về dung lượng so với yêu cầu và cần phải đi vào đúng trọng tâm của vấn đề nghị luận cũng như viết bám sát dàn ý. Thời gian tối đa dành cho câu này là 25 phút.
Thứ ba, phần nghị luận văn học không yêu cầu quá cao phần này đối với học sinh ở mức trung bình, yếu vì nó thật sự quá sức cả về kĩ năng lẫn kiến thức để giải quyết. Lưu ý với học sinh ở phần này là cần đảm bảo bố cục đủ 3 phần (mở bài, thân bài và kết bài).
Đồng thời, GV cần hướng dẫn học sinh thật kĩ về dàn ý của bài văn nghị luận (theo từng dạng đề sẽ có thể xuất hiện trong đề thi). Với học sinh khá, giỏi, GV sửa kĩ phần lí lẽ, diễn đạt, lập luận của học sinh. Đối với học sinh trung bình, yếu thì GV khuyến khích học sinh rèn viết mở bài và kết bài có thành thạo, riêng thân bài thì có thể cố gắng tự thân vận động nhưng tuyệt đối không được bỏ.
Đặc biệt, vì phần câu này trong đề thi thường sẽ xuất hiện dưới dạng đoạn (không phải cả tác phẩm) nên trong quá trình hướng dẫn bài, GV cần hướng dẫn học sinh nhận diện được các đoạn với đại ý cụ thể (hơn cả là phần truyện ngắn) thì khi đối diện với đề, học sinh mới có cơ hội giải quyết được.
Cuối cùng, hình thức bài làm cần đảm bảo tính thẩm mĩ từ chữ viết, đặt dấu thanh, xử lí phần nội dung sai khi viết, cách trình bày câu trả lời,… vì điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình chấm bài của giám khảo
Đề cần học sinh huy động nhiều kĩ năng như kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng tạo lập đoạn văn, bài văn nghị luận. Vì vậy, khi ôn tập, GV cần tạo nhiều điều kiện cho học sinh phát triển những kĩ năng nói trên (làm nhiều kết hợp với sửa kĩ sẽ đạt được) hơn là chỉ hướng dẫn những kiến thức về một số tác phẩm văn học trong chương trình.
Theo