Đến lớp 12, tôi chỉ biết rằng mình phải cố gắng để học một cái gì đó cho có nghề như người ta chứ chưa hề định hướng mình sẽ làm gì.
Do đó, năm đầu tiên thi đại học tôi bị rớt, thiếu 0,5 điểm. “Giá như ngày xưa mình cố gắng hơn chút nữa thì đâu phải bực tức”, tôi tự trách mình như thế. Vậy là tôi khăn gói lên thành phố học hệ trung học với ý định vừa học vừa ôn chờ năm sau thi tiếp. Nếu đậu đại học thì chuyển trường, còn rớt thì lại học tiếp trung học chuyên nghiệp.
Những buổi rảnh rỗi tôi lang thang ở công viên, nhìn thấy các bạn sinh viên khoác trên mình trang phục thể dục của trường đại học này, đại học nọ thấy thật tủi thân. Tôi cũng muốn mình như thế bởi thật ra tôi đi học trung học chỉ là cách đối phó mà thôi, tôi không thích ngành mình đang học. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ một điều: chẳng thà trễ một năm còn hơn trễ suốt đời. Thằng bạn của tôi phán một câu rằng: “Nếu đã không thích thì sớm hay muộn cũng sẽ bỏ”, vậy là bỏ thật.
Vậy là sau 3 tháng công cốc đi học, tôi trở về quê tay trắng. Tôi về nhà trong cái lo của mẹ bởi không biết năm sau tôi có thi đậu hay không. Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ khắc sâu hai từ “cố gắng”. Tôi bắt đầu cho kế hoạch ôn thi của mình, 6 tháng cho 3 môn, mỗi môn 2 tháng.
Quê tôi ở miền Tây, là con ut trong gia đình làm nghề nông nên khi ở nhà không thể ăn không ngồi rồi, từ những năm lớp 5 tôi đã biết tập tành cắt lúa, cắt cỏ nuôi bò và làm những việc nhà nông khác nữa. Vậy cho nên nói là 6 tháng ôn thi chứ thật ra chỉ ôn được buổi tối, còn ban ngày phải làm việc đồng áng. Tôi thích khối C nghĩa là học khá 3 môn văn – sử – địa. Từ nhỏ đến lớn, tôi cũng như anh chị trong nhà có “truyền thống” chưa từng đi học thêm, nhà tôi lại không khá giả nên tôi chỉ ở nhà tự ôn cho mình chứ không cần phải đi học ôn thi tốn kém.
Có những hôm vào vụ gặt lúa, đi làm phụ lúa cho ông cậu ruột, trời nắng chang chang, mồ hôi đầm đìa, tôi như muốn ngã quỵ. Trách ai? Còn tại ai nữa. “Mày không cố gắng học thì ráng mà chịu chứ nói ai bây giờ”, tôi tự bảo mình như thế. Vậy là phải cố gắng đứng lên, nếu không muốn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” thì phải học. Giai đoạn này cực khổ nhưng với tôi nó có ý nghĩa thật lớn lao, nó như một “bà đỡ” cho sự ra đời một “hài nhi kháu khỉnh”.
Thi khối C – khối ít người chọn, ít ngành để thi, loay hoay mãi tôi quyết định chọn ngành sư phạm để đỡ tiền học phí. “Khi con người ta dồn đến bước đường cùng thì mới chịu cố gắng hết sức” – tôi nghĩ vậy nên chỉ đăng ký một bộ hồ sơ duy nhất, để tự tạo cho mình áp lực mà cố gắng hơn. Ngành Giáo dục chính trị – trường Đại học Sư phạm TP HCM trở thành lựa chọn của tôi.
Tôi lôi ra những quyển vở và sách giáo khoa cũ. Tôi đọc sách, vở và soạn lại gần như tất cả cho mình thành một bộ “giáo trình” mới. Tôi đọc đi, đọc lại, xong quyển này lại chuyển sang quyển kia rồi lại đọc trở lại. Cứ như thế…
Ngày biết kết quả thi, tôi như không tin vào mình nữa, cố nhìn đến mấy lần để xem có phải tên của mình đó không. 19,5 điểm không phải là cao nhất nhưng cũng lọt vào top thí sinh cao điểm trong lớp và cũng đủ làm cho bạn bè tôi ngưỡng mộ. Tôi hạnh phúc báo tin về nhà, vậy là mình đã có thể đặt chân vào giảng đường đại học, trở thành một sinh viên đại học cho dù muộn hơn các bạn của tôi một năm. Quan trọng hơn là được học ngành mà mình thích, được gặp gỡ các bạn bè từ khắp mọi miền Tổ quốc, được trò chuyện, chia sẻ những đam mê, quan điểm của mình, được bên nhau trên chuyến đi thực tế ra Bắc trên chiếc ghế cứng ê ẩm người nhưng vẫn hát vang bài ca tuổi trẻ.
Ra trường với tấm bằng đại học loại giỏi, niềm đam mê lại thúc đẩy tôi đi xa hơn. 23 tuổi, tôi đang là một học viên cao học chuyên ngành Triết học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và cũng đang là giảng viên tập sự bộ môn lý luận chính trị của một trường Đại học ở Thành phố. Tôi có thể tự lo chi tiêu cho mình và biếu mẹ ít tiền hàng tháng, so với bạn bè tôi đó là một điều may mắn. Tôi thầm cảm ơn gia đình, bạn bè, thầy cô đã giúp đỡ tôi trong những chặng đường mà tôi tưởng mình không vượt qua được. Tuy vậy, tôi biết rằng còn rất nhiều khó khăn đang ở phía trước: việc học cao học không dễ chút nào, việc công tác cũng cần thời gian. Tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. “Học, học nữa, học mãi” câu nói của Lênin được in trên logo Khoa giáo dục chính trị đã theo tôi trên vai 4 năm đại học và sẽ theo tôi mãi mãi…
Nguyễn Văn Thật
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]