Ai cũng từng có những hoài bão và ước mơ. Với tôi, niềm hạnh phúc thực sự nhân đôi khi chinh phục được ước mơ với niềm đam mê cháy bỏng của mình.
Đó là trở thành cô sinh viên khoa báo chí, được gắn cuộc đời với cuốn sổ, cây bút và chiếc máy ảnh. Ước mơ của tuổi 17: đi, yêu và viết. Tự hào là người con của quê hương Thái Bình, nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại vùng huyện nghèo. Nơi đây, người dân quê tôi vẫn thao thao bất tuyệt rằng: “Cho con gái học làm gì? Học lắm rồi lại là con người ta, nhờ vả được gì? Cứ xóa cái mù chữ rồi đi làm lấy tí vốn, về lấy chồng là xong cái nợ”. Tôi buồn lắm khi người dân quê tôi vẫn còn những suy nghĩ và tư tưởng rất lạc hậu, cái nghèo khổ để có miếng ăn đã cướp đi bao mơ ước của các em nhỏ.
Tôi sinh ra trong một gia đình đông chị em, nhưng được học hành hơn các chị, đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi. Khác với người trong làng bố mẹ tôi vất vả lam lũ nuôi chị em tôi học hành để có cái chữ, để ấm vào cái thân, sau này thoát khỏi cảnh đồng ruộng, ăn bữa trước lo bữa sau. Bố tôi từng nói: “Đời bố mẹ và 2 chị lớn đã khổ thì mấy chị em con cố gắng mà học”. Tuổi 17 tôi có ước mơ, tôi biết mình sau này thích làm nghề gì. Tuy không được cha mẹ, anh chị hướng dẫn con đường đi tới tương lai như các bạn, nhưng với tôi: đi, yêu và viết đã trở thành một cơn khát mãnh liệt.
“Mẹ ơi! Con sẽ thi ngành Báo mẹ ạ!”. Tôi vẫn nhớ như in nét buồn phảng phất trên khuôn mặt mẹ khi tôi nói câu nói đó. Hình ảnh mẹ mồ hôi thấm qua hai lớp áo, chiến nón liêu xiêu che cả khuôn mặt sạm nắng với xe lúa đầy che khuất cả dáng người vừa kéo về đến sân. Mẹ khát mà không kịp uống nước đã ngồi xuống: “Mẹ nghe nói nghề báo vất vả lắm con à! Cứ nay đây mai đó, mình con gái không thích hợp đâu con”. Đôi mắt mẹ nhìn tôi mờ đi vì những giọt mồ hôi mặn chát.
Mẹ biết tôi thích thi ngành báo lúc nào mẹ cũng buồn. Vì nuôi chúng tôi mà cái lam lũ vất vả đã ăn mòn đi tuổi xuân của của, nhìn khuôn mặt mẹ tôi cũng không cầm được nước mắt, có gì đó như nghẹn lại nơi cổ họng mà không nói ra được, phải chăng tôi đã làm mẹ buồn lòng. Tôi biết mẹ tôi lo cho tôi nhiều lắm. Ở quê tôi, có được cái TV, hay ngồi đọc báo thì người dân cho đó là điều gì đó xa xỉ, vô bổ lắm vì thời gian đâu, tiền đâu mà bỏ ra cho mấy thứ đó. Còn bố tôi: “Báo với chí cái gì? Thi mà làm cô giáo, được thì học không thì thôi chứ báo chí cái gì? Con gái thì tìm cái nghề giáo mà học, làm gương cho các em”. Mọi người trong làng khi biết thi ngành báo còn nói rằng: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói sai sự thật đấy hả? Con gái thì học cao học xa làm gì? Tiền của đâu”. Và rồi sự im lặng của bố mẹ tôi những ngày sau đó đã khiến tôi bao lần cơm chan nước mắt, tôi buồn nhưng tôi biết bố mẹ chỉ muốn tốt cho tôi thôi.
Bố thương tôi nên mới vậy, vì tôi hay ốm đau lại nhiều bệnh không thích hợp cho nghề báo. Bố là người đã xóa tan cái ý định không học cấp 3 mà nó đã nhen nhóm trong tôi từ lúc còn nhỏ với ý định học cấp 2 xong sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để nuôi bố mẹ và các em. Sự nghiêm khắc của bố: “Nhà nghèo nhưng đâu đến nỗi không cho con học đủ cái chữ, gắng mà học sau này bớt khổ. Bố mẹ đã sai lầm để 2 chị lớn thất học, giờ lấy chồng phải tha phương cầu thực kiếm cái ăn, tất cả là do thiếu cái chữ. Còn con và các em thì phải cố gắng”. “Học, phải học thì sau này mới ngẩng mặt lên được” nhưng bố mẹ vẫn kiên quyết không cho tôi thi ngành báo.
Cuối cùng quyết định của tôi cũng được bố mẹ đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Tôi nhớ y nguyên cảm giác sung sướng hôm đó. Tôi đã hát cả ngày mà không chán, hát nhiều đến mức hát xong tôi chẳng biết mình đã hát cái gì, đến bố mẹ tôi cũng phải bật cười. Và tôi đã nộp hồ sơ vào trường Học Viện Báo chí và Tuyên truyền mà tôi đã tự ý mình hoàn thành từ trước đó.
Thi tốt nghiệp xong, tôi được bố mẹ cho lên nhà bác để ôn thi, vì ở nhà mùa màng đến sẽ ảnh hưởng đến việc học. Khăn gói đi ôn, cách nhà có 40km mà tôi khóc như một đứa trẻ lên 3. Tôi nhớ nhà! Tôi thương mẹ những đêm nằm khóc khi các khớp xương thoái hóa đau nhức đến co người mà vẫn nói rằng: “Mẹ không sao, con ngủ tiếp đi”. Tôi thương bố những đêm nằm ngoài sương gió ở bãi ngòi để trông ngô rồi mang bệnh với những cơn ho kéo dài. Tôi nhớ những buổi tối được dạy các em học bài, cùng giải những bài toán khó. Và nỗi nhớ chỉ bớt đi khi tôi lao vào học như một con thiêu thân. Học! Và chỉ có học!
Và ngày hôm nay, tôi đã là một cô sinh viên khoa báo chí năm 2, thành quả của 12 năm đèn sách, của 3 năm sáng sớm đạp xe 15km đến trường, và đặc biệt hơn đó còn là kết quả của một thời gian dài đấu tranh tư tưởng. Giờ đây tôi đi học, đi làm thêm, rồi đã tập viết bài gửi cho tòa soạn.
Nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Một trong những niềm hạnh phúc của người làm báo là được kí tên lên tác phẩm của mình, làm báo hình được người xem nhớ mặt, làm báo in được bạn đọc nhớ tên, làm báo phát thanh thì thính giả nhớ tiếng”. Tôi đã và đang đi tiềm niềm hạnh phúc đó.
Trường đời đã dạy cho tôi rất nhiều, và điều đó giúp tôi nhận ra rằng, nghề báo không dễ như tôi từng nghĩ. Đó là nghề làm cho đàn ông mau già, đàn bà mau xấu, làm báo phải luôn luôn “thọc sâu” vào cuộc sống, phải tìm ra cái bất bình thường trong những cái bình thường. Đây cũng nghề được xếp hạng nguy hiểm nhất thế giới, nghề mà nhiều người phải bỏ cuộc khi đánh mất niềm đam mê. Và hơn nữa theo được nghề phải là người có “bút sắc – lòng trong – tâm sáng”, nghề mà tôi khó khăn lắm mới theo đuổi và có được.
Các bạn ạ! Niềm tin và ước mơ sẽ không bao giờ mất nếu bản thân luôn cố gắng với niềm đam mê thật sự. Hạnh phúc của mỗi chúng ta là được làm theo điều gì mà mình muốn, được sống hết mình, làm và cố gắng hết mình với ước mơ. Với tôi, tôi sẽ sống cháy hết mình với ước mơ tuổi 17: đi, yêu và viết.
Nguyễn Gái
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]