Hãy để những ký ức vui, buồn và đẹp nhất của tuổi học trò ở một ngăn trong trái tim mình nhé. Nó sẽ nuôi sống các bạn và mang đến cho các bạn niềm hạnh phúc vô bờ.
Nếu ai đó hỏi, với bạn hạnh phúc nhất là gì? Với tôi, điều khiến tôi hạnh phúc nhất đó là được đến trường, được đi học như bao bạn bè khác, được hồn nhiên vui đùa cùng các bạn dưới gốc phượng già trong sân trường, nhặt những hoa phượng rơi để ép vào trang giấy trắng thơ mộng, được cùng nhau thi đua học thật tốt để bố mẹ vui lòng.
Và còn được cất giấu trong trái tim những kỷ niệm êm đềm, niềm vui và cả những nỗi buồn của ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm ruộng, bố mẹ tôi quanh năm lam lũ một nắng hai sương mà vẫn không đủ lo cho đàn con ăn học. Tôi biết rằng, mảnh đất miền trung quê tôi, thời tiết rất khắc nghiệt, người dân dù rất cần cù, tằn tiện mà vẫn cứ thiếu thốn.
Gia đình tôi cũng vậy, và vì ý thức được nỗi khổ của bố mẹ nên tôi đã học thật tốt, năm nào cũng được danh hiệu xuất sắc. Tôi còn nhớ, năm tôi học lên cấp hai, tôi đã phải hằng ngày đi bộ để đến trường cả chục cây số. Lúc đó, tôi rất muốn được đi học thêm môn toán, để được học thật giỏi môn này. Nhưng nhà tôi làm gì có tiền, mẹ tôi lúc đó đã động viên con gái:
– Con cố gắng học lên cấp ba, mẹ sẽ cho đi học thêm nhé!. Giờ nhà mình khổ quá, tiền trường, tiền quần áo, sách vở mẹ không thể lo nổi cho các con học đủ thứ đâu.
Nghe mẹ nói vậy, tôi thương mẹ lắm. Tôi nghe lời mẹ không đòi đi học thêm ở ngoài nữa. Có một lần, vì thèm được đi học thêm quá. Tôi đã lén đứng nép bên cửa sổ của lớp học để lắng nghe thầy giảng.
Thấy bài toán thầy giảng hay quá nên tôi cũng ngồi sát dưới cửa sổ để thầy không phát hiện ra, tôi lấy vở ra hì hục chép. Tự nhiên tôi nghe một tiếng “bốp” trên đầu. Tôi nóng hết cả hai tai, mặt đỏ như trái ớt, tôi chưa biết chuyện gì thì thầy hiệu trưởng đã ở trước mặt tôi, thầy nói:
– Đi ra khỏi chỗ này, để cho các bạn học.
Tôi rưng rưng nước mắt, cắp vở ra về. Tôi biết vì tôi lúc đó học lớp 9 rồi mà còn nhỏ tí, thầy đã nhầm tôi là đứa trẻ nghịch ngợm ở ngoài vào quấy rối lớp học. Từ đó, tôi không bao giờ dám nghĩ đến đi học thêm chui nữa.
Tôi tự mượn vở của các bạn về giải lại và có khi tôi mang những củ lạc, củ khoai của nhà làm ra, đổi cho chúng bạn để bọn nó giải cho tôi hiểu bài hơn. Nhờ thế mà tôi học ngày càng tiến bộ hơn lên.
Một buổi đến trường, một buổi tôi giúp mẹ chăn trâu, thái rau cho lợn và làm nhiều thứ khác mà bố mẹ cần. Vậy mà, tôi đã lên được cấp ba với số điểm cũng rất hãnh diện. Thầy cô kính yêu, mái trường dấu yêu và bạn bè mến yêu, tất cả hiện về trong tôi như một miền kí ức đẹp vô ngần.
Năm tôi lên cấp ba, vì xa nhà nên tôi phải đi xe đạp chứ không còn đi bộ nữa. Nhưng gia đình tôi vẫn còn nghèo lắm. Bố mẹ không mua nổi cho tôi chiếc xe đạp để đi học. Ở nhà tôi lúc đó có một chiếc xe đạp giàn ngang.
Đó cũng là phương tiện duy nhất để bố tôi đi xuống thị trấn những khi cần. Đó lại là con trâu kéo cày của nhà tôi, nó có thể dùng để thồ lúa, thồ khoai lúc mùa màng. Lên cấp ba, tôi phải mặc áo dài để đến trường. Tôi được nhận vải từ học sinh xuất sắc nên mẹ đã dùng vải đó để may áo dài cho tôi.
Hàng ngày đi học, tôi mặc áo dài cởi trên chiếc xe giàn ngang ấy, các bạn ai cũng cười trêu tôi dữ lắm. Vì tôi thấp con nên mỗi lần đứng xuống xe rất khó khăn, tôi phải chọn chỗ nào có bục cao mới chống chân dừng lại được.
Giờ nghĩ lại thấy tội lắm mà cũng vui vui. Mà sao khi ấy, tôi lại không thấy ngượng gì cả. Tôi chỉ có một quyết tâm là hãy học thật giỏi để các bạn không coi thường mình là con nhà nghèo thôi.
Tôi rất yêu quý bạn bè, tôi cũng rất hòa đồng nên chúng bạn nói vậy chứ ai cũng thương cho hoàn cảnh của tôi cả. Có bạn thương tôi đã cho tôi cả sách cũ để học. Tôi không sao quên được tình cảm yêu mến của thầy cô và bạn bè ngày đó đã giúp tôi vượt qua khó khăn để học tập.
Con đường đất đỏ quê tôi, ai đến cũng phải sợ lắm. Mùa mưa rất lầy lội và trơn. Ba năm cấp ba tôi chỉ có duy nhất một bộ áo dài. Tôi cũng chăm chút nó lắm nhưng vì ba năm mà ngày nào cũng mặc cả nên nó đổi từ màu trắng sang màu vàng.
Hơn thế, nó còn bị rách vá nhiều chỗ ở cùi chỏ tay và dưới ống quần, phải nói là nó rất te tua và thê thảm. Vậy mà, tôi cứ mặc mãi đúng trang phục quy định của nhà trường dù là nắng hay mưa. Vì bố mẹ quá nghèo khổ, vất vả nên tôi không bao giờ đua đòi quần này áo nọ hay học thêm học bớt gì cả.
Lúc đó, chỉ còn đúng ba tháng nữa là chúng tôi phải chia xa mãi mãi mỗi đứa một phương trời. Bầu trời cao rộng và xa xăm ấy, với chúng tôi còn rất nhiều điều mới mẻ đang chờ đón.
Chiếc áo dài của tôi đã sờn cũ lắm nhưng tôi vẫn tung tăng vui đùa cùng các bạn. Sự hồn nhiên, ngây thơ của ngày ấy, bây giờ tôi thèm lắm. Một lần, trong giờ ra chơi, tôi đã vui quá đà nên thằng bạn dùng ngón tay bấm vào vai tôi. Tôi thấy đau mà vẫn vui đùa suốt cả giờ ra chơi đó.
Vì thằng bạn bấm mạnh tay mà áo dài của tôi đã gần mục lắm rồi nên nó đã bị rách toạc ra một khoảng thật to. Tôi xấu hổ quá không nghĩ gì đến việc học được.
Tôi loay hoay lo lắng thì con bạn tôi đã kịp thời chuyển lên cho tôi chiếc áo khoác, tôi mặc tạm vào. Cả tiết học hôm ấy, tôi không thể tập trung nổi.
Chỉ còn ba tháng thôi là chúng tôi xa nhau rồi, nhưng chiếc áo dài của tôi đã dừng lại ở đó để chia tay tôi. Nó không cùng tôi đi suốt ba năm cấp ba mà chia tay tôi trước ba tháng, tôi rất buồn. Bố tôi viết đơn lên nhà trường xin cho tôi miễn trang phục áo dài để được đến trường.
Thế là hết, áo dài ơi! Thời gian trôi qua nhanh quá, ngày nào đó tôi là lọ lem của lớp 12/2 trường trung học phổ thông Trần Văn Dư mà giờ đây đã là một cô giáo làng rồi.
Các bạn ơi! Hãy để những ký ức vui, buồn và đẹp nhất của tuổi học trò ở một ngăn trong trái tim mình nhé. Nó sẽ nuôi sống các bạn và mang đến cho các bạn niềm hạnh phúc vô bờ đó.
Nguyễn Thị Bích Kiều
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’
Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc bu
ồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là một cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo bạn suốt cả cuộc đời.Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấn ấn không quên trong mỗi chúng ta.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 28/2 – 28/4.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây