Khi tôi 19

16:21 07/05/2013

Tôi 19 tuổi, sinh viên năm nhất một trường đại học danh giá và đang theo học một ngành khá hot – truyền thông.

Mỗi sáng thức dậy tôi vẫn tự hỏi: “Mày đã làm gì cuộc đời mình?”. Khi làm hồ sơ đại học, tôi không chắc chắn mình thích nghề nào, định chọn du lịch hoặc báo chí đơn giản vì tôi ao ước được xách ba lô lên, đi khắp mọi miền để khám phá, và thích viết về những trải nghiệm đó. Bố mẹ tôi nhất quyết phản đối, họ muốn tôi chọn kinh tế. Cuối cùng tôi thi ngành truyền thông, không hẳn là thứ tôi đam mê nhưng sau khi tìm hiểu tôi thấy nó khá thú vị và bố mẹ tôi cũng không phàn nàn gì vì so với nghề báo hay du lịch nó có vẻ đỡ vất vả hơn.

Thi đậu đại học với điểm số khá cao, tôi vẽ ra trong đầu những dự định tươi đẹp – tôi muốn trở thành một nhà PR giỏi. Nhưng cuộc sống của một sinh viên năm nhất giữa lòng Hà Nội xô bồ, lạ lẫm đã dạy cho tôi bài học: cuộc đời không chỉ toàn màu hồng và những ước mơ nhiều khi thật viển vông. Ngành học của tôi đòi hỏi sự năng động, tự tin ngoài ra còn cần nhiều mối quan hệ. Bản tính tôi vốn rụt rè, ngại phát biểu ý kiến trước đám đông, để khắc phục, tôi cố gắng tham gia các hoạt động của trường, tự động tìm hiểu và đăng kí tham gia những chương trình tình nguyện bên ngoài nhưng càng ngày tôi càng thấy mình không hợp với môi trường này và càng nghi ngờ tố chất làm nghề PR của mình.

Bạn bè bảo tôi khéo lo xa, mới năm đầu sao cứ bận tâm nhiều chuyện nghề nghiệp. Tôi thì không nghĩ vậy, mỗi ngày tôi vẫn tự dằn vặt vì đã để tuổi trẻ trôi qua vô ích và vô vị. Tôi vốn không chăm chỉ học hành gì cho cam, lại hay nản chí và lơ đãng. Gia đình tôi chẳng dư dả nhưng từ nhỏ bố mẹ rất chiều chuộng, luôn cố tạo cho tôi điều kiện tốt nhất để học tập, nghỉ ngơi. Không như lũ bạn cùng quê phải lam lũ vừa học vừa làm, cái gì tôi cũng có được khá dễ dàng, nên chưa bao giờ thực sự quyết tâm làm việc gì đến nơi đến chốn. Có một thời, sáng đi học tôi vẫn ngủ gà ngủ gật, tan học tôi lại về ôm laptop online đến thật khuya. Ngày qua ngày điệp khúc ấy đã lặp đi lặp lại trong sự uể oải biếng lười và sự dằn vặt vì không thể làm gì để thay đổi chuỗi ngày vô vị.

Dần dà, tôi nhận ra mình ghét Hà Nội, ghét lối sống xô bồ nơi đây. Tôi nhớ da diết nhịp sống cố đô. Huế không phát triển bằng Sài Gòn, Hà Nội nhưng con người tình cảm, thành phố yên tĩnh với hàng cây xanh mướt và thành quách rêu phong. Tôi cũng vỡ lẽ ra trở thành nhà PR không phải là ước mơ thực sự, tôi đã đọc những bài báo, nghe người khác kể về nó rồi tự hão huyền mình trong những hào nhoáng của nghề mà quên mất rằng nó không phù hợp với khả năng, sở thích và tính cách của mình.

Phút bình yên nhìn lại chính mình, tôi nghiệm ra điều gì mình thích nhất, điều gì mình tự tin thực hiện nhất. Tôi mê viết, từ nhỏ đã thế, luôn luôn có những câu chuyện, những cảm xúc tinh khôi hay niềm trăn trở khôn nguôi khiến tôi muốn cầm bút. Tôi thích nhiếp ảnh nữa, dù chưa từng có một chiếc máy xịn nhưng với loại máy ảnh du lịch mượn từ một người bạn, tôi đi khắp thành phố, chụp lại những góc ảnh thú vị rồi tự chỉnh màu, chỉnh sáng và viết lên câu chuyện sống động về chúng. Tôi thấy chúng thật đẹp, đẹp theo cách của riêng tôi. Hiện tại tôi làm thêm ở quán cafe để kiếm tiền mua một chiếc máy ảnh DSLR và dành tiền đi phượt. Mỗi ngày tôi tưởng tưởng ra chính mình cầm máy ảnh trên tay khám phá những miền đất kỳ thú, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, con người và đêm về lại mải mê viết lách về những vùng đất ấy. Tôi không mơ mình trở thành nhà văn, chỉ khao khát được làm người cầm bút. Tôi đang thực hiện giấc mơ ấy bằng những truyện ngắn, truyện dài tự sáng tác, những bài viết tham dự các cuộc thi do báo đài tổ chức.

Tôi còn có một tình yêu lớn nữa – TP Huế. Sau khi tốt nghiệp tôi muốn trở về Huế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch Huế. Hằng ngày tôi đọc các tài liệu, sách báo và công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Huế đồng thời học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, để làm du lịch, ngoại ngữ rất cần thiết. Ngành truyền thông ở trường tôi đào tạo khá nhiều về văn hóa và tổ chức sự kiện, việc tập trung tiếp thu những kiến thức ấy sẽ giúp tôi làm việc hiệu quả ở thành phố thường xuyên tổ chức festival và sự kiện văn hóa, du lịch.
Tuổi 19 như đóa hoa rực rỡ chỉ nở một lần trong đời. Tôi viết ra những dòng này chỉ mong nhắn nhủ những người trẻ: khi còn trẻ hãy theo đuổi những gì ta đam mê, theo đuổi giấc mơ của chính mình, chứ không phải thứ mơ ước danh vọng hão huyền.

Salem

-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.

-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.

-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.

-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.

-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

-Bài dự thi gửi về: [email protected]

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận