Để xử lý được khối lượng công việc lớn, một người quản trị nhà hàng phải trau dồi và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết đáp ứng được yêu cầu của công việc đang ngày càng chuyên môn hóa như hiện nay.
Quản lý nhân sự
Quản lý nhân sự là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với một người làm quản trị nhà hàng. Cụ thể, người làm quản trị cần phải phân bố sắp xếp công việc sao cho hiệu quả, lựa chọn nhân sự vào từng vị trí một cách hợp lý, theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình hoạt động của nhân sự đồng thời có những đánh giá, đưa ra những chính sách thưởng phạt cho từng bộ phận,… Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đây là công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao cùng với đó là những kinh nghiệm lâu năm trong nghề để đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Quản lý ngân sách
Quản lý ngân sách không đơn giản là việc thu chi tài chính mà người quản trị cần phải nắm rõ quản lý doanh thu, tính toán lỗ – lãi, theo dõi tình hình kinh doanh, quản lý chi phí mua nguyên liệu, chi phí nhân công, chi phí mặt bằng, đóng thuế… để đưa ra những đề xuất, phương hướng cho chiến lược kinh doanh của nhà hàng.
Quản lý chất lượng nguyên liệu
Nguyên liệu đầu vào là một trong những yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn của nhà hàng. Là một người quản trị, bạn cần biết chính xác thực phẩm của mình có nguồn gốc từ đâu, nhập ngày nào, hạn sử dụng đến bao giờ…. Ngoài ra, người quản lý cũng sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu nhập nguyên liệu không đảm bảo hoặc để xảy ra tình trạng hư hỏng khi chế biến món ăn.
Đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ
Tiêu chuẩn phục vụ bao gồm rất nhiều yếu tố từ thái độ của nhân viên, cách phục vụ, thu ngân đến việc giao tiếp với khách hàng,… Đây là những yếu tố góp phần xây dựng nên văn hóa kinh doanh cũng như văn hóa trong phục vụ của nhà hàng, là điểm nổi bật khiến khách quyết định có quay lại nhà hàng của bạn nữa hay không.
Xử lý các tình huống, khiếu nại
Là người quản lý cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ đứng đầu sóng ngọn gió khi khách có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Để giải quyết tình hình êm xuôi, người quản trị nhà hàng cần sự bình tĩnh, xử lý khéo léo và kịp thời.
Ngoài ra, dưới là những kỹ năng và yêu cầu cần thiết của một Quản trị nhà hàng giỏi:
- Tính “đa năng”: Chính là hiểu biết sâu rộng về cách thức điều hành, quản lý cách thức hoạt động của toàn bộ nhà hàng, mỗi bộ phận, mỗi nhân sự làm việc tại nhà hàng.
- Sáng tạo: Luôn có những ý tưởng mới mẻ để quảng bá, giới thiệu nhà hàng và làm tăng doanh thu.
- Kĩ năng giao tiếp: Giao tiếp thành thạo, khéo léo, có vốn hiểu biết xã hội để có thể trò chuyện, đàm phán cùng với khách hàng.
- Linh hoạt trong xử lý tình huống: Có khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian ngắn.
- Nhạy bén: Có hiểu biết về thị trường, phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của nhà hàng và các đối thủ cạnh tranh.
- Các kỹ năng tuyển dụng, đào tạo nhân sự.
- Theo dõi và phân tích tình hình kinh doanh.
Mặc dù, Quản trị nhà hàng là một vị trí rất thú vị, có nhiều cơ hội phát triển, mức thu nhập cao nhưng nó cũng không thiếu những thách thức, khó khăn mà đòi hỏi người làm phải có năng lực thực sự và và tâm huyết mới có thể gặt hái thành công. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn trẻ đang trong quá trình rèn luyện nghề để ngày càng phát triển bản thân, phục vụ cho công việc sau này.