Tuổi 18 là tuổi đẹp nhất của đời người. Đó là giai đoạn thể lực và tinh thần dồi dào nhất để thực hiện ước mơ. Ngày đó, tôi là một cô gái hồn nhiên, vô tư, rất lạc quan, ấp ủ nhiều ước mơ và hoài bão.
Tôi luôn ao ước được trở thành nhà báo để được đi nhiều nơi, để gặp được nhiều người. Những tưởng, mọi chuyện sẽ trôi qua trong bình lặng. Nào ngờ, sức khỏa của tôi ngày một yếu đi khiến tôi phải nhập viện. Bác sĩ chuẩn đoán tôi bị viêm cầu thận mãn, suy thận giai đoạn 2. Hai năm sau, bệnh tình của tôi tiến triển sang giai đoạn cuối, tôi phải lên Hà Nội để chạy thận nhân tạo. Từ đó cuộc sống của tôi phải gắn liền với bệnh viện suốt đời. Vậy là cánh cửa đại học bỗng chốc đóng sập lại trước mặt tôi, điều đó cũng có nghĩa là tôi không thể trở thành nhà báo như mong đợi. Thời gian đầu tôi vô cùng buồn bã và suy sụp vì hầu hết bạn bè của tôi đều yên ổn trên giảng đường đại học, còn tôi, từng giây, từng phút phải chống chọi với bệnh tật để giành lấy sự sống cho mình. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Không biết, mình đến với cuộc sống này để làm gì nhỉ?”.
Còn cô bạn tên Nhã ở xóm tôi cũng là một bệnh nhân chạy thận. Ngày đó, vừa chân ướt, chân ráo bước vào giảng đường đại học cũng là lúc cô bạn tôi phát hiện ra căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Vì thế, cô bạn tôi đành phải bảo lưu kết quả một năm để chữa bệnh. Những tưởng, bệnh tật sẽ làm nhụt nhuệ ý chí của cô sinh viên bé nhỏ ấy. Nào ngờ, sau một năm dưỡng bệnh, cô bạn tôi lại quyết định trở lại giảng đường khiến gia đình và bạn bè hết sức lo lắng. Nhưng với lòng quyết tâm và nghị lực phi thường Nhã vẫn cố gắng đi học.Ở khoa thận nhân tạo nơi tôi “công tác” có một anh bệnh nhân năm nay đã gần 40 tuổi. Trước đây, anh kiếm sống bằng nghề xe ôm. 13 năm chạy thận khiến sức khỏe anh ngày càng giảm sút. Cảm thấy sức khỏe không còn đảm bảo cho công việc, anh quyết định đăng ký tham gia một lớp học nghề. Vì theo anh, nghề điện gia dụng phù hợp với sức khỏe của anh hơn. Có nghề trong tay, cuộc sống cũng ổn định hơn. Hồi mới đi học, mọi người đều ngăn cản vì sợ rằng việc học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của anh. Và còn một lý do nữa đó chính là thời gian vì ai cũng biết rằng sự sống của người bệnh mong manh như ngọn đèn trước gió.
Tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu “động cơ” nào khiến mọi người quyết tâm đến vậy? Cho đến một hôm, tôi đọc được câu chuyện “Đường đua của niềm tin”. Đó là một buổi tối mùa đông năm 1968 ở thủ đô Mexico. Đồng hồ chỉ bảy giờ kém mười phút. Vận động viên John Stephen Arkwari người Tanazania tập tễnh kết thúc những mét cuối của đường đua Thế vận hôi Olympic với một chân bị băng bó. Anh là người cuối cùng về đích trong cuộc thi chạy năm ấy.
Những người chiến thắng cuộc thi đã nhận huy chương và lễ trao giải cũng đã kết thúc. Vì thế sân vận động hầu như vắng ngắt khi Arkwari, với vết thương ở chân đang rướm máu, cố gắng chạy vòng cuối cùng để về đích. Chỉ có Bud Greenspan, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng là còn tại đó, đang ngạc nhiên nhìn anh từ xa chạy tới. Sau đó, không giấu được sự tò mò, Bud bước tới chỗ Arkwari đang thở dốc và hỏi tại sao anh lại cố vất vả chạy về đích như thế khi cuộc đua đã kết thúc từ lâu và chẳng còn khán giả nào trên sân nữa.
John Stephen trả lời bằng giọng nói hụt hơi: “Tôi rất hạnh phúc vì đã hoàn thành chặng đua với cố gắng hết mình. Tôi được đất nước gửi đi chín ngàn dặm đến đây không phải chỉ để bắt đầu cuộc đua – mà là để hoàn thành cuộc đua”. Từ đó tôi bắt đầu lăn xả vào cuộc sống với phương châm “Sống như hòn đá lăn”. Tôi làm rất nhiều việc, từ việc bán trà đá vỉa hè, thêu thùa đan lát đến việc giặt quần áo thuê và tranh thủ viết bài gửi báo để kiếm thêm thu nhập. Hòn đã lăn thì không bị mọc rêu, tương tự như vậy khi tôi làm được nhiều việc tôi cũng cảm thấy cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn. Bệnh tật khiến tôi gặp rất nhiều rắc rối về sức khỏe.
Ngoài căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, tôi còn phải đối mặt với căn bệnh huyết áp cao, suy tim, suy gan, loãng xương… Nếu như mọi người chỉ việc tiến về phía trước thì tôi thỉnh thoảng vẫn phải bỏ dở công việc vì lý do sức khỏe. Nhưng chưa bao giờ tôi đầu hàng số phận và từ bỏ ước mơ của mình. Bây giờ tôi đã có hơn 70 bài viết được đăng báo nhưng đối với tôi đó là một thành quả vô cùng lớn lao cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân mình.
Mấy hôm trước, một anh phóng viên gửi đến cho tôi một tập tài liệu về kĩ năng viết phóng sự. Vì tôi chưa được đào tạo bài bản ở trường lớp nên đối với tôi những tập tài liệu đó là những kiến thức hết sức quý giá. Mặc dù tôi đã gắn bó với bệnh viện 10 năm và sức khỏe của tôi ngày một yếu đi. Nhưng tôi không cần biết tôi sống được bao lâu, tôi còn nhiều thời gian nữa không? Mà điều quan trọng là tôi cần phải dồn hết thời gian và sức lực của mình để hoàn thành tốt công việc của ngày hôm nay. Vì thế tôi vẫn cố gắng học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức để ngày càng tiến bộ hơn.
Bây giờ tôi đã hiểu tại sao anh bệnh nhân ở khoa thận và bạn Nhã ở xóm tôi quyết tâm cao như vậy. Cũng là vì bởi lẽ, như vận động viên John Stephen đã nói: “Tôi rất hạnh phúc vì đã hoàn thành chặng đua với cố gắng hết mình. Tôi được đất nước gửi đi chín ngàn dặm đến đây không phải chỉ để bắt đầu cuộc đua mà là để hoàn thành cuộc đua”. Danh ngôn có câu: “Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào” (Bailey). Và tôi biết, tôi đến với cuộc sống này là để sống trọn vẹn từng ngày.
Trần Phương Nhung
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]