Tới đích bằng đường vòng

11:14 14/05/2013

Ngay từ khi ý thức được mình phải chọn ngành nghề phù hợp, tôi đã khao khát trở thành một chiến sĩ công an nhân dân.

Trong tập ảnh gia đình, mẹ vẫn giữ lại bức ảnh chân dung ông ngoại mặc cảnh phục, màu xanh lá cây và chiếc mũ kê-pi khiến tôi không thể rời mắt. Bố mẹ, anh chị ủng hộ và khuyên tôi tiếp bước con đường của ông như mong muốn trước khi ông qua đời. Tôi thật sự rất ấn tượng với hình ảnh những chiến sĩ công an giữ gìn trật tự an toàn cho cuộc sống người dân. Tôi thích thú đến mức bỏ luôn trò giải trí pikachu, đế mà thay vào đó là dành thời gian ngấu nghiến đọc những bài viết về lực lượng công an. Màu áo xanh ám ảnh tôi suốt những tháng ngày đèn sách.

Tôi quyết định mình phải phấn đấu thi đỗ Học viện Cảnh Sát không chỉ vì mơ ước mà còn vì gia đình. Tôi biết người ngoài nhìn vào ai cũng chỉ một nhận xét rằng nhà tôi rất phong lưu, giàu có. Nhưng những khó khăn, vất vả của bố mẹ thì tôi là người thấm thía nhất. Sướng con út mà khổ cũng con út, 3 anh chị lớn đi học xa chỉ mình tôi ở nhà với bố mẹ nên khi trong nhà hết gạo, hết than, hết củi… tôi hiểu rõ hơn ai cả. Mà lạ, khi hết thì nó hết tất đến cả bột canh, mắm, muối cũng thi nhau “đòi tiền”. Bố mẹ muốn các anh chị yên tâm học hành nên phải chắt bóp dù, ở nhà có thiếu thốn mấy cũng không để người đi học lo lắng.

Nếu thi đỗ học viện cảnh sát bố mẹ tôi sẽ đỡ một khoản tiền ăn uống, thuê trọ hàng tháng cho tôi ở thủ đô đắt đỏ. Hơn nữa lại yên tâm vì kỷ luật trong trường rèn luyện nghiêm túc, an ninh đảm bảo. Dường như mơ ước của tôi là một đường thẳng được vạch sẵn, nhiệm vụ tôi phải làm là học hành thật giỏi ung dung bước trên con đường ấy. Mỗi năm tỉnh tôi lấy chỉ tiêu nữ rất thấp nên thường chọn con em trong ngành. Ông ngoại đã là công an, chắc chắn tôi sẽ có cơ hội đạt được ước nguyện của mình.

Tôi lao đầu học trong 2 năm cuối cấp, càng về sau càng chăm chỉ hơn. Tôi nhận ra mình có nhiều tiến bộ, ước mơ không còn xa tầm tay nữa, tôi càng phải nỗ lực hết sức. Qua tìm hiểu tôi biết làm công an là phải rèn luyện thể chất nhiều nên môn thể dục và quốc phòng tôi luôn đứng nhất lớp. Mắt nhìn xa không tốt nên hôm nào tôi cũng cố gắng không phụ thuộc vào kính, tập luyện cho đôi mắt tinh tường. Các thầy cô ở trường động viên tôi rất nhiều bằng những lời hỏi thăm, những cuốn sách tham khảo, nâng cao bởi điểm đầu vào Học viện Cảnh Sát với nữ không phải là thấp. Niềm tin, sự kỳ vọng của mọi người xung quanh là động lực thúc đẩy khao khát của tôi phải trở thành hiện thực.

Tôi luôn tin rằng mình sẽ là chiến sĩ công an. Mỗi đêm chợp mắt tôi đều mơ thấy mình được khoác lên vai bộ cảnh phục xanh lá cây hòa trong ánh nắng vàng, đó là giấc mơ đẹp nhất tuổi học trò. Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông đứng phân luồng giữa những ngã ba, ngã tư dày đặc người và xe. Từng hàng xe nối đuôi nhau dừng lại trước tín hiệu đèn và sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đàn em nhỏ tan trường tung tăng đi qua vạch kẻ đường vẫy tay chào và mỉm cười. Biết bao hình ảnh đẹp lần lượt đi qua trong suy nghĩ của cô bé 17 tuổi ngây thơ.

Trái tim tôi vẫn vui vẻ, yêu đời. Vậy mà may mắn đã không mỉm cười với tôi. Chẳng ai ngờ năm đó công an tỉnh chỉ tuyển nữ với điều kiện có bố hoặc mẹ phải là người trong ngành. Trách ai được bây giờ, tôi không đủ mạnh mẽ để đứng vững trước thông tin đó. Cảm giác trượt chân từ tòa nhà cao tầng khi chỉ còn một bước nữa thôi là tới đỉnh trong cơn mộng mị ập đến. Con đường tới ước mơ đang ngắn lại mà sao nó lại rẽ ngang thế này. Tôi vẫn chưa thi đại học cơ mà, nếu bước vào kì thi tôi bị rớt thì còn chấp nhận được nhưng ngay đến cả quyền làm hồ sơ tôi cũng không có thì sao tôi có thể với tới điều ước. Sự chán chường, buồn tủi, ghen tị choán lấy đầu óc mỗi khi tôi tình cờ bắt gặp màu xanh ấy trên con đường, hè phố, ngang qua cổng trường…

Nước mắt lặng lẽ tuôn dài hàng đêm dù trong thâm tâm tôi tự nhủ phải mạnh mẽ, cố gắng không nghĩ đến điều đó. Bố chọn đăng ký cho con gái thi báo truyền hình tại một học viện lớn ở Hà Nội. Tôi đồng ý với những ấm ức trong lòng. Tôi căm ghét, không phục bất cứ bạn nào được thi cảnh sát, tôi phải làm cho họ thấy tôi không thua kém ai cả. Con đường của tôi có rẽ ngang, rẽ dọc như thế nào thì tôi cũng phải làm cho cái mơ ước kia biến thành sự thực.
Bắt đầu khoảng thời gian chỉ có sách vở làm bạn cùng tôi. Bàn học là chiến trường với vũ khí là giấy bút, thước, mực. Đồ ăn đêm của tôi là những chiếc bánh mỳ không mà bố tranh thủ mua sau giờ làm việc. Nhiều hôm mẹ cải thiện cho vài vỉ sữa chấm bánh mì khô khốc. Để thức khuya mỗi hôm tôi vốc một nắm chè pha thật đặc, thật đắng trong chiếc chén nhỏ xíu. Học đêm nhiều đến nỗi tôi chẳng còn sợ ma như ngày trước nữa.

Thi đại học xong, tôi không quá bất ngờ trước kết quả của mình, tôi đỗ thẳng mà không cần điểm cộng vùng và dân tộc. Niềm tin trong tôi vẫn le lói khi nghĩ rằng năm sau tỉnh sẽ tuyển nữ, cuộc sống vui vẻ trở lại với con bé 18 tuổi. Tôi sẵn sàng chấp nhận bỏ ba năm còn lại của việc học báo cho thi cảnh sát. Một năm có là mấy so với ước mơ trọn đời.

Năm nhất trôi qua, tôi bắt đầu làm quen với nghề báo bằng những bài tập thầy cô cho trên lớp và tập tành viết lách. Có những khi tôi nghĩ rằng sẽ gắn bó với nghề báo mà vẫn được mặc cảnh phục bằng cách sau này chuyển ngành. Đi đường vòng cũng tốt dù nó hơi dài nhưng lại cho nhiều trải nghiệm thú vị. Sau khi biết năm đó tỉnh vẫn không tuyển nữ con em ngoài ngành thi công an tôi càng yên tâm học hành cùng con đường quanh co của mình.

Nhưng nước mắt lại một lần nữa rơi ấm ức khi bố nói thông tin năm 2013 tôi được phép thi công an. Mà tôi đã là sinh viên năm 3, còn một năm nữa ra trường giờ thi đỗ thì phải bỏ mất 3 năm ăn học. Ước mơ sau gần 1.000 ngày lại đặt trong tầm tay rồi, giờ tôi phải làm sao? Con đường vẽ ra một vạch thẳng, nếu đỗ chắc chắn tôi sẽ trở thành cô công an trong màu áo xanh yêu thích. Nhưng tấm bằng đỏ đang chờ tôi, công sức thời gian qua chẳng lẽ đổ xuống sông xuống biển.

Một vài bạn nữ cùng lớp cấp 3 cũng làm hồ sơ thi lại, các bạn động viên tôi cố gắng. Áp lực chưa bao giờ lớn như vậy. Bố mẹ cho tôi tự quyết định. Phân vân, chần chừ, rồi tương lai tôi sẽ ra sao? Tôi có thể được khoác bộ cảnh phục nữa không? Tôi có thể biến ước mơ thành hiện thực được không? Màu xanh, ve áo, mũ kê pi, giấc mơ ám ảnh. Khóc.

Tôi nhận ra rằng bố đã ngoài 60, mái tóc mẹ đã bạc thêm nhiều, giờ tôi được đi học là tất cả nỗ lực rất lớn của gia đình. Tiền, lần đầu tôi cảm nhận được nó quan trọng như thế nào. Chị tôi vừa ra trường phải lo xin việc, anh trai mới lấy vợ không thể chu cấp cho tôi phụ bố mẹ. Nếu thi đỗ cảnh sát tôi buộc phải bỏ ngang 3 năm học báo, tiếp tục chiến đấu thêm 4 năm. Mà trong thời gian 4 năm nếu tôi đi làm thì mỗi tháng tôi cũng kiếm được một khoản tiền đủ để bố mẹ không cần lo lắng về mình nhiều nữa.

Ở cái tuổi 21, tôi thấy mình nên có trách nhiệm với tương lai và sống cùng thực tại hơn so với những năm tháng học trò. Gạt nước mắt, tôi quyết định không làm hồ sơ thi cảnh sát, tiếp tục học nốt đại học và khi có điều kiện tôi sẽ thực hiện mơ ước bằng con đường vòng. Tuy ngoằn ngoèo lắm chông gai đợi ở phía trước nhưng tôi tin với quyết tâm của mình ước mơ bấy lâu nay sẽ bị chinh phục. Số phận nằm trong lòng bàn tay mỗi người, đóng cánh cửa này chúng ta sẽ mở được một cánh cửa khác. Sự tươi sáng hay u ám đằng sau cánh cửa đó là do mình lựa chọn. Còn một năm nữa thôi là tốt nghiệp, nước mắt có rơi trong cơn mơ thì tôi cũng phải mạnh mẽ với cuộc sống. Mơ ước là do tôi tạo ra.

Hoàng Hồng Vân

-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.

-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.

-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.

-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.

-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

-Bài dự thi gửi về: [email protected]

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận