3 năm trước tôi từng bị bạn bè mắng là “điên”, “dở hơi” vì chỉ làm một bộ hồ sơ thi vào đại học.
Tôi quyết định thay đổi vào những phút chót bởi muốn thực hiện giấc mơ trở thành nhà báo trong tương lai. Ngày đặt bút làm hồ sơ cũng là ngày tôi bắt đầu quay tròn với lịch học do mình tự lập. Không có tiền tôi ở nhà tự ôn thi, tự đặt ra cho mình quy định mỗi ngày học một bài, học xong mới được đi ngủ. 5 tháng để ôn kiến thức của 3 năm học, có lúc tôi nghĩ mình thực sự là một người điên. Để dễ nhớ hơn, mỗi khi học xong một bài tôi thường sơ đồ hóa và dán chi chít lên bàn học, lối đi thậm chí cả nhà vệ sinh. Năm ấy tôi đạt 22 điểm chính thức đậu vào chuyên ngành Phát thanh, khoa Phát thanh Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên Truyền. Thầy cô bảo tôi là một “kỳ tích”, bạn bè hỏi thăm câu đầu tiên thường là trường tôi có nhân hệ không.
19 tuổi, tôi bắt đầu đặt chân vào giảng đường đại học, đó là những nấc thang đầu tiên để tôi có thể chạm tới giấc mơ của mình. Tôi sống nhờ nhà bác, ăn học bác nuôi chỉ có điều quãng đường từ nhà tới trường hơn 10km. Tôi nhẩm tính quãng đường ấy cũng chỉ gấp đôi con đường ngày xưa tôi đi học thậm chí ngày ấy có những hôm bị hỏng xe tôi còn đi bộ tới trường thì 10km cũng chẳng thấm vào đâu, chỉ cần được đi học.
Năm 20 tuổi là một năm đầy sóng gió, có lúc tôi tưởng như đã đánh rơi ước mơ của mình. Đó là năm tôi đặt ra cho mình mục tiêu phải kiếm tiền và tiếp cận với tòa soạn. Tôi chăm chỉ viết bài hơn nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên hàng chục bài gửi đi đều bị loại khiến tôi bắt đầu nản thế nên tôi chọn cho mình còn đường khác xa hơn một chút nhưng có thể đạt được mục tiêu của mình: tôi tham gia vào đội phát hành báo của tòa soạn mà tôi yêu thích, công việc nói đơn giản là đi bán báo.
Vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần, tôi lên tòa soạn nhận báo rồi đến các giảng đường đại học bán cho các bạn sinh viên, mỗi cuốn dù chỉ lãi đúng 1.100 đồng nhưng công việc mang lại cho tôi nhiều mối quan hệ và cơ hội thực sự. Tất nhiên là cũng có lúc chạnh lòng khi bạn bè thay vì gọi tên lại gọi là: “Báo ơi”, thậm chí có bạn đùa ác canh đúng lúc tôi đang đi giữa sân trường thì hét ầm lên: “Ai báo đây, báo mới nào”. Nhìn tôi với xấp báo dày trên tay không ít người nghe thấy thế cười rộ. Lúc ấy tôi cố cười thật tươi nói vọng lên: “Cảm ơn, bạn có tiềm năng theo tớ đấy”. Mấy anh bạn ngạc nhiên lắm rồi từ đó không đùa nữa, nhưng buổi học hôm ấy tôi không học được, hết buổi tôi lặng lẽ lên toà nhà 11 tầng chẳng có ai để khóc một mình.
Năm ấy tôi kiếm được rất nhiều tiền lúc cao nhất chỉ trong 3 ngày tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng chỉ riêng tiền bán sách báo. Rồi không chỉ bán báo tôi còn liên hệ đi gia sư, phát tờ rơi, rót nước cho cao học… Số tiền nhiều lên nhưng sức học của tôi ngày càng đi xuống trầm trọng. Lúc bị kỷ luật vì mang tài liệu vào phòng thi tôi như sực tỉnh. Tôi khóc cạn cả nước mắt, giấc mơ ngày xưa dường như đang tuột khỏi tầm với và người đánh rơi không ai khác chính là tôi. Tôi sợ hãi rồi quyết định dừng tất cả công việc.
Tôi tập trung vào việc học, thời gian rảnh tham gia viết bài. Tháng 10/2012 tôi vỡ òa cảm xúc khi biết mình nhận được giải 3 cuộc thi: “Viết về các vấn đề gia đình thời nay” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức, lúc đó chỉ còn 1 tháng tôi tròn 21 tuổi , tôi đã là cô sinh viên năm 3 của Học viện Báo chí và Tuyên Truyền.
21 tuổi dù chưa có một công việc ổn định như kế hoạch đã lập ra nhưng tôi đã có tiền mua máy ghi âm, máy ảnh, phục vụ cho việc học tập của mình, tôi đã có thể tự lo cho mình mỗi chuyến về quê, mua cho bố mẹ và 3 đứa em nhỏ những món quà bằng chính mồ hôi nước mắt của cái nghiệp mà tôi theo đuổi. 21 tuổi dù bài viết chưa nhiều nhưng cũng là con số để bạn bè phải ghen tỵ. 21 tuổi tôi được bạn bè xếp vào vị trí “những người có tiền đồ của lớp”, có vài ba giải thưởng trong lĩnh vực của báo chí dù không quá cao nhưng đủ giúp tôi tự tin hơn khi thêm vào hồ sơ xin việc sau này…3 năm sau gặp lại, ngày họp lớp không ít bạn bè nhìn tôi cười bảo: “Không nghĩ ngày xưa mày chọn đúng con đường”…
Nguyễn Thị Trà
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]