Tôi muốn học tiếp hơn lấy chồng

15:33 13/05/2013

“Con gái không cần học nhiều. Con gái chỉ cần giỏi chiều chồng và chăm con là đủ”, người dân ở miền quê chài lưới của tôi nghĩ vậy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một quê biển nghèo miền Trung. Nơi có nắng, có nóng, có ngọn gió Lào làm khô da cháy mặt những người dân chài. Tôi là con thứ 6 trong một gia đình có 8 chị em gái. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Cha mẹ tôi vẫn cho chị em tôi ăn học.

Hàng ngày, cha tôi lưng trần, chân đất ra biển. Thuyền cha quần nhau với sóng gió. Ông làm một người dân chài trung thành với biển cả đã mấy chục năm trời. Mẹ tôi rong ruổi khắp những con phố của mảnh đất Sài thành với gánh hàng rong. Mẹ đi trong nắng chiều nghiêng ngả, những cơn mưa bất chợt ùa về của Sài Gòn khiến vai mẹ run lên vì lạnh. Cha mẹ gánh trọn ước mơ tôi trên gánh hàng rong, trên cánh buồn căng gió ra khơi.

Ở quê tôi, trẻ con ít được đi học. Con gái đi học càng hiếm. Thế nên khi chị em tôi đi học thì nhiều người không ưa. Họ cười khinh miệt khi cha mẹ tôi quyết định cho tất cả lũ con ăn học. Thế nhưng cha mẹ tôi vẫn quyết tâm lam lũ vì chúng tôi. Tôi chứng kiến cảnh mồ hôi cha rơi ướt áo, da mẹ sạm đen cháy nắng, cuộc sống gia đình tù túng vì nghèo đói, người thiên hạ kẻ khen người chê. Quê nghèo, con gái 17, 18 đã phải làm dâu nhà người. Dù không muốn như vậy nhưng lòng tôi không khỏi trăn trở. Đi lấy chồng, tôi sẽ đỡ cho cha mẹ được một miệng ăn, một khoản chi phí lớn.

Ngày làm hồ sơ thi đại học, tôi không biết có nên thi hay không. Không biết lựa chọn ngành nghề gì cho mình. Vẫn biết tương lai của mình là do bản thân mình quyết định. Nhưng quyết định thế nào đây khi những lời dự báo về một tương lai đen tối cứ văng vẳng bên tai, khi chứng kiến biết bao chuyện đúng như người ta vẫn nói. Một đứa học chẳng ra gì đang học đại học, một chị là cháu của một ông sếp to nên học ở một trường đại học lớn nhất nhì miền Bắc. Một bạn học yếu nhất lớp chắc chắn đậu đại học vì bố bạn ấy có rất nhiều tiền…

Tôi, có gì đâu ngoài cái bút, cuốn vở, trang sách cộng với niềm mong mỏi của cha mẹ, thầy cô. Ấy vậy mà tôi muốn sống khác đi, muốn bước ra khỏi cuộc sống nhàm chán và giúp cho mọi người thấy hết cách nghĩ, cách sống sai lầm của họ. Tôi muốn được đi đây đi đó, muốn được gặp thật nhiều người, được lắng nghe và trải nghiệm. Tôi còn muốn học một ngành nghề nào đó mà nó thoát ra khỏi những toan tính, những quy luật “xin cho” vẫn tồn tại nhan nhản trong hệ thống giáo dục hiện nay. Cái nghề giúp người ta trưởng thành chỉ có thể bằng chính năng lực của họ. Và tôi chọn nghề làm báo. Cái nghề mà quy luật đào thải rất ghê gớm, người có tài thật sự mới có thể sống được bằng nghề, bám trụ với nghề.

Bước chân vào nghề này tôi có cơ hội được chỉ ra những gì sai trái, được lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của nhiều người, được nghe những trăn trở bức xúc của họ. Là một nhà báo chân chính là tôi góp phần vào cải tạo xã hội, làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Với vai trò phản biện xã hội của báo chí, tôi có thể bênh vực người nghèo, người “mạnh lý” nhưng “yếu tiền”.

Tôi có cơ hội được khẳng định mình, được học và làm những gì mình thích. Tôi sẽ nâng trọn vẹn và trân trọng niềm kỳ vọng mà cha mẹ đã tốn nhiều mồ hôi công sức trao vào tay tôi. Tôi sẽ chứng minh cho những người nói con gái chỉ biết ăn và lấy chồng thấy rằng tôi có thể làm nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc sống. Tôi sẽ chứng minh cho họ thấy không phải cái gì cũng có thể quyết định được bằng tiền và địa vị. Không nên đánh giá người khác chỉ dựa vào cái họ đang có mà hãy thấy những ước mơ đẹp đẽ mà họ đang vươn tới. Tôi sẽ trở thành người đáng trân trọng trong mắt mọi người một cách xứng đáng.

“Khi con sinh ra mọi người đều cười riêng mình con khóc. Con hãy sống sao để lúc con ra đi mọi người đều khóc riêng mình con cười”, tôi đang cố gắng để sống đúng như lời kinh thánh răn dạy. Tôi đang tiếp năng lượng của sự nhiệt huyết đeo đuổi niềm đam mê của mình bằng việc đặt bút viết nên những dòng này. Tôi sẽ thành công khi tôi biết ước mơ và nỗ lực vì ước mơ của chính mình.

Phạm Thị Nga


-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.

-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.

-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.

-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.

-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

-Bài dự thi gửi về: [email protected]

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận