Em gái kém nó hai tuổi, bị mắc bệnh tim hở van hai lá. Nếu không phẫu thuật thì khó có thể sống được. Bố mẹ đã nghĩ nhiều, một phần vì chi phí ca phẫu thuật lớn, phần thì sao mình lại không sinh con ra bình thường như những đứa trẻ khác. Những lần bố đưa em ra chụp chiếu ở bệnh viện ngoài Hà Nội về lúc nào cũng kể chuyện. Có hôm, vừa nghe bố kể chuyện mà nước mắt nó chảy ra, chuyện y tá, bác sĩ quát mắng, khó tính… vì mình nghèo. Khi đó, nó đã quyết tâm nhất định sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều người.
Cuối cùng, em nó được phẫu thuật theo chương trình hỗ trợ. Số tiền chi phí phẫu thuật hơn 50 triệu đồng được ủng hộ, nhà chỉ mất tiền ăn uống, viện phí và một số khoản khác. May mắn vô cùng là ca mổ thành công. Ước mơ bác sĩ của nó ngày càng cháy bỏng. Nó muốn giúp đỡ mọi nguời vì mọi người đã giúp gia đình nó.
Lớp 10, nó đăng ký học khối B, và nghĩ nhất định sẽ thi trường Y. Lúc đấy, nó đã cảm thấy rất vui vì có ước mơ là bác sĩ để cố gắng. Trong những năm lớp 10 và 11 những lần thi tháng ở trường nó đều đứng đầu khối B. Khi xem quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng” nó cũng chỉ xem mỗi trường Y. Nó rất thích bài hát: “Em muốn làm bác sĩ, được mặc áo trắng tinh, học giỏi chăm ngoan thì ước mơ sẽ thành”.
Năm lớp 12, nó và mẹ nhiều lần nói về việc thi đại học. Mẹ nói rằng học Y lâu lắm, phải 6 năm hoặc hơn mà nhà thì nghèo, làm sao mà có tiền nuôi nó ăn học lâu như thế. Nó không biết nói gì nữa… bao nhiêu công sức theo đuổi ước mơ thế chả lẽ lại bỏ.
Sau nhiều đêm khóc và nghĩ, nó chuyển từ khối B sang D vào đầu năm lớp 12. Bạn bè, thầy cô đều bất ngờ. Ai cũng hỏi: “Sao tự dưng lại đi chuyển khối?”. Cô giáo nó đang ôn thi học sinh giỏi tỉnh gặp và hỏi nó rất nhiều lần. “Em thích khổi D hơn”, lý do này được đưa ra để trả lời đối phó. Nhưng có ai biết, sau khi cô đi, nó ngồi lại và khóc một mình. Cô giáo dạy toán hỏi: “Sao em lại chuyển khối. Em học khối B tốt mà, học khối D vì ra trường có người lo việc cho à?”, nó chỉ biết cười trừ.
Có ai biết vì sao nó lại chuyển khối đâu. Nó đã nghĩ, như thế có phải là đã đánh mất ước mơ của mình không? Mà ai cũng nói sống thì phải có mơ ước. Nhiều lần nhìn cảnh người ta đến nhà đòi nợ, nó chỉ đứng nấp vào trong buồng và khóc… Nó muốn học nhanh ra trường đi làm sớm kiếm tiền nuôi hai em ăn học.
Thế là nó cặm cụi học lại tiếng Anh và ngữ văn. Nhiều buổi tối đi học thêm về, ngồi ăn cơm nguội một mình mà nước mắt nó chảy ra. Những buổi sáng sớm đi trực nhật, trong giờ ăn cơm, lúc đi vệ sinh, đi đường… nó đều mang theo tờ giấy ghi công thức tiếng Anh để học. Trong giờ thể dục, các bạn chơi thì nó mang sách văn ra đọc. Một năm lớp 12 nó cố gắng thức khuya, dậy sớm, tranh thủ học vì gia đình.
Cuối cùng, nó đỗ ĐH Kinh tế Quốc Dân, nhưng không hề có đam mê. Học được một năm, nó mới bắt đầu tìm thấy hứng thú của ngành nó học – Quản trị nhân lực, tức là vẫn làm việc với con người, tìm hiểu tâm lý. Việc tham gia câu lạc bộ về chuyên môn làm nó càng yêu thích chuyên ngành đang học. Nó đi làm thêm cả tuần để tự trang trải một phần sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nó còn tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện đi giúp đỡ các em nhỏ khác, ủng hộ bênh nhân máu khó đông…
Có lúc nó nghĩ, phải chăng người đã đánh mất ước mơ thì sẽ khó tìm thấy đam mê khác. Nhưng càng ngày nó càng thấy vui và thấy cuộc sống ý nghĩa khi giúp đỡ mọi người xung quanh. Nó đang thực hiện ước mơ ngày trước theo một cách khác. Chưa bao giờ nó kể câu chuyện của nó với ai. Đây là lần đầu tiên nó viết ra những dòng này, và ở tuổi 20… nó lại khóc.
Khi có ước mơ, con người sẽ ta có động lực để làm tất cả. Nhưng không phải ước mơ nào cũng thực hiện được. Năm 18 tuổi, nó đánh mất ước mơ của mình nhưng sau đó, nó đã thực hiện ước mơ đó theo một cách khác.
Vy Thảo
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]