Một ngày trên đường dài

10:45 30/01/2013

–          Chú lên đường may mắn, thành công nhé !

Anh Nam gọi điện dặn trước lúc lên đường, vẫn vậy như mọi lần đầy tình cảm. Lần đi này là tiếp nối của hàng loạt nỗ lực của Đại học FPT trong chiến lược Toàn cầu hóa. Năm 2006 khi FPT University ra đời, tôi đã gần như bị mê hoặc bởi các triết lý mới của FU. Khi đó trong xã hội đang diễn ra hàng loạt các tranh cãi về một nền giáo dục tiên phong mà nó vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ. Tuy nhiên thành quả của tranh cãi đó theo hai hướng đều chưa thành công. Trường Đại học Phan Chu Trinh của các bậc lão thành không để lại dấu ấn gì lớn ngoài việc bị đình chỉ tuyển sinh và Trường Đại học quốc tế Việt Đức, Việt Pháp, … với những kế hoạch hàng trăm triệu đô cũng không được mấy ai nhắc tới hay có chăng là về năng lực tuyển sinh yếu kém. Muốn có được thành công trong lĩnh vực giáo dục, dường như cả trí tuệ, nhiệt huyết và tiền nữa cũng vẫn là chưa đủ.

Biển chào mừng của SSM với đoàn của Trường Đại học FPT. Chia sẻ ngay những gì chúng tôi đang thực hiện tại Poly.

Tôi thường trao đổi với các đồng nghiệp và lãnh đạo ở FU nếu muốn khẳng định mình tốt, sánh vai được với cường quốc chỉ có cách tự bản thân mình thể hiện được điều đó qua ba điều: chương trình học quốc tế, có giảng viên quốc tế và có sinh viên quốc tế. Chúng ta cần đẩy mạnh “xuất khẩu giáo dục” để tránh tình trạng nhập siêu như hiện nay khi hàng tỷ USD ra đi theo bước các sinh viên đi du học.

Đương nhiên cải cách là khó khăn, để có được sinh viên và giảng viên đâu đó đến từ gần 20 quốc gia như hiện nay của FPT là bước đi đầy khó nhọc đặc biệt trong bối cảnh chính sách cho giáo dục tư thục không có gì ưu đãi và phải cạnh tranh khốc liệt từ các trường công được bao cấp. Thực tế giáo dục ngoài công lập đang ngày càng giảm, đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới. FU đang cố đi ngược dòng nước chảy xiết đó.

Tôi may mắn lại được đồng hành với Hans người đã song hành trong nhiều hành trình với tôi trên con đường quốc tế hóa tại FU. Hans vừa đánh dấu năm thứ sáu tại Việt Nam bằng một đám cưới hạnh phúc với một giảng viên của FPT.

Một chuyến đi rất dài nhưng lại là dịp để chúng tôi có nhiều thời gian để trao đổi. Hans cùng vợ đang có kế hoạch sang Singapore vì lương bên đó cao hơn và có vẻ dễ sống hơn. Các giảng viên nước ngoài khác của FU như Andrew, Bobby cũng đã ra đi vì lý do tương tự. Đó cũng là lẽ tự nhiên.  Tuần trước trong chuyến khảo sát miền Trung, gặp mặt với các giám đốc đơn vị khác của FPT, các bạn cũng nói chuyện về lương tiền với nhiều tâm trạng khác nhau. Ở đâu cũng vậy, chẳng thể thỏa mãn được hết mong muốn đơn giản này. Các tâm thư được các lãnh đạo công ty viết cuối năm thường được phản ứng bằng sự phẫn nộ hơn là thông cảm.

Với Poly lại càng khó khăn hơn khi mục tiêu phục vụ cho đại chúng sinh viên, chúng tôi bắt buộc thu học phí tương đối thấp nhưng vẫn phải đáp ứng chất lượng đào tạo cao. Làm sao có thể tăng lương khi không muốn thu thêm học phí và cũng không thể giảm chất lượng đào tạo.

Chụp ảnh với Dr. Mathi, chủ tịch trường SSM College, Ấn Độ với nhóm sinh viên học võ Karatedo tại trường. Bạn sinh viên đứng bên phải đã có 6 năm luyện tập.

Blended learning như là một cứu cánh. Trước đây tôi đã rất ngạc nhiên khi Đại học Mở của Vương quốc Anh chỉ có 1000 cán bộ giảng dạy nhưng có thể có trên 100.000 sinh viên và vẫn là đơn vị đào tạo đứng trong Top 50. Cả quãng đường Hans và tôi trao đổi quyết liệt về chủ đề này, làm thế nào để các giảng viên quốc tế có thể nhận lương 3,000-4,000 USD. Làm sao để có thể tăng lương trung bình cho cán bộ gấp đôi, gấp ba trong 5-7 năm tới? Làm thế nào có thể tăng mặt bằng lương để nhân viên, giáo viên có thể cho con học tại chính FPT mà không phải tính toán gì? Với mức hiện tại về cơ bản cán bộ, giảng viên không thể cho con ăn học tại trường FPT. Ứng dụng CNTT và cải tiến cơ cấu cán bộ là một giải pháp tốt cho việc vừa nâng cao chất lượng đào tạo vừa nâng cao hiệu suất làm việc mà không cần phải tăng học phí. Thực tế là học phí của Poly từ khi thành lập đến năm 2013 chưa hề tăng.

Tuy nhiên chuyển đổi sang Blended learning là cả một vấn đề phức tạp. Đơn giản là vì chưa ai hiểu nó thế nào nên đều tự hiểu theo cách của mình. Đào tạo theo phương pháp mới tại tất cả các cơ sở từ Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM đều gặp vấn đề trắc trở. Giảng viên tại Quảng Ninh và Thanh Hóa đều được tham gia đào tạo tại Hà Nội để rút kinh nghiệm. Duy nhất có Đắk Lắk với sự năng động của cán bộ đã có được thành công ngay từ đầu. Điều này khiến cho kế hoạch triển khai phương pháp giáo dục tích cực và blended learning chắc chắn phải chậm lại và không thể triển khai rộng khắp. Tôi liên tiếp nhận được sự từ chối tham gia của Poly-HCM để trở lại với phương pháp giáo dục truyền thống. Đôi lúc tôi thấy mình thật cô đơn trong hành trình dài và hiểu hơn những trăn trở của các lãnh đạo khác. Thật mệt mỏi khi phải chịu áp lực từ nhiều phía.

Tôi đã từng có lúc muốn rời bỏ công việc hiện tại để làm một việc nhỏ hơn nhưng lại có thu nhập và quyền lợi cao hơn nhiều. Tôi đã làm mất lòng một người bạn khi từ chối cơ hội đơn giản vì tôi nghĩ rằng mình đang còn việc dang dở, mình có thể giúp cho nhiều người hơn nếu làm tại FPT và có thể hơi ngây thơ một chút khi tin rằng thu nhập của mình cũng sẽ tăng. Tôi cũng rất vui mừng khi nhận ra đồng hành cạnh tôi vẫn có những người muốn thay đổi và tin vào công cuộc này. Những người đồng hành luôn biết động viên nhau để đi tiếp. Bên cạnh việc cơm áo gạo tiền còn nhiều thứ ý nghĩa hơn trong cuộc sống đang nhuộm màu bon chen. Bên cạnh những hào nhoáng còn những điều đẹp một cách giản dị.

Tôi ước sao có một cuộc sống đơn giản và hạnh phúc bên cạnh những con người nhiệt huyết và đam mê. Ngày mai tôi sẽ kể tiếp câu chuyện về Ấn Độ.

Đăng Kí học Fpoly 2023

1 bình luận trong “Một ngày trên đường dài

  1. Chúc Minh thành công !

    Mình ủng hộ nhiệt tình đấy, giai đoạn 1 Poly Tây Nguyên vững mạnh 🙂

Bình Luận