Day 3-4. 16-17/10/2013
– Bạn từ đâu đến thế?
– Việt Nam, tôi từ Việt Nam.
– Chào mừng đến Palestin.
– Tôi ngồi đây được chứ?
– Tất nhiên, luôn luôn chào mừng bạn đến với Palestin.
Người hướng dẫn du lịch của chúng tôi, Ehut là một ông cụ lão luyện với giọng nói sang sảng, mũ phớt đội đầu và bộ áo bò thường thấy như hình ảnh của các cao bồi. Rời khỏi Tel Aviv, chúng tôi đi về phía Jerusalem. Nếu Tel Aviv có khoảng 400.000 dân thì Jerusalem mới là trung tâm thực sự của Israel với 850.000 dân. Ở đó có trường đại học lớn nhất Israel với 28.000 sinh viên. Ông cụ say sưa kể về những chiến công những ngày lập quốc và cuộc chiến 6 ngày đã khiến cả thế giới sửng sốt về sức mạnh quân sự của Israel. Sau cuộc chiến đó, Israel chiếm luôn nửa còn lại của thành phố Jerusalem, cao nguyên Golan và nhiều vùng đất khác trong tay các quốc gia Ả rập. Ông kể rằng người Do Thái đã ở mảnh đất này từ 2000 năm trước và sau đó bị đế chế La Mã, đế chế Bezantin và cuối cùng là người A rập chiếm đóng từ thế kỷ thứ 7 đến tận thế kẻ 20. “Cuối cùng người Do Thái đã được trở về nhà” Ehut chậm rãi nói.
Tại Jerusalem có thể thấy sự tranh giành ảnh hưởng khốc liệt giữa các tôn giáo. Trong khi các đoàn hành hương của những tín đồ Thiên chúa giáo mộ đạo người Ba Lan vừa đi vừa hát và diễn tả lại cảnh Chúa Christ Jesus bị hành hình đi với cây thập giá trên vai. Đến mỗi chặng họ lại dừng lại và đọc kinh thánh mô tả về hành trình bị kẻ thù đầy đọa. Tại điểm dừng thứ 4 nơi Chúa gặp lại mẹ mình, điểm số 6 khi quá mệt mỏi Chúa đặt bàn tay lên tường mà giờ đây vẫn còn dấu vết và ngày càng được mài bóng thêm bởi hàng triệu tín đồ và khách du lịch mỗi năm đặt tay ướm.
Con đường nhỏ hẹp đưa du khách với thăm nhà thờ nơi được coi là chôn chất chúa Jesus. Ngay sát bức tường của nhà thờ là đền thờ Hồi giáo (mosche). Mọi sự thay đổi đột ngột dường như chỉ cần vài bước chân. Những con phố nhỏ chạy dài đan xen chóng mặt giữa các nền văn hóa tại khu đất thánh. Vừa bước chân ra khỏi nhà thờ Thiên chúa là đền thờ Hồi giáo, vừa qua khu Hồi giáo là có nhà thờ Chính thống giáo. Bên cạnh đó lại là khu nghĩa địa 2000 năm tuổi của những người Do Thái. Khu phố Thiên chúa vừa hết là đến khu phố Hồi giáo sôi động với các điệu nhạc Ả rập. Qua khu Ả rập là đến bức tường than khóc mà hàng triệu người Do Thái hàng năm tới để xót thương cho số phận dân tộc mình. Từng góc phố, từng căn nhà đều mang dấu ấn của sự tranh giành ảnh hưởng của 3 tôn giáo lớn Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Nửa thành phố Jerusalem đã từng thuộc quyền kiểm soát của người Hồi giáo Palestin nhưng sau đó bị Israel chiếm toàn bộ nhưng những người Ả rập vẫn bám trụ tại đó như muốn giữ vững truyền thống và đất đai của ông cha. Vào ngày lễ Thứ sáu, hàng trăm ngàn người Hồi giáo lại tụ tập để cầu nguyện tại Jesuralem bỏ mặc mọi kiểm soát gắt gao và trấn áp của người Do Thái.
Con đường quốc lộ 433 nối liền Tel Aviv và Jerusalem đi thẳng vào đất của Palestin với những hàng rào bê tông và dây thép gai. Thành phố thủ phủ của Palestin thấp thoáng xa xa với các tòa nhà màu đá sét vôi đặc trưng với các thùng nước đen trên mái nhà. “Đó là những khu chiếm đóng (occopice) của những người Palestin”. Ehut nói. “Vùng đất này đáng lẽ thuộc về Israel và có lẽ người Palestin chỉ nên ở những khu tự trị”. Trên con đường cao tốc do người Israel xây dựng ta thấy những chiếc xe biển trắng chữ xanh của những người Palestin xem lẫn những xe biển vàng chữ đen của người Do Thái. Hai đoàn người thù địch vẫn đi trên một con đường ngoại trừ việc những trạm kiểm soát quân sự thì chỉ luôn quan tâm đến các xe biển trắng mà dễ dàng với các xe biển vàng của người Do Thái.
Khu du lịch Biển Chết nằm dưới mực nước biển 428m và là nơi thấp nhất trên lục địa. Khí hậu khô nóng và cô lập đã biến đại dương xưa thành một bể nước muối đậm đặc.
– Bạn từ đâu đến thế?
– Việt Nam, tôi từ Việt Nam.
– Chào mừng đến Palestin.
– Tôi ngồi đây được chứ?
– Tất nhiên, luôn luôn chào mừng bạn đến với Palestin.
Người đàn ông với ánh mắt thông minh, râu quai nón tỉa nhẵn nhụi vồn vã kéo bàn ghế và mời chúng tôi. Anh giới thiệu tên anh là Mammud (tạm phiên âm) và đây là cậu con trai Keid khoảng hơn 10 tuổi. Mammud là Thạc sĩ sử học tại trường Đại học quốc gia của Palestin. Hiện Mammud ở lại trường làm giảng viên.
– Tôi biết Việt Nam, rất nhiều. Tôi đã đọc về Hồ Chí Minh, về Điện Biên Phủ.
Từ “Điện Biên Phủ” được nhấn mạnh và đọc một cách chuẩn mực đúng âm của người Việt. Mummud kể rằng ông đã từng bị ngồi 5 năm tại nhà tù Do Thái và vô cùng đau khổ cho dân tộc mình bị áp bức bởi một dân tộc khác. “Đây là đất Palestin, nhưng những người Do Thái đang chiếm đóng”. “Tôi cũng vừa biết tin tướng Giáp mới mất, ông thọ 102 tuổi. Một vị tướng vĩ đại, giá mà chúng tôi cũng có được người lãnh đạo như vậy”. Mammud trầm ngâm hẳn.
Chúng tôi được rất nhiều người nữa hỏi thăm và đều nhận được câu “Người Việt Nam, chào mừng tới Palestin”. Mammud và các người đồng bào của anh nói đúng. Khu nghỉ nằm ở phía bắc Biển Chết và sâu trong vùng đất Palestin. Con đường lớn của do Israel làm chạy ngoằn nghèo qua các làng mạc của người Palestin. Thỉnh thoảng bên đường có những con đường nhỏ nối vào với biển cảnh báo màu đỏ: “Đây là đường dẫn vào làng của người Palestin, công dân Israel ra vào có thể gặp nguy hiểm”. Xa xa, những căn nhà, đường xá với những ô tô của người Palestin đi lại ẩn hiện sau núi đồi khô cằn.
Bên cạnh những chiếc xe ô tô biển trắng, biển vàng vẫn xếp cạnh nhau hiền hòa và nối đuôi nhau trên đường như không có chuyện gì xảy ra là cả một khoảng cách to lớn của hai kẻ thù đang ngồi cạnh nhau. Bên bờ Biển Chết, dường như ai cũng tư lự. Những gia đình người Palestin chen lẫn những du khách như chúng tôi và cả những người Do Thái đến từ Tel Aviv và Jerusalem. Một vùng đất lạ lùng mà không ai thực sự có quyền kiểm soát. Chúng tôi không rõ ai thực sự nắm quyền điều hành vùng đất này trong sự đan xem tồn tại cả người Ả rập Palestin, người Do Thái và những du khách như chúng tôi. Chỉ cần một cái gật đầu, những người Palestin kia sẽ coi chúng tôi là khách quý và đưa về ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, sau đó có thể gặp rắc rối với lực lượng an ninh Tel Aviv.