Đề xuất hợp tác công – tư trong giáo dục

17:15 03/11/2014

VNE- Trong bối cảnh ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hạn hẹp, sinh viên ra trường thất nghiệp, một hình thức hợp tác giữa khu vực công và tư được hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đề xuất.

Ngày 29/10, tại diễn đàn Tư nhân hoá và hợp tác công – tư trong giáo dục do Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người, ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hợp tác công – tư là sự thoả thuận để đơn vị tư được cung ứng các cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ vốn cho giáo dục mà lẽ ra do Chính phủ cung ứng. Quá trình hợp tác này dựa trên thế mạnh của từng đối tác nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng thông qua sự phân bổ phù hợp các nguồn lực, rủi ro và quyền lợi.

Khẳng định việc hợp tác công – tư trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi ngân sách nhà nước đang hạn hẹp, sinh viên ra trường tỷ lệ thất nghiệp cao, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết, theo xếp hạng của Universitas 21, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa được đưa vào danh sách năm 2014.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT

Ông Tùng cho hay, cũng theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh các quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong các tiêu chí xác định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia có tiêu chí hợp tác đại học – doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Về tiêu chí này, trong báo cáo 2014-2015, Việt Nam xếp thứ hạng 92 trong số 144 nước được xếp hạng.

“Trong xếp hạng cụ thể từng trường đại học, tiêu chí việc làm, quan hệ doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp cũng là một trong các yếu tố quan trọng”, ông Tùng nói và nhận định, qua việc so sánh với các nước và cảm nhận thực tế, mối quan hệ giữa đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu kém.

Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có tỷ lệ 88% sinh viên đại học và 81% sinh viên cao đẳng là sinh viên công lập. Như vây, chất lượng của các trường công hiện nay đóng vai trò quyết định trong chất lượng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng một thực tế là sinh viên ra trường không tìm được việc làm lên tới hàng chục nghìn.

Vì vậy, theo chủ tịch HĐQT Đại học FPT, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam như một hệ thống hoặc của từng trường, cần tăng cường hợp tác công – tư để phát triển quan hệ nhà trường – doanh nghiệp.

Ông Rene Raya, chuyên gia phân tích chính sách của Hiệp hội Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Người lớn Châu Á – Nam Thái Bình Dương cho rằng, hợp tác công tư trong giáo dục là một hình thức chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và lợi ích một cách chính thức, trên cơ sở hợp đồng cho việc cung cấp các dịch vụ giáo dục mà thường thì vẫn được nhà nước cung cấp.

Ông cho biết, hình thức hợp tác công tư trong giáo dục đã được thực hành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó các ví dụ nổi bật là hệ thống Phiếu học phí ở Pakistan, Ấn Độ, gia sư tư nhân ở Campuchia, hợp đồng dịch vụ giáo dục ở Philippines, các trường học do Tổ chức phi chính phủ quản lý ở Bangladesh…

“Khi thực hiện hợp tác công tư, chất lượng và kết quả học tập sẽ tốt hơn, có sự lựa chọn và cạnh tranh, đồng thời người nghèo có khả năng tiếp cận và chi trả”, ông Rene Raya nói.

Tại diễn đàn, tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng khẳng định, hợp tác công – tư trong giáo dục là cách tốt nhất để khắc phục sự hạn chế của nguồn lực cùng cơ chế quản lý kém hiệu quả của khu vực công.

Theo VNexpress.net

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận