Một ngày trên đường dài – tiếp.

12:43 02/02/2013

Đi một ngày đàng, học một sàng dại

Sàng đi sàng lại, được một chút khôn

Ấn Độ nếu xét về các chỉ số giáo dục thì thua kém Việt Nam rất nhiều, tỷ lệ biết đọc, biết viết và tỷ lệ vào đại học đều rất thấp. Nhưng họ lại có điểm sáng nhất định. Ít nhất nhiều người có khái niệm về du học tại Ấn Độ nhưng không hề có khái niệm đi Việt Nam du học ngoại trừ một số ít từ Lào và Campuchia.

Gần đây làn sóng du học Châu Á sang Trung Quốc, Malaysia,… được đẩy mạnh vì nhiều cơ hội việc làm và phát triển nhưng Việt Nam vẫn là vũng trũng trong làn sóng du học này. Thương hiệu quốc gia là cái gì đó quan trọng mà Việt Nam không có được. Tôi đã gặp du học sinh Việt Nam ở khắp các quốc gia có nền giáo dục tương đương như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Cuba … nhưng sinh viên quốc tế tại Việt Nam là đều gì xa vời. Hans cho biết trường đại học của Hans tại Mỹ không hề marketing cho sinh viên quốc tế mà vẫn có rất nhiều. Thương hiệu Việt Nam có vẻ không được ưa chuộng. Khi hỏi cả hội trường bạn biết gì về Việt Nam thì tất cả đều lắc đầu, bạn hỏi có biết bộ phim “Ngôi nhà Việt Nam” không thì có những cánh tay giơ lên. Bộ phim nói về một ngôi nhà mà trong đó anh em mâu thuẫn và đánh giết lẫn nhau, một chủ đề về chiến tranh. Thực tế hiện nay thì Việt Nam là một nước an toàn hơn nhiều quốc gia khác trong đó có Ấn Độ nhưng hình ảnh dường như vẫn khó thay đổi sau hơn 30 năm.

Trở lại với vấn đề du học, SSM College là một điển hình hưởng lợi từ việc có thương hiệu quốc gia hỗ trợ. Tại đây họ có 64 sinh viên quốc tế trong tổng số 3,000 sinh viên chiếm hơn 2% và có cả sinh viên Việt Nam. Sinh viên quốc tế có mức học phí khoảng 3,000 USD/năm cũng không hề rẻ. SSM có thể nói là một trường bình thường nếu so với FU, khuôn viên xây dựng dần dần theo cách để cọc chờ kiểu Việt Nam những năm 90 để bao giờ có tiền xây tiếp. Thế nhưng họ có số sinh viên quốc tế mà FU đang mơ ước có được.

Tôi thầm lẩm bẩm nguyền rủa, có thế này mà SSM dám sang Việt Nam tuyển sinh, lên truyền hình tư vấn du học Ấn Độ còn mình thì ngồi một xó. Thật đáng xấu hổ. Tôi gặp ở đây sinh viên đến từ Buhtan và Kenya. Sinh viên có vẻ hài lòng với những gì đang có.

SSM nằm ở khu vực phía nam Ấn trong bang nói tiếng Tamul gần Chennai thành phố lớn thứ 3 Ấn Độ sau Dehli và Mumbai. Mặc dù cơ sở vật chất không tốt lắm nhưng những tư tưởng ở đây có vẻ rất tiến bộ. Nhằm bảo vệ và tăng khả năng tự vệ cho nữ sinh, SSM dạy Karate cho tất cả các nữ sinh như môn học bắt buộc. Về khía cạnh bình đẳng giới thì phụ nữ Ấn Độ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với phụ nữ Việt Nam. Tại đây hiện tượng phụ nữ bị ngược đãi và cưỡng hiếp khá phổ biến. Mới đây cả quốc gia này sôi sục vì một vụ một nữ sinh bị cưỡng bức tập thể đến chết trên xe buýt. Nhiều quốc gia cảnh báo nữ công dân nước mình không nên đi một mình đến Ấn Độ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy sinh viên nam nữ tại trường dường như không trao đổi với nhau. Thỉnh thoảng mới thấy các trao đổi một cách vội vã giữa nam nữ sinh viên chứ không hề có cảnh các cặp đôi tay trong tay vẫn thường thấy ở các trường Việt Nam. Hội trường chúng tôi trình bày giới thiệu về Việt Nam và FPT được chia thành hai phần nam và nữ ngồi riêng biệt. Điều đáng ngạc nhiên là nữ sinh học Công nghệ tại Ấn Độ đông hơn nam sinh và ngành kỹ thuật được nhiều sinh viên học hơn. Chính vì vậy học phí các ngành kỹ thuật tại SSM cũng cao hơn gấp 2,5 lần học phí các ngành kinh tế.

Sinh viên mới ra trường tại một công ty công nghệ của Ấn Độ đối tác của FPT là 200 USD, có trường hợp khá sẽ khoảng 300 USD. Đối với sinh viên vấn đề việc làm là điều quan tâm lớn nhất, tất cả các trường khi tuyển sinh đều nêu rất rõ số lượng tuyển dụng thành công của sinh viên. Dường như tỷ lệ 50% đã là rất thành công và được quảng cáo mạnh trên những báo chí đắt tiền. Chính vì vậy các khóa học chứng chỉ tại Ấn Độ có mức độ thành công cao một cách đáng ngạc nhiên. Tôi tin rằng với FU, có thể kéo được sinh viên Ấn Độ và các nước lân cận sang Việt Nam du học.

Tôi chợt nhớ đến một câu hay được cậu bạn thân của tôi tên Hùng hay nói:

“Đường đi khó không phải bởi ngăn sông cách núi mà bởi lòng người ngại núi e sông”. 

Ấn Độ được biết như một quốc gia của các loại hương liệu, các bữa ăn của Ấn Độ rất nhiều mùi vị. Hương liệu cũng là nguyên nhân các nước phương Tây muốn giành giật quốc gia này trong quá khứ
Một góc thành phố Chennai, đông dân cư thứ ba tại Ấn Độ
Khuôn viên trường SSM College, đối tác nơi FPT đến làm việc. SSM có rất nhiều khẩu hiệu như khuôn viên không plastic, chỉ nói Tiếng Anh, không sử dụng mobile phone, khuôn viên xanh, …
Sinh viên nữ ngồi ôn bài trước khi vào phòng thi …
và phía bên kia là các sinh viên nam, một khoảng cách rất rõ rệt.
Bên ngoài ký túc xá cho sinh viên quốc tế, tầng trên vẫn để cọc chờ giống Việt Nam những năm 90. Bao giờ có nhu cầu và có tiền phần phía trên sẽ tiếp tục được xây dựng.
Bên trong ký túc xá.
Có cả một khu cầu nguyện cho sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia Phật giáo. Ấn Độ không phổ biến Phật giáo mà là Đạo Hindu.
Trường có một đài phát thanh FM 90.4 Mhz phủ sóng 20km xung quanh. Phòng thu của trường.
Đối với sinh viên tại Ấn Độ, cơ hội việc làm là việc đầu tiên cần cân nhắc khi chọn một trường học.
Sinh viên của trường đang mời Chủ tịch trường tham gia hoạt động vì cộng đồng.
Chúng tôi được Ban lãnh đạo trường đón tiếp nồng nhiệt tại nhà riêng của Chủ tịch SSM.
Và được chào đón khắp nơi trong trường
Được vẩy nước thánh 🙂
và nói về “Dream of Innovation” cho sinh viên và giảng viên SSM, Ấn Độ
Sinh viên chăm chú lắng nghe, ảnh chụp phía bên sinh viên nữ, sinh viên nam ngồi phía bên trái.
và kết thúc bằng hợp đồng hợp tác giữa hai trường. Từ T7.2013, những sinh viên Ấn Độ đầu tiên sẽ sang FPT University du học.

 

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận