Du lịch – khách sạn là ngành dịch vụ có những đặc thù không giống các ngành kinh tế khác. Một trong những điểm nổi bật của ngành là mang tính thời vụ: lúc thì luôn trong tình trạng “cháy” phòng, lúc thì ế ẩm, không có mấy khách đến lưu trú dù có nhiều ưu đãi, khuyến mại.
Dễ dàng nhận thấy mùa cao điểm của khách sạn thường rơi vào mùa hè khi khách có nhu cầu đi du lịch cao, khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Lượng khách giảm nhiều vào mùa mưa và lạnh, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2. Vậy vào mùa thấp điểm, người quản lý cần đưa ra những chiến lược gì để hoạt động kinh doanh được ổn định?
- Nâng cấp dịch vụ & cơ sở vật chất.
Trong giai đoạn thấp điểm, cần nâng cấp, làm mới “bộ mặt” khách sạn, chẳng hạn như thay đổi thiết kế, nâng cấp, sửa chữa hoặc thay đổi nội thất. Tăng tiện ích, thêm dịch vụ; mở thêm các khóa ngắn hạn để đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ cho nhân viên. Bên cạnh đó, khách sạn nên thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí trong mùa vắng khách, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mức lương phù hợp để giữ nguồn nhân lực ổn định.
Một mắt xích yếu sẽ làm toàn bộ hệ thống suy yếu. Để giữ vững hoạt động kinh doanh tốt và thu hút nhiều khách đến và trở lại, thì tất cả phải được xem như một tổng thể hoàn hảo, trong đó từng bộ phận phối hợp nhịp nhàng và đồng điệu với nhau. Marketing khiến khách sạn được khách hàng biết đến. Bộ phận lễ tân tiếp đón khách nồng hậu, chu đáo, tận tình; Bộ phận buồng phòng luôn giữ phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ. Bộ phận F&B đóng vai trò quan trọng không kém, là nơi thu hút và giữ được sự trung thành của khách với cung cách và chất lượng phục vụ ăn uống, giải trí tuyệt vời. Tất cả tạo nên một hệ thống khép kín hoàn hảo.
2. Triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn
Vào mùa thấp điểm, công suất phòng tại khách sạn được sử dụng rất ít. Do đó cần đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu, thu hút khách hàng nhằm duy trì và giúp cho hoạt động kinh doanh được ổn định trong thời kỳ này. Đặc biệt, trong mùa cao điểm, khách sạn không nên đưa ra chiến dịch khuyến mại bởi không thể phục vụ chu đáo được khách hàng, điều đó đồng nghĩa với việc đối mặt mất khách và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của khách sạn.
3. Bán phòng qua đa dạng kênh phân phối
Để tăng cường thu hút khách đặt phòng, ngoài các biện pháp về quản trị khách sạn, nâng cấp về mọi mặt, … khách sạn cũng cần quan tâm và mở rộng kênh bán phòng online qua các kênh liên kết uy tín cũng như tại chính trang fanpage của khách sạn. Đây là một giải pháp đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu của bất kỳ một khách sạn nào trong giai đoạn hiện nay.
Các khách sạn hầu hết đang hướng tới việc phân phối phòng thông qua hệ thống đặt phòng từ xa qua các website liên kết. Với hệ thống này, khách sẽ có nhiều lựa chọn như xem qua các phản hồi của nhiều khách đã lưu trú, đánh giá chất lượng, địa điểm, tình hình an ninh của khách sạn để cân nhắc việc đặt phòng. Sau đó khách hàng sẽ trực tiếp chọn, đặt phòng và thanh toán qua mạng mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên khách sạn. Kênh phân phối này rất tiện ích và được nhiều khách hàng yêu thích và lựa chọn sử dụng ngày nay.