Ngày cuối ở Tel Aviv

21:42 21/10/2013

Mặc dù Israel là quốc gia mới thành lập năm 1948 nhưng những câu chuyện tại đây đều có tuổi hàng ngàn năm. Thánh địa Jerusalem bắt nguồn đã 3000 năm từ thời Đế chế La mã cổ đại. Khu nhà cổ Old Jaffa có đến 4000 năm tuổi. Điều đáng ngạc nhiên là các khu này không hề là di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. Nhưng tự thân Jerusalem hay Old Jaffa đã có giá trị về văn hóa bậc nhất thế giới mà không cần bất kỳ một công nhận hay chứng chỉ nào.

Một góc phố Old Jaffa

Old Jaffa trước năm 1948 là nơi ở chủ yếu của người A rập và sau cuộc chiến vệ quốc của người Do Thái, những người Do Thái cũng đẩy luôn người Ả rập ra khỏi khu Old Jaffa. Sau đó chính quyền nhà nước Israel quyết định công nhận những người Ả rập muốn ở lại cũng sẽ là công dân Israel. Trong tổng số 7,9 triệu dân Israel có 6,5 triệu người Do Thái và 1,3 triệu người Ả rập Hồi giáo. Còn lại là một ít Thiên Chúa giáo và những người khác. Chỉ những người Do Thái và Thiên Chúa mới phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc 3 năm với nam và 2 năm với nữ. Ngoài thời gian nghĩa vụ bắt buộc, các công dân này đều là lính dự bị và hàng năm vẫn tham gia huấn luyện quân sự. Người Hồi giáo vẫn lạc lõng và cô độc trong quốc gia Do Thái.

Có thể nói chiến tranh luôn thường trực nơi đây và đã nhiều lần khối Ả rập đồng loạt tấn công Israel. Bên cạnh đó, khối Ả rập cũng tẩy chay, bao vây và cô lập quốc gia nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa các quốc gia Ả rập. Nếu hộ chiếu du khách nào có dấu của Israel đều bị tẩy chay và không được nhập cảnh vào khối Ả rập. Để tránh phiền toái cho du khách, Israel đã không đóng dấu vào hộ chiếu mà cấp tờ giấy riêng để cho phép vào và ra khỏi Israel. Vì nhiều lần bị đánh hội đồng và luôn trong nguy cơ chiến tranh nên người Israel luôn đề cao cảnh giác một cách cao độ. Xuất nhập cảnh tại Israel có lẽ là nơi an ninh được thắt chặt nhất và bạn thường mất rất nhiều thời gian để qua các thủ tục rườm rà.

– Bạn tới đây làm gì?
– Bạn tới đây với ai?
– Đồ đạc gồm những gì?
– Quà được tặng là gì?
– Tại sao họ lại tặng?
– Tao xem có được không?
– Bạn làm việc với ai?
– Trao đổi những gì?
– Bạn tới Malaysia rồi à, làm gì ở đó?
– Bạn có bạn ở Malaysia hay không?

Hàng loạt các câu hỏi và đồ đạc được chiếu chụp, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho đất nước nhỏ bé. Đơn vị tình báo của quốc gia này cũng khét tiếng hành động xuất quỷ nhập thần, xuất sắc trong các chiến dịch tình báo và đột kích.

Trái ngược với sự khó chịu của cơ quan an ninh, những người Israel lại khá cởi mở. Rất ngạc nhiên là mọi người mà chúng tôi gặp đều tự hào với nguồn gốc nông dân tại kebbutz của mình. Chúng tôi gặp Hiệu phó của Trường Đại học công mang tên Ben Gurion, người sáng lập ra quốc ra Israel mới. Carmel bảo khẽ: “Đây là người rất quyền lực, tất cả các tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Intel đều nhờ vả ông”. Đại học Ben Gurion nằm giữa sa mạc phía nam Israel. Trường sở hữu riêng một khu công nghệ cao cho các tập đoàn lớn. Hàng năm trường cung cấp 1/3 số kỹ sư cao cấp cho toàn bộ Israel. “Chúng tôi không dạy luật, ở Israel đã quá nhiều luật sư rồi”. Ông cười to rồi nói. Ngành luật cũng giống ngành tài chính – ngân hàng của Việt Nam những năm qua. “Chúng tôi rất mạnh về công nghệ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, chúng tôi thấy được sự tương đồng giữa người Do Thái và người Việt. Chúng ta đều rất muốn làm. Chúng tôi sẽ cấp học bổng cho sinh viên FPT sang đây làm thạc sĩ với đầy đủ chỗ ăn ở”.

Một góc Tel Aviv

Chúng tôi gặp Guy – giám đốc sáng tạo của Trung tâm Công nghệ giáo dục (Center for Educational Technology). Ông năm nay đã ngoài 50 nhưng rất hồ hởi và vui tính. “Chào những người bạn Việt Nam, tôi biết rất rõ về Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1890 và mất năm 1969 đúng vào ngày độc lập. Trước đó người ta nói ông mất ngày 3/9 sau đó cải chính lại”. Guy liến thoắng như sợ chúng tôi không tin mà nghĩ chỉ nói xã giao. “Tôi đã đọc tất cả các cuốn sách về Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh cũng giống như Ben Gurion đều là những con người vĩ đại”. Đến khi về Guy lại vỗ vai tôi, “mày biết không trên đời này có 3 nơi mà tao muốn sống. Một là Tel Aviv nơi tao sinh, hai là New York nơi tao đã học và ba là Hà Nội. Sống ở Hà Nội thật tuyệt. Tao cảm thấy rất thanh bình”. Tôi cũng chẳng hiểu Guy thật hay đùa nữa.

Một chuyến đi lạ lùng khép lại với nhiều câu hỏi không lời đáp. Lần đầu tiên tôi thấy người Việt được chào đón nồng nhiệt và hiểu khá rõ từ phía hai kẻ thù đối đầu là Israel và Palestin. Tuy nhiên, khi ra khỏi Israel để điền mẫu khảo sát người ta đã hỏi tôi là Bắc hay Nam Việt Nam. Tôi bảo Việt Nam chỉ có một thôi. Họ bảo thôi được, tao sẽ để lựa chọn là Bắc Việt Nam cho mày. Nhìn vào droplist trên iPad trên tay cô bé, tôi thấy chữ “North Vietnam”.

Viết tại sân bay Istabul

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận