Chúng tôi đến một quốc gia có lẽ là kỳ lạ nhất trên thế giới. Tôi nhớ lại một lần đợi chuyển máy bay tại Doha, tôi ngồi nói chuyện với một anh bạn.
– Ông đến từ đâu thế?
– Israel
– Ồ, một quốc gia vĩ đại.
– Không, một quốc gia nhỏ và một vấn đề lớn.
Quả đúng vậy, hiếm có dân tộc nào bị xua đuổi suốt lịch sử dân tộc. Một quốc gia vừa hình thành đã bị gần chục quốc gia láng giềng tấn công. Và ngày nay, Israel gần 8 triệu dân vẫn tồn tại trong lòng thế giới Ả rập thù địch hơn 400 triệu dân. Các xung đột vẫn thường xuyên diễn ra.
Chúng tôi được đối tác đón tiếp khá chu đáo và nhiệt tình, có người đón chúng tôi tại chân máy bay và dẫn đi làm thủ tục một cách chi tiết. Đôi khi chúng tôi tự hỏi vì sao những người hiền lành này lại bị cả thế giới xua đuổi.
Xuống máy bay gần trưa và đón chúng tôi là Carmel – Chủ tịch công ty, đi cùng là phó chủ tịch Aviv xinh đẹp. Các bạn dẫn chúng tôi đi dọc thành phố Tel Aviv rồi kể cho nghe câu chuyện về một tổ chức cộng đồng mang tính chủ nghĩa cộng sản. Bà ngoại của Carmel cùng những người Do Thái từ Nga và Ba Lan chạy trốn cuộc đại chiến thế giới đã đến vùng đất Israel ngày nay vào năm 1927 và xây dựng nên một trong những kibbutz đầu tiên. Chúng tôi đến thăm trang trại bò của kibbutz. Aviv nói thầm: “Carmel tự hào lắm đấy vì chính Carmel là người lên kế hoạch phát triển trang trại này”. Chúng tôi tự do đi vào mà không thấy một bóng người. Được biết, đây là một trang trại được vận hành bằng Công nghệ thông tin. Toàn bộ trang trại vận hành chỉ bởi 6 người. Mái của trại tự động đóng mở theo thời tiết và mọi hoạt động đều theo quy trình. Tổng số bò ở đây khoảng 700 con. Nếu ở Việt Nam thì có thể đàn bò này được chăm sóc bởi vài trăm người nhưng ở đây chỉ có 6 người nông dân trông coi.
Carmel dần dần kể về lịch sử kibbutz của ông với giọng điệu đầy tự hào. Bà ngoại ông xây dựng nên kibbutz này và chuyển lại cho các thế hệ sau, đến đời thứ 4 rồi. Bản thân Carmel đã từng là giám đốc điều hành của kibbutz. Theo thống kê năm 2010, Israel có 270 kibbutz như vậy đóng góp 9% sản lượng công nghiệp và 40% sản lượng nông nghiệp toàn quốc.
Kibbutz hoạt động theo mô hình cộng sản chủ nghĩa tức là làm theo lao động – hưởng theo nhu cầu, còn cao hơn mô hình xã hội chủ nghĩa theo định nghĩa của K.Max. Toàn bộ lương của các thành viên tất cả đều được nộp cho kibbutz để góp cho các hoạt động chung. Gia đình của Carmel làm việc trong quốc hội của Israel và có lương rất cao nhưng cũng góp hết vào cho cộng đồng. Hơn 1000 người dân của kibbutz đều được chăm sóc tất cả mọi mặt từ khi ra đời. Kibbutz sẽ lo hết cho các nhu cầu của cộng đồng từ ăn mặc đến đi lại. Nhà ăn tập thể cung cấp ngày ba bữa cho tất cả các thành viên. Ai cần đi xa có thể lấy ô tô của kibbutz, đổ xăng miễn phí rồi đi. Con cái đến tuổi được chăm sóc ở nhà trẻ và trường học ngay tại cộng đồng. Hoạt động kinh tế của kibbutz nhà Carmel rất tốt nên tiền dư đã đầu tư vào xây dựng một công viên nước lớn cho cộng đồng. Ngoài ra còn có cả khách sạn để khách đến ở. Carmel dẫn chúng tôi đến thăm nhà trẻ cộng đồng nơi con gái út đang được chăm sóc. Đứng bên những bức ảnh về lịch sử kibbutz mình ông nói như với chính mình: “Ở đây thật tuyệt, còn gì mong ước hơn nữa, tất cả đều rất thân thiện và an toàn. Thanh bình và hạnh phúc”.
Mô hình hoạt động này mới chỉ chấm dứt vào năm 2010.
Dọc con phố chính tại Tel Aviv, chúng ta có thể thấy mặt của các công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới. Microsoft và Intel đều có cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) tại đây. Họ biết rằng trí tuệ Do Thái mang lại nhiều giá trị cho các công ty công nghệ. Chúng tôi đến thăm và làm việc với trường Đại học IDC, một trường tiên tiến với khoảng 6000 sinh viên trong đó 30% là sinh viên quốc tế. Đó là các sinh viên Do Thái đến từ các quốc gia khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn từ Mỹ sang học. Các giáo sư tự hào rằng chất lượng ở đây rất tốt nhưng giá rẻ hơn so với ở Mỹ nhiều. Ngôi trường trông như một viện bảo tàng với cột đá từ thời Ceasar được trưng bày. Chúng tôi đang đứng trên mảnh đất lịch sử của loài người. Ông Chủ tịch trường nói giọng hào sảng về tinh thần khởi nghiệp của trường. Thế mạnh của trường là giúp các sinh viên có thể khởi nghiệp.
Công ty tiếp theo chúng tôi đến là công ty về công nghệ trong giáo dục. Phát triển trên nền tảng của Mobile để dạy Tiếng Anh. Hiện tại công ty đã có 20 triệu người dùng chủ yếu ở các quốc gia Mỹ Latin. Đúng là mặc dù chỉ có 8 triệu dân nhưng Israel coi cả thế giới là thị trường để phát triển. Trung bình thu của người dùng là 1 USD/ tuần và giữ được người dùng khoảng 200 ngày. Một công ty nhỏ có được sự phát triển như vậy quả là không tệ. Bà chủ tịch vốn xuất thân từ dân luật và có tài hùng biện. Bà sang sảng giảng giải về sự phát triển của Mobile và nói quá trình Học tập trên mobile (Mobile Learning) là không thể thay đổi.
Chúng tôi khép lại buổi làm việc đầu tiên bên bờ Địa Trung Hải. Ngày mai chúng tôi sẽ làm việc với đối tác mà anh Trương Gia Bình gọi là viên kim cương trong giáo dục.
Tel Aviv 14.10.2013
Một dân tộc tuyệt vời
Mình đã được đặt chân đến đây. Quả con người ở đây rất thân thiện. Hi vọng sẽ dc đến lần nữa.