– Ở Việt Nam rất nhiều người ngưỡng mộ Israel đấy!
– Vì sao vậy?
– Chỉ có 8 triệu dân, bị bao vây bốn phía bởi các quốc gia thù địch mà vẫn phát triển rất tốt. Việt Nam mới mâu thuẫn với Trung Quốc mà cả nước đều lo lắng.
– Không bọn tao thấy khâm phục Việt Nam, nghiêm túc.
– Vì sao vậy?
– Ngày trước bọn mày đánh Pháp mất mặt tại Điện Biên Phủ, rồi giờ lại làm bạn được với Pháp. Đánh nhau với Mỹ đến mức dân Mỹ mắc hội chứng Chiến tranh Việt Nam rồi lại làm ăn được với Mỹ. Đánh nhau với Trung Quốc rồi lại làm lành với Trung Quốc. Tao đã đánh nhau với thằng nào thì không làm lành được nữa.
Hóa ra là như vậy, mỗi quốc gia đều có số phận và tính cách riêng. Cùng kích thước như Lào nhưng Israel lại là một quốc gia khác hẳn và Việt Nam vẫn là niềm mong ước.
Anh bạn chủ tịch công ty đối tác chỉ vào bức ảnh một người đàn ông rồi hỏi: “Mày biết ai đây không?”. Thấy tôi ngần ngừ, Carmel tự trả lời luôn: “Đây là Ben Gurion, cha đẻ của quốc gia Israel mới. Ông ý là bạn của Hồ Chí Minh”.
Công ty đối tác tiếp đón chúng tôi trọng thị với toàn bộ Ban lãnh đạo gồm CEO và 4 Phó chủ tịch. Founder của công ty gồm 2 người một là tỷ phú Israel mong muốn đóng góp cho giáo dục và một là chuyên gia về giáo dục hàng đầu của Israel. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn gồm gần 20 chục tên tuổi nổi tiếng của nền giáo dục Israel với cả giải Nobel.
Công ty 8 năm tuổi với 200 nhân viên đã được đầu tư 150 triệu USD để tìm ra một cách thức giáo dục mới. Thử nghiệm ở Mỹ cho thấy số học sinh khá giỏi tăng 50% và số học sinh kém giảm tới 70% so với mẫu đối sánh.
Tại FPT, chúng tôi vẫn đang tự hào có những cải cách vượt bậc so với mặt bằng giáo dục trong nước. Chúng tôi hãnh diện vì theo kịp những trào lưu hiện đại và vượt khá xa về tư duy giáo dục tại Việt Nam với các phương pháp “project-based learning”, “problem-based learning”, “blended learning” và áp dụng Công nghệ thông tin trong đào tạo. Nhưng khi được nói chuyện thì mới thấy, đằng sau những con sóng đang hiện hữu, còn có những đợt sóng ngầm tiếp theo. Chúng ta chỉ thấy những con sóng bạc đầu mà quên mất còn những con sóng ngầm mạnh mẽ đang ầm ầm tiến vào.
Chương trình thử nghiệm của bạn đã được áp dụng cho 20% số trường học tại Israel và đem lại kết quả khích lệ. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm những lớp đầu tiên tại Việt Nam cho môn Tiếng Anh với dự án GEM. Cậu con trai Minh Trí được cho làm chuột bạch để học thử. Mặc dù đã được giới thiệu chi tiết và cũng tìm hiểu thêm nhưng kết quả đạt được khá bất ngờ. Minh Trí về nhà bắt đầu lẩm nhẩm bài học và luôn háo hức chờ đến buổi học tiếp theo. Đặc biệt phát âm tốt lên một cách đáng kể.
Devi, Founder công ty, vừa trở về sau khi có bài phát biểu tại một hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại ngay Tel Aviv hồ hởi kể chuyện “Ngày hôm qua, báo đưa tin rằng có đến 90% số sinh viên đại học tại một trường được khảo sát đang ngồi trong lớp chơi Candy Rush để chờ hết giờ. Điều này chưa bao giờ diễn ra tại lớp học của chúng ta. Học sinh của chúng ta còn ngồi lại lớp sau buổi học”. “Rồi tất cả mọi người nói chuyện về MOOCs, nhưng MOOCs chỉ làm được tốt hơn những thứ hiện có chứ không phải nền giáo dục của tương lai. Giáo dục bản thân nó phải là một sự trải nghiệm, kiến thức phải được xây dựng tự thân từ người học đúng theo như Piaget nói. Do đó, những khóa học như MOOCs chỉ phù hợp với những người nói chung đã có trải nghiệm và muốn tổng hợp kiến thức.”
Tôi thấy nhận xét này khá đúng vì thực tế MOOCs chưa chứng minh được thành công và vẫn loay hoay về bài toán tài chính. Devi tiếp lời: “Mày tin tao đi, bọn tao đang dẫn đầu thế giới trong sự thay đổi này. Và cách tao tìm đối tác cũng là tìm những người tiên phong. Tại Mỹ, tao cho McGraw-Hill, Hàn Quốc là Doosan và tại Việt Nam tai quyết định sẽ bằng được làm việc với FPT. Đừng nói chuyện ngắn hạn, tao chọn bạn để chơi lâu dài”.
Chúng tôi lại kết thúc bằng bữa tối thân mật ven bờ Địa Trung Hải. Nằm giữa trung tâm của các xung đột trên thế giới mà sao thấy thanh thản lạ kỳ.
Tel Aviv 15.19.2013