Tản mạn về giáo dục nhân dịp đi dự QS Mapple 2014

21:30 30/10/2013

Một ngày đẹp trời năm 2011, có một vị khách quốc tế đến thăm FU, lúc đó tôi đang phụ trách về Hợp tác quốc tế nên được cử ra tiếp. Thoạt nhìn giống người Ấn Độ nên tôi chủ động hỏi chuyện về Ấn Độ nhưng sau đó mới biết ông bà nội ngoại của cậu có 4 quốc tịch khác nhau. Bản thân cậu mang một quốc tịch Châu Âu. Ôi thế giới mới rộng mở làm sao?

Người khách đó chính là đại diện của QS, một đơn vị tư nhân chuyên về xếp hạng và kiểm định các trường Đại học. Bảng xếp hạng của QS là một trong ba bảng xếp hạng có uy tín nhất trên thế giới. Tuy nhiên, chính QS nhận ra rằng bảng xếp hạng giáo dục nói chung không mang tính khuyến khích vì nếu năm nay xếp hạng 200 mà năm sau 210 thì xem chừng là không ổn mặc dù có thể chẳng khác gì cả. Và thực tế cũng rất khó đánh giá trường xếp thứ 300 hay 400 khác nhau nhiều đến thế nào? Trên thế giới có đến hàng chục ngàn trường đại học, mà bảng xếp hạng chắc chỉ tốt cho một số ít vài trăm trường ban đầu. Chính vì vậy QS đưa ra bảng gắn sao cho các trường giống như khách sạn. Đạt đến đâu thì gắn sao đến đó. Bên cạnh đó còn đánh giá chi tiết cho từng tiêu chí, mục tiêu lớn nhất là chỉ ra road-map (đường đi – lộ trình) cho quá trình phát triển của mỗi trường để tiến bộ hơn. Và hay hơn định được đẳng cấp và nói chung các trường sẽ phần nào cảm thấy vui vẻ với mức của mình.

Hội nghị năm nay được tổ chức tại trường Đại học Sung kyun kwan (Thành Quân Quán). Trường này được thành lập 1398, vốn là Trường Khổng giáo giống với Quốc tử giám của Việt Nam.
Cây cổ thụ 500 năm tuổi trong khuôn viên Thành Quân Quán

Đại học FPT lần đầu tiên được đánh giá ngoài cũng học được khá nhiều điều và biết được mình mạnh yếu thế nào theo chuẩn. Có điểm mình tưởng yếu hóa ra lại mạnh và ngược lại. Năm 2012, FPT đánh giá lần đầu và được 3 sao, trong đó nổi bật có phần Giảng dạy (teaching) được 5 sao.

Hội nghị QS là hội nghị mất phí và khá cao, mỗi khách tham gia đóng 500 USD phí tham dự nhưng vẫn có khoảng 600 khách đăng ký chính thức với chủ yếu là Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Đại học khắp nơi trên thế giới.

Diễn đàn tranh biện với 4 diễn giả chính

Mở đầu bằng một chủ đề tranh luận “Liệu giáo dục tư thục có trở thành tương lai của nền giáo dục khu vực?”. Hai phe được chia ra tranh luận bảo vệ luận điểm của mình.

Một giáo sư Ấn Độ đứng lên nói:

– Ở các nước đang phát triển, nhà nước không thể đủ tiền để lo việc giáo dục và giáo dục tư ngày càng đóng vai trò quan trọng. Hãy nhìn xem những trường đại học năng động nhất đều là trường tư thục. Ngày nay giáo dục tư đã chiếm 55% nền giáo dục quốc dân và chắc chắn tương lai sẽ thuộc về giáo dục tư thục.

Phe công lập phản pháo bằng thuyết trình của một giáo sư đến từ Hồng Kông:

– Hãy nhìn xem, cứ vài năm chúng ta sẽ lại chứng kiến một vài trường tư thục vỡ nợ. Những trường khác để tránh vỡ nợ, họ phải tăng học phí, cắt giảm các chương trình nghiên cứu, không đủ tiền để đầu tư vào sư phạm. Thực tế cho thấy các trường đại học công lập luôn bền vững và có chất lượng tốt và các trường tư luôn là các trường hạng 2.

Một nữ giám đốc của chương trình quốc tế đến từ Indonesia lên tiếng:

– Hiện nay, khắp nơi các trường tư đang đóng vai trò to lớn. Từ Indonesia, Campuchia, Lào đến Philippines, các trường chủ yếu là các trường tư. Điểm mạnh của các trường tư là vô cùng sáng tạo, họ thay đổi vô cùng nhanh chóng trước yêu cầu của cuộc cách mạng mới. Mới đây tại trường tôi tổ chức một cuộc thi lập trình là ACM, thật ngạc nhiên có một trường tư mới thành lập nhưng đứng hạng 3 và vượt trên rất nhiều trường lâu năm. Chỉ có các trường tư mới làm được như vậy.

Lúc đầu tôi không biết họ nói ai nhưng lúc nghỉ khi nhìn thấy tôi, cô nữ giám đốc kêu lên: “FPT, tao biết bọn mày rồi, từng nãy tao nhắc đến bọn mày trong buổi tranh biện. Chốc nữa tao với mày ký MoA luôn nhé, tao rất muốn cộng tác với FPT”. Lúc này mới thấy các em đi thi ACM mang lại giá trị thế nào cho FU.

Gian triển lãm của Trường Đại học FPT, nhiều sự cố về chuẩn bị nhưng cuối cùng cũng có một gian khá tươm tất.

Trở lại câu chuyện tranh biện, giáo sư khác đến từ Singapore lên tiếng:

– Vấn đề là nhà nước không thể lấy tiền dân cho các trường tư để các trường kiếm lời. Chính vì vậy các trường công sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục. Đặc biệt khi quốc gia càng phát triển thì việc này sẽ càng đúng.

Chủ tọa thấy có vẻ không chịu được cũng lên tiếng:

– Tôi đã có nhiều kinh nghiệm, hãy nhìn vào các trường tư của Mỹ như Havard, Standford, … nguồn tài chính họ rất đa dạng và rất nhiều là nguồn chính phủ. Việc các trường tư nhận tiền chính phủ để đào tạo không có gì là xấu. Nhiều công ty tư nhân vẫn làm dịch vụ, bán hàng cho chính phủ để kiếm lời. Tại sao giáo dục tư lại không thể nhận tiền chính phủ. Cách tốt nhất theo tôi là các chính phủ nên cấp học bổng cho sinh viên tự chọn trường, chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho các đề tài nghiên cứu thông qua đấu thầu bất kể công hay tư.

Một khách mời khác người Hà Lan phát biểu:

– Tôi đã từng gặp CEO của hãng Shell cùng với cả ban lãnh đạo, đó là một tập thể xuất sắc. Tôi cũng đã gặp quan chức Bộ giáo dục Hà Lan. Tôi phải nhận xét thế này. Đối với quan chức chính phủ, họ không được phép làm sai. Làm sai có nghĩa là sự nghiệp chính trị chấm dứt. Và họ cứ làm lâu năm sẽ được thăng tiến. Còn tại Shell, nếu anh không sáng tạo, không làm sai điều gì đó chứng tỏ anh không làm gì cả và anh sẽ bị đuổi việc. Khác nhau cơ bản chỉ có vậy và đội ngũ lãnh đạo của Shell thực sự là một tập thể xuất sắc nhất mà tôi từng gặp.

Cựu CEO của Samsung, hiện đang làm Giáo sư tại Trường Đại học Sungkyunkwan có phát biểu quan trọng tại buổi lễ về Smartopia. Có vẻ giống nguyên CEO FPT Nguyễn Thành Nam về Trường Đại học FPT nhưng cách trình bày theo kiểu hùng biện giống Chủ tịch Trương Gia Bình nhiều hơn.

Hóa ra vấn đề tưởng chừng chỉ có ở Việt Nam cũng tồn tại ở khắp nơi bất kể phát triển hay đang phát triển, châu Âu hay châu Á. Chợt thấy rất đúng với Việt Nam và thực tế tôi đã chọn nơi khi tôi sai, tôi có quyền được sửa chữa. Hội nghị còn bàn tán vài chuyện thời sự như MOOCs, MOCs và digital learning. Khá giống với những gì mình hình dung và chợt nghĩ về NeoEdu, đứa con sắp ra đời để đón chào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên công nghệ trong giáo dục.

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận