Có thể bạn đã từng chứng kiến những trường hợp kinh điển được báo chí thổi phồng như “Lương tháng khởi điểm 1000$”, “Vua của mọi nghề”… hay nghe đồn đại về một ông anh “huyền thoại” nào đó học cơ khí Bách Khoa, thế nhưng liệu độ hào nhoáng của ngành CNTT có thật sự “cao siêu” đến vậy?
Để giải đáp cụ thể về thắc mắc trên, bài viết lần này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành Công nghệ thông tin từ những chủ đề kinh điển nhất, nhận được sự quan tâm đông đảo từ phần lớn người xung quanh, đồng thời, hỗ trợ các bạn tìm ra câu trả lời phù hợp để đối phó trước những câu hỏi “khó đỡ” của bạn bè hay người thân.
Học CNTT làm được gì?
Đầu tiên, chúng ta cần phải nắm được khái niệm cơ bản về ngành Công nghệ thông tin. Trích từ trang WordNet của trường Đại học Princeton có viết như sau: “Công nghệ thông tin (Information Teachnology) là một ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và viễn thông để thu nhận, lưu trữ và truyền tải thông tin”. Bên cạnh đó, trong một bài báo của 2 tác giả Harold J. Leavitt và Thomas L. Whisler năm 1958 cũng có đề cập: “Dù công nghệ mới này vẫn chưa có tên riêng nhưng chúng tôi sẽ gọi nó là Công nghệ thông tin”.
Tuy cụm từ “Công nghệ thông tin” xuất hiện từ rất sớm, song khái niệm về nó vẫn còn khá mơ hồ, dẫn đến tình trạng nhiều người không thực sự hiểu về công việc cũng như những kỹ năng mà sinh viên được đào tạo trong quá trình theo đuổi ngành nghề này. Với họ, CNTT dường như chỉ xoay quanh những vấn đề dạng “Học lý thuyết nhiều như thế, vậy rốt cuộc sau này có sửa được cái máy giặt thành thạo không?”.
Dù vấp phải không ít tranh cãi, song không thể phủ nhận một sự thật rằng CNTT đã và đang phát triển rất rộng, mở ra cơ hội việc làm ngày một đa dạng hơn theo xu hướng của thời đại. Chưa hết, thông thường trong mỗi công ty cũng sẽ sở hữu một mô hình hoạt động riêng và kèm theo đó, các chức vụ có thể linh hoạt đổi cho nhau. Cụ thể, dưới đây là tổng hợp những vị trí “cơ bản” trong ngành đã được tóm gọn lại như sau:
Nếu nhìn kĩ vào sơ đồ trên, các bạn có thể thấy ngành CNTT vô cùng rộng mở mặc dù chúng ta chưa thể liệt kê được hết các vị trí mà một người có khả năng đảm nhận sau khi được đào tạo. Tuy vậy, về cơ bản, chúng ta có thể hình dung phần nào về những lĩnh vực trong ngành. Ngoài ra, bỏ xa những lầm tưởng của người ngoài rằng dân IT chỉ biết ngồi cắm mặt máy tính để viết code thì vẫn có những lĩnh vực hết sức thú vị chẳng hạn như làm sản phẩm (các vị trí liên quan đến product), thiết kế (design), cầu nối giữa client và team dev (BrSE, IT Compor)…
Con gái có học được CNTT không?
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, hãy cùng xem thống kê sau trên TopCV nhé!
Qua bảng thống kê, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn ra CNTT đang thực sự rất “hot” trong những năm gần đây và dự kiến sẽ gia tăng hơn nữa trong tương lai. Quay lại với khúc mắc trên, chỉ nhìn vào biểu đồ thứ 2 cũng thấy tuy số lượng nam nhân viên có hơi áp đảo nhưng số lượng nhân viên nữ cũng không quá ít, bởi lẽ trong ngành có rất nhiều vị trí yêu cầu sự tỉ mỉ, mềm dẻo khi giao tiếp, và vì vậy sẽ là lợi thế để các bạn nữ tự tin theo học, bất chấp một số khó khăn nhất định thường sẽ phải đối diện trong giai đoạn đầu.
“Mức lương khởi điểm của CNTT chắc cao lắm?”
Với nhu cầu tuyển dụng đông đảo trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, lương thưởng của các vị trí trong ngành CNTT luôn ở mức hấp dẫn. Riêng đối với sinh viên thực tập hoặc mới ra trường, lương khởi điểm đã dao động trong khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng. Với nhân viên IT, lương trung bình có thể dao động trong khoảng 10 – 25 triệu đồng/tháng và sẽ có xu hướng tăng dần theo thời gian, kinh nghiệm, năng lực. Điều đó đủ để thấy dù lương ban đầu chỉ ở mức bình thường thì việc chúng ta nâng cao kỹ năng, không ngừng học hỏi và phát triển kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm cũng sẽ mang đến những cơ hội tốt cho tương lai sau này.
Đặc biệt, với các bạn sinh viên mới ra trường thường sẽ bắt đầu từ vị trí như Fresher hoặc Intern, lượng kiến thức trong quá trình học tập lúc này gần như chưa thể giúp các bạn có thể “nhảy” vào dự án của công ty và bắt tay vào làm ngay. Tuy nhiên, thay vì chán chường thì hãy cố gắng chăm chỉ đi làm, lấy kinh nghiệm làm trọng, sau khi đi làm được một thời gian nếu bạn có phấn đấu, nỗ lực học hỏi và cống hiến cho công ty thì chắc chắn cấp trên sẽ hiểu được thành quả và trả công xứng đáng với tâm huyết mà bạn bỏ ra.
101 những câu hỏi ngoài lề
Học CNTT có nhất thiết phải giỏi Toán không?
Câu trả lời là “Không nhất thiết”. Nhìn chung, tùy vào công việc mà bạn đang làm thì sẽ có những mảng chúng ta chỉ cần biết những thứ toán cơ bản, thế nhưng, cũng có những mảng dù vận dụng tới cả kiến thức suốt 4 năm học Đại học cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, nếu học giỏi Toán thì sẽ là một lợi thế và bước đệm khá vững chắc, vì dựa trên việc giỏi Toán thì điều đó chứng tỏ rằng bạn cũng có một lối suy nghĩ logic, nhất là khi trong ngành này tính logic vô cùng quan trọng.
Học sinh cấp 3 cần chuẩn bị những kiến thức gì cho ngành CNTT?
Trong những năm cấp 3, bạn có thể tập trung học những môn như Toán, Tin học để bồi dưỡng lối suy nghĩ logic, tham gia vào các cuộc thi liên quan đến Tin học vì nếu học giỏi môn Pascal thì khi lên Đại học, quá trình học môn Nhập môn lập trình sẽ đỡ vất vả hơn.
Sinh viên trái ngành có thể theo học CNTT không?
Các bạn sinh viên trái ngành hoàn toàn có thể theo học CNTT, tuy nhiên vì có xuất phát điểm muộn hơn các bạn khác nên điều kiện bắt buộc là sẽ phải cố gắng hơn. Dù vậy, đừng nản mà hãy cố gắng học hỏi, kiếm cho mình một người thầy/ cô giáo tâm huyết để thoát khỏi cảnh “bơi” trong đống kiến thức vô tận mà không có chỉ dẫn đúng đắn nhé!
Học CNTT có cần phải giỏi tiếng Anh không?
Trong CNTT, tiếng Anh có vai trò rất quan trọng bởi việc sở hữu tiếng Anh tốt sẽ giúp các bạn dễ đọc hiểu tài liệu trên mạng hơn, fix bug không còn quá khó khăn. Tuy vậy, không bắt buộc các bạn phải có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS mà thay vào đó nếu ít thời gian thì có thể chọn thi TOEIC. Quan trọng hơn cả, các bạn cần đọc hiểu, nghe được để tham khảo các kiến thức từ video bên nước ngoài, riêng về phần giao tiếp thì có thể tự luyện hoặc rủ bạn bè tham gia một khóa trên Cambly để học nói tiếng Anh 1-1 với người bản xứ.
Theo đuổi CNTT chưa bao giờ là điều đơn giản, nhưng hy vọng rằng, với những giải đáp trên, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngành mình lựa chọn, đồng thời có thêm động lực để phấn đấu, trở thành những chủ nhân “công nghệ” trong tương lai.
Bộ môn Ứng dụng phần mềm
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá Hà Nội