Nhiều người vẫn cho rằng Tiktok thành công nhờ định hướng video ngắn nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm Tiktok, rất nhiều app video ngắn đã ra đời nhưng không có nền tảng nào tạo được sức hút tương tự như Tiktok.
Mấu chốt trong thành công của Tiktok không phải là video ngắn mà thực chất nằm ở thuật toán đề xuất nội dung với sự chỉ đạo đằng sau Tiktok là Bytedance. Có thể nhiều người chưa biết, sản phẩm đầu tiên của Bytedance là Toutiao – một ứng dụng tin tức và nội dung được cá nhân hóa theo sở thích người dùng. Nếu đặt lên bàn cân so sánh, Toutiao và Tiktok có cùng một điểm chung đó chính là thuật toán đề xuất dựa theo mối quan tâm của người dùng trong thời gian thực.
Nội dung hiển thị trên phần “Dành cho bạn” của Tiktok cũng rất khác với nội dung hiển thị trên News Feed của Facebook. Facebook xem trọng mối quan hệ và độ uy tín của người đăng nội dung nhưng Tiktok thì không. Cùng hướng tới việc cá nhân hóa nhưng sự khác nhau giữa 2 nền tảng này khá rõ rệt và tiêu biểu nhất như việc nếu không đăng nhập Facebook, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy bất cứ nội dung nào khi vào trang chủ. Thậm chí khi lập 1 nick mới, nếu không kết bạn với ai, không theo dõi trang hay tham gia hội nhóm nào, News Feed của chúng ta cũng trống rỗng.
Nhưng Tiktok thì hoàn toàn ngược lại, chúng ta vẫn có thể xem Tiktok cả ngày mà không cần đăng nhập. Chỉ khi có nhu cầu tương tác nhiều hơn với các video, Tiktok mới cần người dùng phải đăng ký tài khoản. Ngoài ra, điểm khác biệt nữa của Tiktok đó là không cần phải follow ai, cũng không cần phải thả tim ai mà chỉ cần lướt xem, Tiktok sẽ nhanh chóng ghi nhận những dữ liệu xem của người sử dụng để đề xuất nội dung phù hợp hơn đối với bản thân chúng ta.
Cụ thể hơn vào tháng 9/2022, một số nhà khoa học tại Bytedance đã đăng tải một nghiên cứu khoa học và theo đó, họ nói về cách tạo ra thuật toán đề xuất dựa trên hành vi của người dùng theo thời gian thực. Chưa hết, họ còn đưa ra cách hệ thống làm việc và lý do tại sao nó nhanh, chính xác, và luôn cập nhật thay đổi theo người dùng.
Nói một cách cụ thể, thuật toán này được sử dụng cho các sản phẩm của Bytedance bao gồm cả Tiktok và Toutiao – những nền tảng mạng xã hội nội dung được cá nhân hóa một cách sâu sắc. Kết quả đạt được chính là thời gian giữ chân người dùng trở nên vô cùng ấn tượng. Theo báo cáo gần nhất, thời gian sử dụng Tiktok trong một tháng trên một người dùng trung bình tại Anh hiện tại đã gần gấp đôi Youtube. Tỷ lệ vô cùng ấn tượng khi mà Tiktok chỉ mới chính thức ra mắt vào 2017, tức khoảng 5 năm về trước.
Với những gì Tiktok chính thức công bố cũng như theo phỏng đoán dựa trên những phép thử và suy đoán từ các chuyên gia trong ngành, quan điểm về nội dung và chất lượng của Tiktok chủ yếu dựa trên phản hồi người dùng, tức là Tiktok không cố gắng mang lại những content giá trị, nhân văn, bổ ích, hay kiến thức,… Chính vì thế, những content đó vô tình sẽ trở nên vô dụng trên Tiktok nếu nó không mang lại phản hồi chất lượng từ phía người dùng – tức là khiến người dùng xem hết, xem lại, tương tác, bình luận và chia sẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể dễ dàng thấy những content phổ biến và được lan truyền nhiều nhất trên Tiktok chính là những nội dung có thể mang đến nhiều yếu tố kích thích về mặt cảm xúc nhất. Chẳng hạn như sự vui vẻ hoặc cũng có thể là phẫn nộ, mang theo 2 thái cực cảm xúc để khi được đẩy lên cao trào đều có khả năng lây lan tới đối phương. Chính vì chúng ta dễ cười hơn khi nhìn thấy em bé khanh khách cười, dễ khóc hơn khi nhìn thấy 1 cụ bà rơi lệ nên cảm xúc dễ tạo được sự lôi cuốn, đồng cảm và chia sẻ.
Một trong những yếu tố Tiktok cực kì nhấn mạnh với các nhà sáng tạo để có thể tạo được những nội dung chất lượng trên nền tảng đó là tính Chân thực (Authencity). Với tính năng này, Tiktok khuyến khích mọi người xuất hiện một cách tự nhiên nhất, không cần màu mè hoa lá về mặt hình thức mà thứ cần tập trung chỉ đơn giản là câu chuyện và thông điệp nội dung sẽ truyền tải.
Nhìn chung, việc định hướng người dùng tập trung vào tính chân thực trong video 1 phần nào đó giúp những nhà sáng tạo nội dung tập trung hơn vào câu chuyện sẽ thể hiện trong video hơn là hình thức. Mặt khác, có thể đưa ra những phỏng đoán rằng, video càng chân thực thì nền tảng trí tuệ nhân tạo càng dễ dàng hơn trong việc phân tích hình ảnh và âm thanh, từ đó nhanh chóng hiểu hơn câu chuyện đang được đề cập và phân phối tới đúng những người dùng hiện tại đang quan tâm tới những chủ đề tương tự.
Thuật toán đề xuất của Tiktok hiện tại mạnh đến mức không chỉ biết bạn đang muốn xem gì, mà còn biết rằng bạn sẽ muốn tìm kiếm và xem những gì tiếp theo đó nữa. Điều này khiến mình liên tưởng giống như mình đang đánh cờ với Tiktok, và nó có thể dự đoán trước khoảng 10-20 nước tiếp theo của mình dựa trên những bước đi hiện tại. Thậm chí có thể còn xa hơn.
Vì sao thuật toán Tiktok có thể hiểu sâu người dùng đến như vậy mà những nền tảng khác khó làm điều tương tự hơn? 1 trong những yếu tố quan trọng có thể kể đến đó là định hướng ngay từ đầu của nền tảng. Khi độ dài trung bình của 1 clip trên Youtube là khoảng 11-12 phút, thì độ dài lý tưởng của 1 clip Tiktok là khoảng 21-34 giây. Tức là khi bạn xem hết 1 clip Youtube, thì cùng thời gian đó bạn sẽ xem được 25 clip Tiktok.
Cùng 1 thời gian, bạn cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho Tiktok, Tiktok hiểu bạn dễ và nhanh hơn rất nhiều. Một mặt, về phía nhận diện và định danh nội dung, nội dung ngắn hơn khiến thuật toán dễ hiểu video nói gì hơn, câu chuyện thể hiện thông điệp rõ ràng hơn, và từ đó Tiktok dễ dán nhãn phù hợp với nội dung và đương nhiên, dễ tìm được người xem phù hợp hơn.
Với việc tập trung và chỉ tập trung vào sở thích vào mối quan tâm của người dùng ở thời điểm hiện tại, Tiktok mang đến những bữa tiệc cảm xúc khiến người dùng phải không ngừng thốt lên từ “Wow!”. Tuy nhiên không chỉ có thế, Tiktok biết cảm xúc là thứ rất dễ thay đổi nên dưới lớp vỏ bọc khuyến khích sự đa dạng, Tiktok không ngần ngại đề xuất những nội dung đang thịnh hành, thậm chí có thể hoàn toàn không liên quan tới mối quan tâm của bạn hiện tại chỉ để đánh giá bạn có lướt qua không hay sẽ tập trung vào theo dõi.
Nếu bạn lướt qua, việc này không phải vấn đề quá lớn, vì nó chỉ mất của bạn vài giây. Việc này cũng quan trọng bởi giữa những nội dung hay, cần những nội dung mang tính lót nền, để cân bằng lại cảm xúc, rồi sau đó lại đẩy lên tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn dừng lại trước một clip hoàn toàn không liên quan đến sở thích và hành vi của bạn trước đó thì “BINGO!”, Tiktok đã nhận thấy một mối quan tâm mới được hình thành và trang “Dành cho bạn” sẽ có một chút thay đổi.
Tổng kết lại, Tiktok tạo ra 1 nền tảng hướng đến việc giữ chân người dùng bằng nội dung được cá nhân hóa với mối quan tâm trong thời gian thực, bao gồm cả việc dự đoán những mối quan tâm tiềm năng có thể được hình thành. Tuy nhiên chỉ với nền tảng cung cấp nội dung thôi là chưa đủ mà Tiktok còn cần nỗ lực nhiều hơn để thành công trong việc tạo nên 1 mạng xã hội – tức là một nơi người dùng tạo nội dung cho nhau xem. Cách Tiktoker tạo nên 1 đội ngũ Content Creator hùng hậu sẵn sàng làm không công bất kể ngày đêm, và cách họ khiến việc sáng tạo trở nên đơn giản và dễ dàng cũng là một chủ đề rất hay ho mà chúng ta sẽ còn bàn tới trong bài viết sau.
Giảng viên Vũ Thị Quỳnh Thư
Bộ môn Quản trị kinh doanh
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng