Làm thế nào để phòng chống “Tin giả”, đặc biệt là khi Covid-19 xuất hiện, rất nhiều người đã lợi dụng “Tin giả” để trục lợi, lôi kéo sự chú ý trên mạng xã hội? Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nhé!
Bạn cảm thấy bị “bội thực” trước vô số luồng thông tin trên mạng xã hội hiện nay? Khi bắt gặp thông tin bất kỳ, bạn băn khoăn chưa biết nên tin vào nguồn nào và làm thế nào để kiểm chứng độ tin cậy của chúng? Từ lâu, Tin giả luôn là “đặc sản” của mạng xã hội. Đã bao lần bạn thấy bạn bè, người thân hay thậm chí là chính bản thân mình vô tình chia sẻ một sự kiện chấn động, chỉ để sau đó phát hiện rằng tin tức này được “châm ngòi” từ một bà cô… bán kem trộn? Chưa kể, “dịch bệnh” tin giả đã bắt đầu bùng lên một cách dữ dội và mất kiểm soát từ khi COVID-19 xuất hiện.
Có thể nói, chưa bao giờ khái niệm “Tin giả” (Fake news) trở nên rộng rãi trên truyền thông như thời gian gần đây. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa thể thể hiện đầy đủ và chính xác tất cả các hình thái thông tin sai sự thật trên không gian mạng, vì động cơ, mục đích và lí do tạo nên những thông tin này là khác nhau. Hướng đến mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho các bạn sinh viên – đối tượng có thời lượng sử dụng mạng xã hội cao nhất hiện nay – trong việc phòng tránh và nhận diện Fake news, bài viết lần này sẽ giới thiệu những dạng tin giả phổ biến và “liều vaccine” hữu hiệu giúp người trẻ đề phòng những thông tin sai sự thật này.
Những dạng tin giả thường gặp
Hiện nay, có thể chia thành 7 dạng Tin giả, trong đó bao gồm thông tin giả và tin sai lệch thường gặp trên không gian mạng, được sắp xếp theo mức độ động cơ gây hại/lừa dối tăng dần:
- Châm biếm hoặc “Nhại” lại: Những thông tin trào phúng, gây cười, không nhằm mục đích gây hại nhưng có khả năng đánh lừa người đọc
- Nội dung gây hiểu lầm: Sử dụng thông tin gây hiểu lầm để định hình một vấn đề hoặc cá nhân nào đó
- Nội dung mạo danh: Mạo danh các nguồn tin chính thống để “sản xuất” thông tin, khiến người đọc tin mình
- Nội dung bịa đặt: Tạo nội dung mới sai sự thật hoàn toàn, thiết kế nội dung này để lừa dối và gây hại
- Kết nối sai: Sử dụng tiêu đề, hình ảnh hoặc chú thích không hỗ trợ nội dung bài viết
- Bối cảnh sai: Chia sẻ tin chính thống nhưng ghi sai bối cảnh thông tin
- Nội dung bị thao túng: Thao thúng thông tin hoặc hình ảnh để lừa dối người đọc
“Vaccine” nào giúp phòng chống “Tin giả”?
Con người luôn có những phản xạ tự nhiên, và một số phản xạ trong đó đã ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta đọc và lan truyền tin tức. Vì vậy, ở bước đầu trong quá trình “tiêm” liều vaccine phòng chống Tin giả này, bạn cần thẳng thắn tự nhìn nhận lại một vài “tật xấu” thường gặp của bản thân khi tiếp nhận thông tin, như:
- Chúng ta thích đọc tin tiêu cực hơn là tích cực?
- Chúng ta hay nghĩ “xã hội ngày nay thật đáng sợ”?
- Chúng ta dễ bị dẫn dắt bởi những con số “đứng một mình”?
- Chúng ta có bản năng “tự chuẩn hóa” sự việc (gọi nôm na là “vơ đũa cả nắm”)?
- Chúng ta có thói quen tự định đoạt mọi thứ bằng suy nghĩ của cá nhân mình?
Hãy thẳng thắn nhìn vào vào những phản xạ, những thói quen xấu đó mỗi khi đọc thông tin. Tiếp theo, hãy luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và đặt câu hỏi liên tục về tính xác đáng của những gì bạn tiếp nhận, như:
- Liệu những hình ảnh, dữ liệu trong bản tin này có được cập nhật hay được dùng lại từ những bản tin cũ
- Liệu người viết bài có vì thiên kiến, định kiến mà ủng hộ hay chống lại một cá nhân/tổ chức nào hay không?
- Liệu nội dung bài viết có đang bị thổi phồng bằng cách sử dụng ngôn từ gây sốc?
- Liệu những số liệu, thông tin trong bài viết có bị lấy ra khỏi bối cảnh?
Và trước khi tiếp nhận thông tin, bạn đã:
- Đối chiếu thông tin qua nhiều nguồn khác nhau chưa?
- Đánh giá thông tin từ những nguồn và bằng chứng đáng tin cậy chưa?
- Đã tỉnh táo và có thói quen phản biện chưa?
- Đừng tin tưởng vào số đông!
- Thận trọng với ý kiến đến từ người nổi tiếng!
Thẩm định thông tin với công thức I’M VAIN
Cuối cùng, công thức I’M VAIN đơn giản dưới đây sẽ giúp các bạn phần nào nhận định được thông tin đang tiếp nhận có thật sự đáng tin cậy hay không giữa khối lượng lớn thông tin thật giả bất phân mà hàng ngày ta bắt gặp trên mạng xã hội:
INDEPENDENT (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin không)
MULTIPLE (nguồn tin có đa chiều không)
VERIFY (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có được thẩm định chưa)
AUTHORITATIVE (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không)
INFORMED (thông tin có được bằng cách nào)
NAMED (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh)
Trong thời đại truyền thông xã hội lên ngôi, chúng ta cần trau dồi và trang bị cho mình những phương pháp hữu hiệu để nhận biết Tin giả. Chính sự tỉnh táo và rèn luyện kỹ năng thẩm định hàng ngày là liều vaccine hữu hiệu nhất trong nâng cao năng lực truyền thông của người trẻ trên môi trường mạng xã hội hiện nay. Mong rằng, sau bài viết này, các bạn sẽ hiểu thêm về cách phòng chống “Tin giả”, cũng như áp dụng, tuyên truyền để mọi người không còn dễ dàng tin vào những nguồn tin không chính xác.
Theo
Giảng viên Lê Thụy Xuân Dương
Bộ môn Kinh tế – FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng