Với việc xuất hiện bài thi tổ hợp trong phương án dự kiến kỳ thi THPT năm 2017, nhiều thí sinh băn khoăn các trường sẽ xét điểm từng môn thành phần hay tính tổng của bài thi để xét tuyển đại học.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Tuy nhiên, điều mà nhiều thí sinh băn khoăn nhất là điểm thi trong bài thi tổ hợp tự chọn sẽ được tính như thế nào trong việc xét tuyển đại học.
Em Trần Văn Tiến (Hà Nội) thắc mắc: “Khi xét tuyển đại học, sẽ tính điểm tổng của bài thi tổ hợp hay tính điểm theo từng môn? Em băn khoăn không biết có nhất thiết phải làm hết cả 3 môn trong bài thi tổ hợp tự chọn không và nếu không làm, dính điểm liệt một trong 3 môn có làm sao không?”
Một học sinh lớp 12 khác chia sẻ: “Với thay đổi năm nay, các trường đại học cần phải công bố tổ hợp xét tuyển sớm để thí sinh còn liệu tính. Trường hợp em học theo khối A, nhưng lỡ năm nay trường đại học lại sử dụng tổng kết quả bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa Sinh), tức là sẽ có thêm môn Sinh thì rất thiệt thòi. Chưa kể đợi đến lúc các trường công bố tổ hợp, rồi em mới học môn Sinh thì cũng khó có thể kịp để có thể học tốt”.
Trả lời VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Điểm khi chấm sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn cấu phần.
“Để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp. Còn để xét tuyển đại học, cao đẳng, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển. Việc này sẽ do các trường tự chủ”, ông Ga nói.
Do đó, việc xét tuyển đại học sẽ tùy trường. Nếu trường yêu cầu sử dụng điểm của cả bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội thì thí sinh phải làm hết tất cả. Nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em có thể làm mỗi cấu phần đó.
Theo ông Ga, vấn đề điểm liệt sẽ được quy định chi tiết trong quy chế tới đây. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, nếu các em bị điểm liệt của cả bài thi mới không được xét tốt nghiệp, không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó.
Chia sẻ lo lắng của thí sinh về thời điểm công bố phương án xét tuyển của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường công bố sớm ngay trong đầu năm học cho thí sinh chuẩn bị.
“Ngoài ra, các trường nào tuyển sinh theo khối thi mới thì 2 năm qua cũng tương đối ổn định, do đó các thí sinh cũng không phải lo lắng chuyện tổ hợp xét tuyển mới”, ông Ga nói.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn