Tuyển sinh 2017: Những điều thí sinh tự do cần biết

10:10 28/12/2016

Tuyensinh247 – Để có được kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng thuận lợi, thí sinh tự do (thi lại) cần lưu ý những điểm sau.

1. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp và dự thi để xét tuyển Đại học, Cao đẳng

  • Năm 2017 các trường vẫn xét tuyển theo khối thi truyền thống, nên thí sinh tự do vẫn tiếp tục ôn tập theo Ban đã chọn.
  • Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT Quốc gia chỉ cần dự thi các môn dùng để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
  • Trong quá trình làm bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH), thí sinh có thể lựa chọn làm 01 phần trong bài thi phù hợp với khối thi của mình.
  • Bộ GD – ĐT qui định mỗi môn thi thành phần của 02 bài thi tổ hợp sẽ có thời gian làm bài giới hạn. Hết giờ làm bài môn này thì thí sinh phải nộp lại để chuyển sang thi môn khác.

Ví dụ: Thí sinh A tham gia xét tuyển trường Đại học XY với tổ hợp môn xét tuyển là Toán, Lý, Hóa (Khối A) sẽ chỉ thi môn Toán và bài thi tổ hợp KHTN (trong đó chỉ lựa chọn làm bài thi Lý, Hóa, không phải làm bài thi Sinh).

Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT Quốc gia không cần dự thi tất cả các môn như thí sinh chưa tốt nghiệp, mà chỉ cần dự thi các môn dùng để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Nguồn ảnh: Internet
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT Quốc gia không cần dự thi tất cả các môn như thí sinh chưa tốt nghiệp, mà chỉ cần dự thi các môn dùng để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Nguồn ảnh: Internet.

2. Đối với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT

Các thí sinh tự do chưa tốt nghiệp cần phải dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT.

  • Các môn thi dùng để xét tốt nghiệp: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh tự chọn một trong hai môn là KHTN (Sinh, Lý, Hóa) và KHXH (Sử, Địa, Giáo dục Công dân).
  • Cách tính điểm xét tốt nghiệp:
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2017.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2017. Nguồn ảnh: Internet.

Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập là 1.0 điểm, điểm liệt của mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp là 1.0 điểm (theo thang 10 điểm).

  • Bảo lưu điểm tốt nghiệp: Theo quy chế, thí sinh được quyền bảo lưu điểm các môn đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia trước đó cho đợt xét tốt nghiệp THPT năm kế tiếp. Thí sinh không bắt buộc phải bảo lưu đồng thời tất cả các môn đạt từ 5 điểm trở lên, mà có quyền được chọn môn bảo lưu nếu đạt đủ số điểm.

Lưu ý: Điểm bảo lưu chỉ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, không được sử dụng để xét tuyển Đại học.

3. Địa điểm thi THPT Quốc gia

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD – ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Các điểm thi được bố trí nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân.

Các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân trong kỳ tuyển thi THPT Quốc gia năm 2017. Nguồn ảnh: Internet.
Giống như kỳ thi THPT 2016, năm nay các thí sinh được tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân. Nguồn ảnh: Internet.

4. Hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài thi và lịch thi

a. Hình thức thi

  • Bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Theo đó,  mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệmvà bài làm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.
  • Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

b. Đề thi

  • Đề thi cho mỗi bài thi KHTN, KHXH có 120 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm.
  • Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa nhằm mục đích xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
  • Đề thi Ngữ văn tự luận do các chuyên gia, giáo viên, giảng viên giỏi và có nhiều kinh nghiệm biên soạn.

c. Thời gian làm bài thi

  • Bài thi Toán có thời gian làm bài là 90 phút.
  • Bài thi Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút.
  • Bài thi Ngoại ngữ có thời gian làm bài là 60 phút.
  • Các bài thi KHTN và KHXH có thời gian làm bài là 150 phút/bài.

d. Nội dung thi

Nội dung đề thi năm 2017 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 THPT.

 e. Lịch thi

Thời gian tổ chức thi được thống nhất trên toàn quốc là 02 ngày trong tháng 06/2017. Lịch trình cụ thể như sau:

  • Ngày thứ 1:
    • Sáng: thi Ngữ văn và Ngoại ngữ.
    • Chiều: thi Toán.
  • Ngày thứ 2:
    • Sáng: thi Khoa học Tự nhiên.
    • Chiều: thi Khoa học Xã hội.

5. Công bố kết quả thi và cấp Giấy chứng nhận kết quả thi

Sở GD&ĐT cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh một Giấy chứng nhận kết quả thi.

6. Phương thức xét tuyển Đại học, Cao đẳng

Theo dự thảo, Bộ cho phép các trường được lựa chọn 01 trong 04 phương thức sau để xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017:

  • Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia.
  • Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.
  • Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT.
  • Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và qui định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh. Do vậy, các thí sinh tự do có nguyện vọng thi vào trường nào thì nên tìm hiểu về phương thức tuyển sinh của trường đó để có phương án chuẩn bị phù hợp.

Theo Tuyensinh247

banner-ftel-to-2-1

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận