Một năm học lại mà trôi qua lâu như một thế kỷ vậy. Từ sau ngày đó, tôi đã nhận ra được rất nhiều điều, tôi bắt đầu từ bỏ thú vui từng ném tôi xuống địa ngục, mặc dù hết sức khó khăn. Tôi đi học chăm chỉ hơn, chịu khó ghi bài hơn và về nhà tôi làm bài tập đầy đủ.
Đã được gần 6 năm, nhìn lại quãng thời gian vừa qua, cuộc sống của tôi đã có rất nhiều thay đổi, tôi đã gần 27 tuổi, tuổi của sự trưởng thành, khôn lớn. Dẫu tưởng thời gian sẽ xóa nhòa mọi nỗi thất vọng, xua tan mọi niềm đau, rằng thời gian sẽ làm chúng ta quên đi quá khứ mà chúng ta không hề muốn nhớ tới, vậy mà giờ đây ký ức lại ùa về.
Tôi bước vào cổng trường đại học với bao sự tự hào của cha mẹ, người thân, niềm hãnh diện của anh chị, sự vui mừng của bạn bè. Trước đó tất cả đều không hy vọng cũng như mong chờ ngày đó, vậy mà tôi đã làm cho mọi người bất ngờ, tôi đậu đại học khi có một số điểm vừa đủ, vượt qua tỷ lệ chọi hết sức “khó xơi” 1 chọi 21, năm 2004.
Bước vào cổng trường đại học cao vời vợi khi mà tôi còn đang dang dở năm thứ 2 một trường cao đẳng, điều khiến tôi quyết tâm thi vào đại học không phải vì nhà nghèo, cũng không phải muốn kiếm tấm bằng cử nhân mai sau đi xin một công việc tốt, lại càng chẳng phải lý do muốn hơn thua với bạn bè. Đơn giản, vì ngành tôi đang học tại cao đẳng là một ngành cơ khí, phải tiếp xúc với dầu mỡ, bẩn thỉu, tôi cảm thấy không hợp.
Tham gia các trò “xưng hùng xưng bá” khiến tôi bỏ lỡ một năm đại học. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Nghe có vẻ như tôi là một công tử bột phải không? Gần như thế, tôi được ba mẹ nuông chiều từ khi còn tấm bé, mặc dù điều kiện gia đình không phải giàu có, nhưng với ba mẹ, tôi luôn giống như một đứa trẻ. Ông bà luôn quản thúc tôi trong vòng tay và ít khi cho tôi làm những công việc nặng nhọc.
Chính vì vậy tôi đã không được tập để quen với việc phải lao động chân tay vất vả. Có lẽ tới lúc này nghĩ lại, tôi vẫn còn khinh bản thân mình ngày đó, và khi đã đậu đại học, tôi giống như bước sang một thế giới khác. Hàng ngày học tập, quanh quẩn với giấy bút, sách vở đã làm cho con người tôi sống trong lý thuyết, lười biếng và điều đó cứ lặp đi lặp lại như thế đã khiến tôi cảm thấy buồn tẻ, chán nản việc học.
Để giải quyết sự buồn tẻ ấy, tôi và đám bạn sa vào những trò chơi điện tử, những quán điện tử quanh trường là một trong số những địa điểm chứa đầy sự cám dỗ. Ba mẹ gửi cho bao nhiêu tiền để chi phí cuộc sống xa nhà, tôi dành dụm để ném hết vào những tháng ngày ngồi trước màn hình máy tính một cách mù quáng.
Tôi vẫn lên lớp đều đặn, rất đúng giờ, tuy nhiên đó là dành cho các môn tôi xem là chủ đạo, các môn phụ khác thời gian lên lớp trong tuần chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân thì chắc hẳn ai cũng đoán được. Chơi điện tử khuya nên ngủ muộn và dậy muộn là điều hiển nhiên và lúc đó tự cho phép mình nghỉ học là lựa chọn của tôi.
Rồi bắt đầu tôi dính những lần điểm danh “định mệnh”, kết quả là tôi không được thi vài môn, tôi dần quen với cuộc sống của một sinh viên nợ môn, học lại, thi lại, lịch học vào buổi sáng của tôi cũng theo đó mà thưa dần. Cuộc sống cứ như thế đều đều trôi qua, tôi không đi chơi với bạn bè nhiều, tôi dành phần lớn thời gian bên những trò chơi vô thưởng vô phạt.
Hết năm thứ nhất tôi cũng may mắn vượt rào thành công, tôi chỉ nghĩ việc học đại học giống như một trò đùa, thích thì học không thì thôi, bởi vậy thành tích trong bảng điểm vô cùng bết bát, thi lại rất nhiều, nợ môn cũng không kém. Điểm phẩy rơi xuống mức trung bình là tất cả những gì mà tôi có thể làm được. Thật đáng hổ thẹn!
Tôi tiếp tục bước vào năm học thứ 2 với vô vàn “thương tích” do các môn bị nợ để lại, nhưng tôi vẫn không coi đó là một mối đe dọa, bởi vì tôi vẫn nghiện chơi game, dán mắt vào màn hình máy tính từ sáng tới tối như một cách thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Rất đơn giản, tôi quyết tâm tham gia các giải đấu điện tử, điều đó buộc tôi phải ngốn sạch quỹ thời gian trong ngày để rèn luyện trình độ, hoàn thiện kỹ năng đi “xưng hùng xưng bá”. Nó khiến tôi hàng ngày phải qua trưa bằng những gói mì tôm và những chiếc bánh bao không hề dễ nuốt.
Năm thứ 2 tôi trông già nua hẳn, lũ bạn nói nhìn tôi không baby như năm đầu, gương mặt tôi gầy gộc và đen xạm đi vì thiếu ngủ. Sức khỏe ảnh hưởng trầm trọng, hay ngủ gật trong lớp, thiếu năng động đến mức trốn hầu hết các tiết học thể dục. Tôi đã trở thành một kẻ nghiện game, tôi lấy việc chơi game làm thú tiêu khiển qua ngày.
Và điều gì đến thì nó cũng sẽ phải đến, trong kỳ thi cuối năm, tôi trượt 4 môn, và điểm tổng kết dưới 5 phẩy, như vậy không đủ điều kiện để tôi tiếp tục năm thứ 3. Tôi nhận quyết định của nhà trường, buộc phải học lại năm thứ 2. Lúc đầu tôi nghĩ đơn giản rằng mọi chuyện không đến nỗi nghiêm trọng, nhưng thực sự tôi vừa đón nhận một điều tồi tệ nhất trong đời. Quả thật đến bây giờ nghĩ lại cảm giác lúc nhận tờ quyết định đó tôi vẫn còn bàng hoàng.
Tôi suy sụp sau những nỗ lực cầu cứu từ thầy cô, bạn bè, nhưng không ai có thể giúp, tôi đã thực sự gây ra một sai lầm lớn. Tôi đã phụ công của ba mẹ và chị tôi, những con người vẫn ngày ngày trông ngóng tôi tốt nghiệp ra trường, mỏi mòn trong chờ đợi. Giờ đây tôi biết nói sao với ba mẹ và giải thích như thế nào với người thân.
Tôi hoang mang trong một mớ bòng bong những suy nghĩ không lối thoát, thật đáng đời cho một kẻ như tôi. Tôi chỉ biết đắm chìm trong tuyệt vọng, cảm giác như mọi thứ hết sức tồi tệ. Lúc này người động viên duy nhất với tôi chính là chị gái, chị đã cho tôi những lời khuyên, dành cho tôi sự cảm thông và hướng tôi đến cuộc sống phía trước, một cuộc sống của một kẻ thất bại, bị bạn bè coi thường, bị thầy cô phân biệt đối xử.
Nhục nhã và bị khinh thường là cảm giác tôi cảm nhận được khi bị xếp học cùng lớp dưới. Các bạn học ít tuổi hơn luôn luôn coi thường những người bị đúp như tôi. Đó quả là một quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời sinh viên mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Liệu tôi có thể vượt qua được sự mặc cảm để hòa nhập với môi trường mới, liệu tôi có còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục học lại năm thứ 2? Những câu hỏi đó ngày nào cũng hiển hiện trong tâm trí, nó làm cho tôi trở nên ít nói, sống khép mình và lầm lũi hơn trước.
Một năm học của tôi là một năm ba mẹ phải chi ra một số tiền không hề nhỏ, cứ nghĩ lại hình ảnh ba mẹ ngày ngày vất vả nuôi chị em tôi ăn học, tôi lại trào nước mắt. Điều đó càng làm tôi cảm thấy có lỗi với ba mẹ, càng làm tôi dằn vặt và day dứt lương tâm. Đây quả là một cú sốc khủng khiếp đầu tiên của cuộc đời tôi.
Thời gian với tôi dài khủng khiếp, một năm học lại mà trôi qua lâu như một thế kỷ vậy. Từ sau ngày đó, tôi đã nhận ra được rất nhiều điều, tôi bắt đầu từ bỏ thú vui từng ném tôi xuống địa ngục, mặc dù hết sức khó khăn. Tôi đi học chăm chỉ hơn, chịu khó ghi bài hơn và về nhà tôi làm bài tập đầy đủ.
Bởi vậy kết quả trả lại cho tôi có vẻ sáng sủa hơn trước, năm thứ 3 tôi không bị học lại môn nào mà còn dư thời gian để trả nợ hết những môn của năm trước. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, điều mà tôi không được cảm nhận hoặc không muốn đón nhận trước đây.
Tình hình cứ như thế mà tốt dần lên, tôi vượt qua sự tự ti, hòa đồng cùng tập thể mới, mọi điều không tồi tệ như tôi tưởng, tôi quyết tâm kết thúc năm cuối cùng. Kết quả thi tốt nghiệp khá cao, nó kéo tổng điểm cả năm của tôi lên mức trung bình khá, điều đó với mọi người chắc hẳn không phải vấn đề quá to tát, nhưng với riêng bản thân tôi, nó là một sự thành công lớn, nó kích lệ tinh thần và như một lời động viên quý báu cho tôi.
Nhìn những đứa bạn học cùng lứa cũ đã tốt nghiệp và có công việc ổn định, thu nhập cao, nhiều lúc tôi cảm thấy rất buồn, mặc cảm và ân hận. Và thế là cuộc sống sinh viên dài dặc của tôi cũng đã kết thúc, 6 năm trên ghế nhà trường cuối cùng tôi cũng đã được nhận tấm bằng cử nhân mà tôi đã mơ ước từ rất lâu. Một ngày ý nghĩa mà tôi sẽ không bao giờ quên. Chính cuộc sống sinh viên với những va chạm nơi Hà thành đã giáo dục cho tôi cách thích nghi với hoàn cảnh, tự vươn lên và vượt qua số phận.
Giờ đây khi tôi đã có được một công việc ổn định tại một trong số những tập đoàn nổi tiếng nhất Việt Nam, công ty hàng đầu về cung cấp cửa sổ, tôi có một người bạn gái tâm đầu ý hợp. Tôi đang sống cùng ba mẹ yêu quý tại thành phố biển được coi là đẹp nhất miền Trung và đã tìm ra một cuộc sống riêng cho chính mình.
Không phải như tôi từng mơ ước nhưng là do tôi chọn lựa và quyết tâm theo đuổi, ít ra tôi đã có những thành công bước đầu. Trở về với hiện tại, tôi thầm cảm ơn những bài học ngày xưa, nhiều lần nhớ lại những sai lầm ngày đó, tôi lại trân trọng hơn những gì đang có được bây giờ. Đã nhiều lần tôi rút ra bài học xương máu, cho dù bạn là ai, bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, hãy luôn biết vượt lên số phận.
Qua câu chuyện thực tế của mình, tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên hãy học tập thật chăm chỉ ngay từ khi còn chưa quá muộn, biết đứng lên sau những cú vấp ngã. Tương lai của các bạn nằm trong chính suy nghĩ của mình, dù đi sau nhưng chúng ta sẽ không bao giờ về cuối cùng. Hãy làm chủ cuộc sống để không có một năm dài như một thế kỷ giống tôi, các bạn nhé!
Hà Quang Vinh
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.
Bài viết hay!
Hix!!! Bạn này có ý chí quá! Mình cũng nghiện game lắm, mong được chỉ bảo cách bỏ….