Giọt nước mắt cuối cùng của anh trai tôi, đó là giọt lệ trả nợ nhân gian, trả nợ cuộc đời, là sự hối lỗi với bố mẹ, anh em. Anh khóc để rồi nhắm mắt đi một chuyến thật xa mà không hẹn ngày trở lại.
Tôi đã chực quên đi năm tháng của tuổi thơ cơ cực, mặn đắng những giọt nước mắt của mẹ và những tiếng kêu xé lòng của cha. Đã chực quên đi cái mà người ta vẫn gọi là “nỗi đau”, nhưng càng quên nó càng dày vò trong tâm khảm, đôi lúc lại đau đến xé lòng. Nhắm mắt lại cũng nghĩ tới khuôn mặt hốc hác ấy, vẫn hình dung ra đôi mắt trũng sâu và giọt nước mắt trả nợ nhân gian của anh. Giọt nước mắt cuối cùng mà anh tôi đã trả nợ cho cuộc đời.
Ngày ấy, bố mẹ tôi cùng đinh phải bán đất nuôi con ăn học. Bốn anh em tôi lớn lên bằng những gánh rau hành của mẹ và những hạt thóc đẫm mồ hôi của cha. Những ngày mưa bố mẹ chạy đi tìm thau hứng nước mưa dột từ mái nhà, anh em tôi chạy quanh cũng không tìm được chỗ trú. Ấy vậy mà bố mẹ tôi vẫn kiên trì nuôi bốn anh em tôi ăn học.
Anh tôi vào CĐ Giao thông và đi học xa nhà. Bố mẹ thương con chắt chiu dành dụm mua cho anh chiếc xe đạp cũ. Cái nghèo đã giúp anh tôi tiến thủ học hành, nhưng cũng chính cái nghèo đã khiến anh tôi quay lưng lại với mọi sự hy vọng của bố mẹ và gia đình. Anh sa ngã.
Anh tôi ăn chơi bài bạc, cầm cố đồ rồi bỏ bê học hành. Dạo ấy, cứ độ khoảng một tuần có người lạ tìm đến gia đình tôi là ngay sau đó bố mẹ tôi có thêm một món nợ mới do anh tôi gây ra. Bố mẹ tôi héo hon, ba anh em tôi sợ hãi. Đến bao giờ tôi quên được những đêm mẹ tôi khóc thầm, những trận đòn bố dành cho anh, để rồi thương con lại nhìn con khóc? Đến bao giờ tôi quên được tấm lưng gầy của bố tôi khi còng lưng xin người ta khất nợ để rồi 30 Tết năm nào cũng lặng lẽ nhìn mẹ tôi đội mưa đi vay gạo. Mẹ đi đến đâu cũng bị người ta từ chối, còn bố tôi bị anh em họ hàng thả chó ra cắn vì đến vay tiền, rồi đành ngậm nước mắt quay về và thương con.
Anh tôi ra trường. Bố tôi chạy vạy cho anh làm ở một cơ quan ở Quảng Ninh. Hè năm tôi hết lớp chín, tôi theo bố đi làm công trình ở Hà Nội. Hôm ấy, anh từ Quảng Ninh xuống Hà Nội xin bố tiền. Đêm hôm ấy, trong một căn nhà thuê cũ kỹ ở Triều Khúc, tôi đã thấy hai người đàn ông ngồi khóc với nhau. Hôm sau, bố đưa anh ra bến xe về Cẩm Phả, bố đưa cho anh ít tiền. Trên đường phố Hà Nội đông đúc, bố nắm chặt tay anh khẩn khoản “Bố xin con, đừng làm bố mẹ khổ nữa con ơi”.
Hai tháng sau ngày hôm ấy, anh tôi bị bệnh. Tin ấy đã đánh gục gia đình tôi. Bố mẹ tôi như ngọn đèn leo lét trước gió, chỉ chực ngã bất cứ lúc nào. Viện K trả anh tôi về với bệnh án ung thư tuyến mật giai đoạn cuối. Anh tôi không khóc, chỉ lẳng lặng nhìn bố mẹ tôi. Tôi hiểu, trong trái tim người trai trẻ ấy, có một nỗi giày vò ăn năn tê tái dâng lên.
Anh tôi ốm một năm mười ba ngày. Hôm ấy rằm tháng bảy, bỗng nhiên anh không thể dậy ăn cơm với gia đình. Đêm hôm đó anh tôi yếu. Mẹ tôi khóc lóc vật vã. Ba anh em tôi ở bên xoa bóp cho anh. Đến sáng, anh bắt đầu nôn ra máu. Cơ thể anh rệu rã, hốc hác sau những cơn đau của bệnh tật hoành hành. Bố tôi ôm anh vào lòng mà hai con mắt dại đi. Tôi biết, ông đang đứt đi từng khúc ruột khi nhìn đứa con bị cướp đi sự sống từng giờ mà đành bất lực.
Anh tôi vật vã ba ngày. Buổi sáng hôm ấy, như có linh tính, tôi không muốn đi học, cứ chần chừ mãi bên giường anh mới chịu rời đi. Trống vừa vào lớp thì cậu tôi lên gọi về. Chân tay tôi run lập cập, người tôi như tê dại, tim đau đến không thở được. Tôi chạy một mạch về nhà, nhìn thấy anh tôi đang nằm thoi thóp.Tôi đau, đau đến lạnh toát khắp người, chỉ mong có một thế lực nào đó giữ anh lại cho tôi.
Bốn anh em tôi nắm chặt tay nhau. Anh đưa mắt nhìn mọi người, nhìn căn nhà thân yêu của chúng tôi, nhìn ra ngoài sân, nơi có giàn hoa giấy đã gắn bó cả tuổi thơ của anh em tôi. Tôi biết, đó là lúc anh tiếc nuối nhất cuộc đời. Rồi anh tôi khóc. Giọt nước mắt cuối cùng của anh trai tôi, giọt nước mắt anh trả nợ nhân gian, trả nợ cho đời, giọt nước mắt anh tôi khóc vì thương bố mẹ, thương gia đình, để rồi nhắm mắt đi một chuyến thật xa mà không hẹn ngày trở lại.
Đã năm năm gia đình tôi thiếu đi một người. Mùa Vu lan, Hà Nội tấp nập người đi sắm sửa lễ cúng cô hồn. Tôi đứng ở hành lang ký túc xá, nhớ anh tôi, nhớ gia đình. Năm năm đã đi qua cho tôi bao trưởng thành. Nỗi đau đã cho tôi hiểu về việc cần yêu thương và trân trọng những người thân của mình. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi đi qua bao biến động dữ dội, để tôi lớn và trưởng thành hơn.
Nghiêm Thị Thủy
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.
bài viết rất hay, và ý nghĩa.Cám ơn bạn
Lầm lỗi của người đi trước không phải là gánh nặng của người đi sau mà đó là bài học được đánh đổi bằng cả cuộc đời.
Đọc bài viết của bạn mình rất cảm động và mình cũng buồn cho số phận của những người thân yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng. Xin chia sẻ với bạn và gia đình! Phải biết cố gắng và vượt qua tất cả thôi.
huhu. buồn quá. mong bạn và gia đình sớm vượt qua nỗi đau và sống tốt, sống tiếp phần của ng anh xấu số
Chia sẽ cùng bạn. Mong bạn và gia đình mạnh khỏe và anh em bạn thành công trên đường đời để không phụ ơn ba mẹ !
bài viết hay.