Nếu như tôi không ham vui với bạn bè, nếu như tôi không nhũng nhẽo, khóc lóc đòi mẹ chở đi thì không thể có vụ tai nạn ấy. Lúc nào mẹ cũng hiện về trong tôi với những hình ảnh thân thương, dịu dàng, gần gũi và quen thuộc.
Đó là vào chiều chủ nhật, tôi cứ bám lấy mẹ và đòi được chở đến dự sinh nhật của một người bạn học cùng lớp. Bận rộn với trăm thứ việc không tên, mẹ đành hẹn tôi lần khác, năn nỉ mãi không được, tôi giận dỗi bỏ vào phòng nằm khóc thút thít. Thấy tội nghiệp, mẹ đành chiều theo ý và vui vẻ chở tôi đi.
Dừng tại một quán bán đồ kỷ niệm nhỏ trên đường, mẹ chọn một con gấu bông màu hồng và gói kỹ càng trong một hộp giấy với hoa văn trang trí thật đẹp. Lúc ấy, mẹ không quên mua tặng tôi chiếc khăn quàng cổ bằng len như đã hứa hôm nào. Vừa quàng khăn lên cổ tôi mẹ vừa nhìn tôi với ánh mắt thật trìu mến “con quàng chiếc khăn này thật đẹp con ạ”, thế rồi hai mẹ con rời khỏi quầy hàng lưu niệm.
Chỉ trong một khoảnh khắc, chiếc ôtô đã đâm thẳng vào xe, cướp đi mẹ từ lúc ấy. Tỉnh dậy, tôi vẫn không hiểu sao mình nằm trong bệnh viện, cánh tay phải bị gãy, toàn thân xây xước, cả người đau ê ẩm giống như vừa bị ai tra tấn. Mở mắt, loáng thoáng tôi nhìn thấy dì ngồi bên cạnh, chưa nhớ được chuyện gì đã xảy ra tôi hỏi “mẹ đâu sao không vào chăm sóc con hả dì”.
Nghe nhắc đến mẹ, đôi mắt của dì ngấn lệ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Như sực nhớ lại điều gì đó, tôi vùng chạy và khóc thét lên, vừa chạy được vài bước, như có điều gì đó ngăn bước chân, tôi khựng lại và ngã xuống đất, khi tỉnh dậy lại thấy mình nằm trên chiếc giường trong bệnh viện.
Thấy dì, tôi khóc lóc van xin đòi về gặp mẹ, nhưng vì biết tôi bị bệnh tim bẩm sinh nên mọi người trong gia đình không muốn cho tôi biết sự thật. Dì luôn an ủi tôi rằng mẹ không sao và đang bận công việc. Nhưng với linh cảm của người con cùng với ánh mắt của dì đã mách bảo có chuyện chẳng lành xảy ra với mẹ. Tôi nước mắt ngắn nước mắt dài đòi về nhà bằng được.
Không còn cách nào để thuyết phục, dì đành gọi xe đưa tôi trở về nhà, trên đường về, tôi cảm thấy hồi hộp, lo lắng vô cùng, một cảm giác khác lạ khiến tôi nghẹt thở và tim thắt lại. Về đến nhà, tôi nhìn thấy lá cờ tím treo rũ rượi ngoài cổng, nghe thấy tiếng trống, tiếng kèn, quên đi đau đớn đang dày vò thể xác, tôi chạy thẳng một mạch vào nhà và thấy hình mẹ, khói nhang nghi ngút khắp căn nhà. Tôi chỉ kịp nhìn mặt mẹ lần cuối, mọi người trong nhà đưa tôi vào phòng xoa dầu, tôi lại phải nằm trên bệnh viện vài hôm.
Cứ nghĩ đến chiều hôm ấy, tôi lại khóc như chưa từng được khóc và không thể tha thứ cho bản thân mình. Nếu như tôi không ham vui với bạn bè, nếu như tôi không nhũng nhẽo, khóc lóc đòi mẹ chở đi thì không thể có vụ tai nạn ấy. Lúc nào mẹ cũng hiện về trong tôi với những hình ảnh thân thương, dịu dàng, gần gũi và quen thuộc.
Lúc thì lom khom cắt lúa, lúc thì lụi cụi xếp đống rơm, lúc thì nở nụ cười âu yếm hiền hòa khi đèo tôi đi học, lúc thì nóng giận mắng mỏ vì tôi quên nấu cơm chiều, lúc thì lật đật chạy xe trong mưa để mua thuốc khi tôi ốm, lúc thì ân cần dặn dò khi tôi ra khỏi nhà, tim tôi dường như thắt lại vì đau đớn.
Tôi gào khóc đến nỗi ngất đi rồi tỉnh, tỉnh rồi lại ngất. Nỗi đau mất mẹ như chiếm trọn lấy thân xác và tâm hồn khi tôi vẫn nhìn thấy hình dáng thân thương của mẹ tồn tại khắp nơi trong căn nhà này. Tôi chìm ngập trong nỗi đau, một nỗi đau mà tôi chưa bao giờ nếm trải.
Không tìm cho mình một lối thoát sau tất cả những gì đã qua, tôi muốn trốn chạy cuộc sống. Tôi trở nên ít nói, không thích tiếp xúc, nói chuyện với bất kỳ ai, chỉ nhốt mình trong căn phòng chật hẹp và khóc. Tôi đau đớn, không ăn uống và dằn vặt bản thân mình. Sau một thời gian, người tôi xanh xao và tiều tụy trông thấy. Tôi rơi vào căn bệnh trầm cảm, cuộc sống lúc ấy với tôi chẳng còn ý nghĩa.
Nhưng rồi, trong một lần tôi bị bệnh, cha lật đật cõng tôi trên vai chạy đến trạm y tế trong trời mưa như trút. Đến nơi, tôi vẫn nghe thấy hơi thở dồn dập cùng với những lời như nài nỉ van xin: “Bác sĩ ơi, cứu con tôi với không thì tôi chết mất”. Tôi được đưa vào phòng hồi sức, ba vẫn đứng lóng ngóng ngoài cửa sổ trông tin con.
Đến khi tôi tỉnh, bàn tay cha đã siết chặt lấy bàn tay bé nhỏ của tôi và khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cha khóc, hai hàng nước mắt đang lăn trên gò má đen sạm rồi thi nhau rớt xuống bàn tay tôi. Những giọt nước mắt nóng hổi ấy cứ rơi khôn nguôi. Cha vừa khóc vừa nói trong nước mắt: “Con ơi! Con là niềm an ủi lớn nhất cuộc đời cha, con đừng làm cha đau nữa. Nhìn con như vậy cha đau đớn lắm con à”. Nghe cha nói tôi không thể nào kiềm chế được hai hàng nước mắt. Tôi ôm cha khóc nức nở.
Hóa ra trong bấy lâu nay, vì sự ích kỷ, tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên đi bên cạnh tôi vẫn còn người cha thương tôi biết nhường nào. Vậy mà, tôi cứ thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm với tình yêu cha dành cho tôi. Từ ngày hôm ấy, tình yêu của cha đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực để tôi có thể sống tốt. Tôi không chạy trốn nỗi đau mà biết cách đối diện, chấp nhận nó như một sự thật không thể thay đổi được.
Một buổi chiều, tôi đi dạo ra thị xã, trên đường tôi nhìn thấy vài đứa nhỏ ăn xin đang tựa đầu vào gốc cây ngủ gà ngủ gật, những bộ quần áo rách rưới, nhem nhuốc, bốc mùi, tay chúng vẫn còn nắm chặt cái giỏ rách để xin ăn. Rồi tôi nhìn thấy người đàn ông cụt hai chân đang cố gắng lăn lê, nhoài người trên đường để mời khách mua từng tờ vé số. Tôi chợt nhận ra trong cuộc đời này vẫn còn biết bao con người chịu sự nghiệt ngã của số phận.
Hàng trăm, hàng ngàn người vẫn phải chịu những nỗi đau khôn cùng nhưng họ vẫn có niềm tin, hy vọng về cuộc sống. Dù không có đôi chân nhưng người đàn ông ấy vẫn tiến về phía trước bằng cả ý chí, quyết tâm. Và còn bao nhiêu người khác họ cũng phải trải qua những cay đắng, nghiệt ngã nhưng rồi họ vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, vẫn không tuyệt vọng về cuộc sống.
Cảm nhận được những điều tốt đẹp từ cuộc sống, tôi không bao giờ trách móc bản thân mình, tôi trở nên yêu cuộc sống và trân trọng tất cả những gì mình có. Tôi thích dành nhiều thời gian đi làm từ thiện, mỗi khi làm điều gì có ích tôi vô cùng hạnh phúc. Có khi, chỉ dành số tiền ít ỏi để mua vài cuốn vở cho đứa bé tàn tật trong cô nhi viện làm tôi sướng đến nỗi cả đêm không ngủ được. Tôi đã tìm được hạnh phúc từ những điều đơn giản ấy.
Nguyễn Thanh
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.