Thủ đô Abuja được xây dựng với nhiều công trình lớn và người dân có mức sống cao. Các tòa nhà chính phủ, trụ sở các công ty lớn được xây dựng rải rác trong thành phố. Tuy nhiên, sự đầu tư nghiêm túc dành cho cảnh quan thì vẫn chưa có. Bạn có thể bắt gặp cảnh rất nhếch nhác ngay bên cạnh Trung tâm hội nghị quốc tế nơi tổ chức các cuộc họp quốc gia và khu vực. Mặc dù, có thể nói rất nhiều tiền có được từ dầu lửa đã được đổ vào đầu tư cho Abuja.
Phần 1: Câu chuyện trước lúc khởi hành
Phần 2: 21/3/2011 – Lagos và Kano
Phần 3: Ngày 22/3/2011 – Thành phố Kaduna
Phần 4: 23-24/3/2011 – Thủ đô mới Abuja
Phần 5: Ngày 25/3/2011 – Trở lại Ibadan
Phần 6: Ngày cuối và lời kết
Chúng tôi đến gặp Đại sứ Đỗ Văn Bạch tại sứ quán Việt Nam. Tòa nhà sứ quán được thuê lại từ một cựu quan chức chính phủ Nigeria được sơn màu xanh dương khá sặc sỡ. Đại sứ quán Việt Nam tại đây chỉ có ba người Việt còn lại là người bản xứ. Nói chung, nhiệm kỳ tại Nigeria có thể nói là khá buồn tẻ một phần vì tình hình an ninh, một phần vì không có cộng đồng người Việt cũng như không có doanh nghiệp nào của nước ta tại đây. Đại sứ đã từng là giảng viên Học viện quan hệ quốc tế trước khi đặt văn phòng lần đầu tiên vào năm 2007. Những năm đầu lập sứ quán, việc cấp visa khá dễ dàng nên đã có khoảng 800-1000 người Nigeria sang Việt Nam. Sau đó, quy định được thắt chặt, không còn tình trạng mất kiểm soát và một phần cũng vì người Nigeria cũng không còn ảo tưởng về miền đất hứa Việt Nam.
Câu chuyện với đại sứ rất vui vẻ và cởi mở. Ông cho biết Nigeria là đất nước còn rất nhiều vấn đề. Khu vực phía nam là nơi khai thác dầu mỏ nhưng lợi ích thì ít mà môi trường bị tàn phá nặng nề. Những thanh niên nơi đây bao gồm cả những người rất có học thức đã thành lập phong trào phiến quân để đòi quyền lợi cho người dân. Thỉnh thoảng, phong trào này tổ chức phá các công ty dầu lửa, đường ống dẫn dầu và cho nổ bom cả ở thủ đô Abuja. Được sự ủng hộ của người dân và nằm lẫn trong lòng dân, quân đội chính phủ nhiều lần đàn áp nhưng không thành công. 9/4 tới là ngày bầu cử và phe phiến quân đã tuyên bố trên mạng là sẽ tổ chức đánh bom Abuja, đại sứ khuyên chúng tôi hết sức cẩn thận khi đi lại ở đây. Ngoài ra, đây còn là khu vực mà sốt rét hoành hành. Nhiều nhà ngoại giao các quốc gia đã mắc sốt rét khi thực hiện nhiệm kỳ tại đây.
Về phần người dân, đại sứ cho rằng dân Nigeria không được chăm chỉ lắm và đó là điều rất đáng tiếc. Đất nước Nigeria rất rộng lớn, khí hậu nhiệt đới không có mùa lạnh mà chia thành hai mùa khô và mùa mưa giống miền nam Việt Nam. Khi chúng tôi có dịp đi ô tô liên tục 10h đồng hồ từ bắc xuống nam thì thấy hầu hết những cánh rừng tạp xen lẫn rất ít hoạt động nông nghiệp. Có thể nói, Nigeria có một tiềm năng nông nghiệp lớn thích hợp trồng cà phê hay cao su. Nói về tính cách không chăm chỉ này, Hans cũng đưa ra nguyên nhân này khi chúng tôi thường xuyên phải gọi đồ ăn rất lâu. Sau vụ phải đợi 1h đồng hồ cho mấy đĩa khoai tây chiên, sáng hôm sau tôi ra tận nhà hàng gọi đồ ăn và phải đến khi tôi bảo nếu 5 phút nữa không có thì tôi sẽ đi thì đồ ăn mới được mang ra. Tôi đã phải ngồi chơi không dưới 30 phút để có 1 chai nước, một đĩa cơm rang và trứng ốp lếp. Bây giờ mới thấy quý tinh thần phục vụ của các quán ăn Việt Nam, bạn sẽ có phở ăn ngay có khi chỉ sau 2 phút bước chân vào quán. Thật tuyệt vời.
Một vấn đề nữa với Nigeria là tình trạng mất điện triền miên. Người dân nước này không phải trả tiền điện nên có lẽ do vậy các công ty điện lực không có trách nhiệm phải cung cấp điện 24/7 cho mọi người. Câu chuyện kinh tế này không phải xa lạ với người Việt Nam trước đây khi gạo được phân phối, luôn thiếu thốn và kém chất lượng. Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam cũng cố duy trì giá điện rẻ để giảm lạm phát. Tuy nhiên, chính nó sẽ làm ngành điện không có động lực phát triển và gây hại đến nền kinh tế. Chính phủ can thiệp quá sâu vào bản chất cung cầu của thị trường có thể gây nhiều tác hại hơn là lợi ích.
Vấn đề kiểu như thế này cũng là chủ đề tranh cãi của một nhóm tri thức trẻ với việc giúp sinh viên du học đặc biệt là tìm kiếm học bổng nên là lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Nói chung, các tổ chức lợi nhuận sẽ có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình vì coi đó là một sản phẩm dịch vụ. Còn với tổ chức phi lợi nhuận rất cần có nhiều người tốt để đảm bảo công việc được thực hiện có trách nhiệm. Khi nào lượng người tốt trong xã hội đủ lớn thì mới có tiền đề của điều kiện cần để tổ chức xã hội phát triển, ngoài ra còn cần thêm các yếu tố khác như tổ chức xã hội, sự ủng hộ của chính sách cũng như dư luận xã hội.
Chúng tôi gửi lời chào từ Hiệu trưởng Đại học FPT và cũng chia sẻ mong muốn được phát triển thị trường ở đây vì có thể nói về mặt công nghệ thông tin thì Việt Nam hơn hẳn một bậc. Đã có nhiều công ty Ấn Độ thành công trong lĩnh vực này và không có lý gì Việt Nam không thử sức với thị trường đầy tiềm năng. Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã có những đầu tư rất lớn sang Nigeria, mảnh đất giàu tiềm năng này.
Chúng tôi đi cả ngày 24/3 xuống phía nam đến thành phố Ibadan. Chuyến đi 10h đồng hồ từ bắc xuống nam với cảm nhận là đường xá nơi đây khá tốt. Xe có thể chạy tốc độ cao trên suốt chặng đường. Tuy nhiên, cảnh sát có vũ trang lập nhiều trạm gác ở dọc đường bằng thân cây chắn ngang đường. Mọi người đều nói rằng tình hình an ninh gần ngày bầu cử sẽ trở nên kém hơn. Vượt qua các làng bản và những cánh rừng thưa thớt, chúng tôi trở lại với Ibadan sau một năm.