Trước khi viết về ngày hôm nay tôi muốn trở lại đôi chút về thời gian trước đó. Thực tế thì đây không phải lần đầu tiên tôi đến Nigeria nên lần này có nhiều cơ hội để so sánh. Trước khi đi tôi cũng đã gặp người bạn là Đại sứ Nigeria tại Việt Nam để trao đổi trước về chuyến đi. Đại sứ Tunde Ajisomo sang Việt Nam nhậm chức được gần một năm và là người khá vui vẻ và gần gũi.
Phần 1: Câu chuyện trước lúc khởi hành
Phần 2: 21/3/2011 – Lagos và Kano
Phần 3: Ngày 22/3/2011 – Thành phố Kaduna
Phần 4: 23-24/3/2011 – Thủ đô mới Abuja
Phần 5: Ngày 25/3/2011 – Trở lại Ibadan
Phần 6: Ngày cuối và lời kết
Khi sang các quốc gia Châu Phi, các bạn nhớ mang theo chứng nhận tiêm chủng quốc tế. Bạn có thể đến trung tâm tiêm chủng quốc tế tại đầu phố Sơn Tây, đoạn từ Ông Ích Khiêm rẽ sang. Lần trước khi sang đây, tôi và Hans đã không mang theo. Nhưng giống như ở hầu khắp quốc gia còn đang phát triển, bạn được gợi ý đưa tiền và có thể qua mà không cần giấy đó. Trong lần đi này, một nữ cảnh sát đến hỏi giấy tờ, khi thấy ngày tiêm phòng của tôi có hiệu lực đúng vào ngày 20/3/2011, cô ta cười nói: “Rất tốt đấy, thế có gì cho tôi không?”. Chưa kịp phản ứng thì Hans đã nói: “Không có gì cho cô cả”. Nữ cảnh sát phá lên cười rồi bỏ đi. Chuyện vòi vĩnh của nhân viên nhà nước tại quốc gia này có vẻ khá phổ biến. Người dân nói chung rất xấu hổ về việc này nhưng như là tất yếu nó sẽ vẫn cứ xảy ra. Giống như chuyện taxi ở Hà Nội, bạn chỉ cần có vẻ không biết đường, lập tức bạn sẽ được đi chơi một vòng Hà Nội. Tôi hay đùa với các bạn quốc tế hay sang Việt Nam là hãy nói với taxi là tôi đã biết Hà Nội nhiều rồi, không cần phải cho đi xem một vòng nữa. Tuy nhiên, lần nào cũng thế họ vẫn mất rất nhiều thời gian để đến nơi cần đến. Thật đáng xấu hổ nhưng cũng chẳng biết nên làm thế nào?
Vẫn giống như lần làm thủ tục nhập cảnh trước, lần này có vẻ mất khá nhiều thời gian. Việc nhập cảnh khá giống nhau tại quốc gia. Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi được hẳn về thủ tục xuất nhập cảnh. Thông thường tôi chỉ mất 10-15 phút để xuất cảnh và cũng không cần điền tờ khai nữa. Còn tại Lagos tôi đã mất khoảng 60 phút, lâu hơn tại London là khoảng 45 phút một chút.
Trên chuyến bay đến Lagos có khá ít người ngoại quốc và chắc không có khách du lịch. Dáng vẻ của những người đến đây giống như những người đi công việc hơn. Cũng chính vì lẽ thế mà khách sạn tại Nigeria rất đắt. Bạn sẽ phải trả gần 100 USD cho một chỗ ở giống như hệ thống Nhà nghỉ Công đoàn vẫn thường thấy ở các khu du lịch. Có khá nhiều khách từ Châu Á hơn là các khách từ Châu Âu, nếu dựa trên khuôn mặt thì họ đến từ Trung Quốc là chủ yếu và sau đó là Ấn Độ.
Dấu ấn Trung Quốc tại Nigeria, ảnh chụp từ trong ô tô
Những năm gần đây, Trung Quốc được biết đến như quốc gia đang từng ngày gây ảnh hưởng lớn lên các quốc gia Châu Phi. Khi mà các quốc gia phát triển e dè vào vì nhiều lý do thì Trung Quốc lại hồ hởi tham gia thậm chí có ảnh hưởng chính trị tại nhiều nơi. Bạn có thể dễ dàng gặp các khuôn mặt Châu Á tại sân bay và họ đều được mặc định là người Trung Quốc. Anh bạn đối tác cũng tiết lộ anh đang theo học lớp buổi tối Tiếng Trung vì sẽ có nhiều cơ hội làm việc với các đối tác Trung Quốc. Ngay trên đoạn đường cao tốc có thể nhận thấy một tòa nhà rộng lớn được xây dựng như một thành cổ của Trung Quốc sơn màu hổng đỏ với hai lá cờ Trung Quốc và Nigeria. Nhờ công cuộc khai phá tại Châu Phi, Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định trong khi các quốc gia khác dường như bỏ ngỏ thị trường này.
Mua vé máy bay nội địa tại đây khá giống xe buýt, giờ bay thay đổi, vé được bán trong ngày với quảng cáo sẽ bay ngay. Máy bay cũng bay nhiều chặng với hành khách lên xuống ở mỗi chặng bay. Có thể thấy giờ bay được dán ngay trên cửa kính, và được quảng cáo Now Boarding, bạn trả tiền và lên máy bay luôn.
Sáng sớm 21/03, chúng tôi ra sân bay để chuẩn bị bay đến Kano một thành phố nằm sâu trong lục địa hơn. Chuyến bay được hoãn đến tận 12h khiến chúng tôi ngồi chờ tại một quán mang tên McBig chuyên bán đồ ăn nhanh. Trong lúc đó, tôi tranh thủ giải quyết một số công việc phát sinh tại Việt Nam. Chất lượng viễn thông tại đây có vẻ không tốt lắm. Tin nhắn thường báo lỗi 1-2 lần trước khi gửi thành công và chất lượng cuộc gọi roaming cũng không tốt lắm. Tuy mạng điện thoại ở đây đã sử dụng 3.5G nhưng internet dùng qua USB 3G cũng không được nhanh lắm.
Tôi có để ý xem quảng cáo đường phố ở đây quan tâm đến điều gì thì thấy quảng cáo chủ yếu là mạng viễn thông và bia, khá tương đồng trên nhiều quốc gia. Khi được biết giá thành quảng cáo tại Lagos là khá đắt, điều đó chứng tỏ viễn thong và bia là hai lĩnh vực kinh doanh khá tốt nơi đây. Ngoài ra khá thú vị là còn có khá nhiều quảng cáo về Nigeria Idols. Không rõ tại sao người ta lại chi phí quảng cáo lớn cho việc này.
Một biển quảng cáo tại Lagos trên đường quốc lộ
Hiện tại Nigeria đang tiến hành bầu cử tổng thống và chính quyền các cấp nên quảng cáo về bầu cử có thể thấy ở khắp nơi
Sân bay nội địa của Lagos xen giữa cũ và mới. Tại sân bay mới mọi thiết bị khá giống với các sân bay hiện đại nhất nhưng tại nhà ga cũ thì khá nhếch nhác với rất nhiều quạt trần. Nhưng dù sao có quạt trần tốt hơn nhất nhiều là không có trong thời tiết nhiệt đới nơi đây.
Cuối cùng thì chuyến bay đi Kano cũng được khởi hành, một điều lý thú là bạn đi xe buýt cùng với các hành khách trên chuyến bay khác và bạn cần chú ý xuống xe đúng máy bay. Khi đến chân máy bay bạn sẽ thấy hành lý được chuyển tới chân máy bay và được mời kiểm tra lại hành lý trước khi lên máy bay. Có thể người ta sợ sẽ thất lạc hoặc bỏ quên hành lý của bạn tại sân bay.
Các chuyến bay tại đây được bố trí khá giống xe buýt là bay theo chặng, mỗi chặng sẽ có hành khách lên và xuống xe, từ Lagos đến Kano chúng tôi đi hai chặng, một chặng khoảng 1h bay và một chặng 30 phút.
Xe máy có khá nhiều nhưng không nhiều bằng ô tô, đi xe máy ở Nigeria có vẻ như không cần đội mũ bảo hiểm.
Khu vực tư vấn của một trung tâm Aptech tại Kano
Ngày hôm nay, chúng tôi gặp 2 đối tác gồm một trung tâm Aptech và một trung tâm NIIT. Cảm giác đầu tiên là họ khá hờ hững và nghi ngờ những gì chúng tôi trình bày và đặt ra các câu hỏi khá buồn cười như sinh viên tại đó có được tự do đi lại không, tại sao học ở đó rẻ thế, có chiến tranh không … Để so sánh thì có rất nhiều sinh viên Nigeria sang Anh học khóa tương tự với giá 10.000 bảng cho một năm chưa kể ăn ở. Còn khóa học đại học ở nước láng giềng lên tới 45.000 USD/khóa nhưng vẫn rất nhiều người bỏ tiền đi học. Đối với người Nigeria, bằng cấp, học vấn cũng rất quan trọng. Khi biết tôi là tiến sĩ thì họ không gọi tôi bằng tên mà lúc nào cũng gọi là Doctor.
Tuy nhiên, sau khi Hans chiếu mấy đoạn phim và ảnh chụp tại Việt Nam thì các đối tác đều bị thuyết phục. Đúng là mọi người sẽ bị thuyết phục rất nhanh bằng phim và hình ảnh chứ không vì những lời nói suông. Kinh nghiệm này tôi cũng đã chia sẻ với mấy anh em làm marketing và thực sự cảm nhận sự khác biệt rõ nét hiệu quả lại Kano. Các đối tác giờ đã tin tưởng tuyệt đối vào những gì chúng tôi nói về một nước Việt Nam hòa bình, hạ tầng tốt, internet rẻ và nhanh, …
mot ngay khong xa viet nam xinh dep ta se duoi kip TG . gio cung chang phai dang rat phat trien do sao ! 🙂
Hay quá. Việt Nam chúng ta không biết có gây được nhiều ảnh hưởng ở Châu Phi không nhỉ 😀
Vậy là Cao Đẳng Thực Hành FPT sắp có rất nhiều du học sinh đến từ Nigeria :)) hay quá!
Muốn đi mà hem có $ !