Câu chuyện Châu Phi – Phần 1: Chuyện trước lúc khởi hành

13:22 22/03/2011

Đã rất nhiều lần tôi phải trả lời câu hỏi của mọi người: “tại sao lại làm việc tại Việt Nam khi có một cơ hội ở nước ngoài”. Đối với tôi, câu trả lời đơn giản, đó là tôi không thích cảnh tĩnh lặng đến ảm đạm, tôi thích trò chuyện với bạn bè hay đơn giản là thưởng thức ly cà phê theo kiểu Việt Nam vốn có ở khắp nơi.

Phần 1: Câu chuyện trước lúc khởi hành
Phần 2: 21/3/2011 – Lagos và Kano
Phần 3: Ngày 22/3/2011 – Thành phố Kaduna
Phần 4: 23-24/3/2011 – Thủ đô mới Abuja
Phần 5: Ngày 25/3/2011 – Trở lại Ibadan
Phần 6: Ngày cuối và lời kết

Nhưng từ câu hỏi đó, một lần một bạn phóng viên hỏi tôi: “Anh về nước có phải vì muốn đóng góp cho đất nước không?”. Xin đừng gán tôi với những điều cao sang, tôi chỉ đơn giản thôi, tôi chỉ muốn có một cuộc sống tốt đẹp cho tôi và những người xung quanh từ gia đình đến xã hội. Có rất nhiều người trăn trở cho Việt Nam dù họ ở nước ngoài. Nếu cần hỏi, hãy hỏi điều gì khiến họ ở nước ngoài mà không phải Việt Nam.

Nếu bạn có một môi trường tốt, không những người Việt Nam giỏi sẽ ở lại với bạn và còn cả người nước ngoài cũng sẽ đến làm việc với bạn. Đừng trách mọi người tìm cách gửi con đi học nước ngoài “tị nạn giáo dục” mà hãy trách tại Việt Nam chưa có được môi trường học tập tốt. Nếu thực sự có một giấc mơ cho hiện tại, tôi mơ ước Việt Nam trở thành điểm đến của các tầng lớp ưu tú của mọi dân tộc trên thế giới. Mơ ước là “Du học Việt Nam” trở thành niềm mong ước của các bạn trẻ toàn cầu. Lúc đó, người Việt sẽ không phải trách nhau tại sao những người giỏi lại lũ lượt ra đi.
Việt Nam hiện tại có nhiều lợi thế để thực hiện việc này, xã hội tương đối thân thiện, cuộc sống rẻ so với quốc gia khác, khí hậu không quá khắc nghiệt. Điều thiếu nhất đó là chất lượng giáo dục, nhưng đó lại là điều quan trọng nhất.

Trăn trở với câu hỏi làm thế nào để sinh viên quốc tế đến du học Việt Nam đã từ lâu, và thật tình cờ bật ra được lời giải từ câu chuyện của một ô sin Việt Nam tại Đài Loan. Một chị quê ở Thái Nguyên đi làm thuê cho một trang trại chè ở Đài Loan, nơi nổi tiếng với giống trà Ô Long. Sau một thời gian, chị học được cách chế biến trà Ô Long và cũng thành công trong việc đem giống về trồng tại Thái Nguyên. Từ đó, chị phát triển và xuất khẩu ngược lại sang Đài Loan. Khi tôi đến gian hàng triển lãm của chị tại một Hội chợ Tết thì gặp một nghệ nhân trà Ô Long người Đài Loan đang pha trà mời các vị khách Việt Nam. Như vậy chị từ vị trí một ô sin giờ đã có thể bắt người khác làm “ô sin” cho mình. Tôi thực sự khâm phục chị vì biết rằng nhiều người Việt đi làm ô sin về chỉ để xây cho gia đình một ngôi nhà lớn rồi hưởng thụ hoặc để rồi đi làm ô sin tiếp.

Thực tế là rất nhiều người Việt đi làm ô sin cho Tây rồi quay lại bắt nạt dân ta. Rất nhiều người đưa các bài học, mô hình về Châu Âu, Châu Mỹ để chê trách Việt Nam không bằng họ. Tôi cũng đã từng ngộ nhận như vậy nhưng sau đó thay đổi hẳn khi được đến các quốc gia “kém phát triển” hơn như Ấn Độ hay Philippines. Tại các quốc gia đó họ cũng có các công ty rất thành công, các trường học với hàng triệu sinh viên trong môi trường xã hội và phát triển tương đồng với Việt Nam. Họ đang từng bước lấn dần các quốc gia phát triển trên cả lĩnh vực kinh tế và cả văn hóa. Nếu cần một bài học, tại đó sẽ có nhiều hơn và cũng dễ áp dụng hơn nhiều. Tôi tự hỏi, tại sao 10 năm trước, Ấn Độ nghèo đói hơn Việt Nam hiện nay nhiều lần và họ đã sang Việt Nam để chào bán sản phẩm giáo dục và hình thành hệ thống Aptech và NIIT hiện nay. Điều căn bản là họ đã đến với Việt Nam 10 năm về trước, là quốc gia căn bản còn lạc hậu về CNTT, chứ không phải là các quốc gia như Âu Mỹ? Và tại sao các chương trình hợp tác với Anh hay Mỹ lại không phát triển tại Việt Nam như thế, tại vì quá đắt và không thực dụng bằng.

Khi đã ngộ được ra rằng khi mình còn kém tốt nhất hãy chơi với những thị trường còn kém phát triển hơn. Lúc đó, chúng ta sẽ có được lợi thế về giá khá tốt.
Đó cũng là lý do chúng tôi đến với một quốc gia Châu Phi đầu tiên, một quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều yếu tố tương đồng. Những người có thể du học được Việt Nam cũng sẽ là những người có khả năng và đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam mai sau.

 

Ảnh chụp ngoại ô thành phố Lagos, thành phố

đông dân nhất Nigeria với hơn 7 triệu người.

Nhiều người lầm tưởng Lagos là thủ đô của Nigeria.

Thủ đô từ Lagos được chuyển về Abuja năm 1991

Từ ngày 21/3/2011 đến ngày 27/3/2011 Hans Anderson, một giảng viên người Mỹ có nhiều cơ duyên với Việt Nam mà nếu có cơ hội tôi sẽ kể thêm chi tiết và tôi sẽ thực hiện chuyến đi tuyển sinh cho chương trình top-up của FPT và Đại học Greenwich. Hôm trước Vũ Chí Thành bảo tôi: “Anh làm loạt bài về Châu Phi đi”. Tôi đã đồng ý và cố gắng cuối mỗi ngày sẽ ngồi viết tường thuật lại những gì đang diễn ra ở đây.

Đăng Kí học Fpoly 2023

7 bình luận trong “Câu chuyện Châu Phi – Phần 1: Chuyện trước lúc khởi hành

  1. Thật vui vì vô tình đọc được tin này ! Mong công ty fpt nói chung và các bạn trong nhóm phát triển tại nigieria nói riêng ngày càng thành công hơn nữa. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay công việc của các bạn đang làm đã gây cho tôi rất nhiều ấn tượng tốt đẹp ! Mong đọc được nhiều tin tức từ các bạn.

  2. “Nếu bạn có một môi trường tốt, không những người Việt Nam giỏi sẽ ở lại với bạn và còn cả người nước ngoài cũng sẽ đến làm việc với bạn. Đừng trách mọi người tìm cách gửi con đi học nước ngoài “tị nạn giáo dục” mà hãy trách tại Việt Nam chưa có được môi trường học tập tốt. Nếu thực sự có một giấc mơ cho hiện tại, tôi mơ ước Việt Nam trở thành điểm đến của các tầng lớp ưu tú của mọi dân tộc trên thế giới. Mơ ước là “Du học Việt Nam” trở thành niềm mong ước của các bạn trẻ toàn cầu. Lúc đó, người Việt sẽ không phải trách nhau tại sao những người giỏi lại lũ lượt ra đi.”
    VIỆT NAM nói chung và FPT nói riêng sẽ tạo nên dấu ấn quan trọng khiến cả thế giới phải quan tâm đến.nhiệm cụ cao cả đó có hoàn thành được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn và tôi nghĩ gì làm gì ngay bây giờ !

  3. Cai nay co ly day. Ma van de la tim nguoi de sang lam viec tai cac nuoc kem phat trien hon cung la mot van de, vi ai cung muon “nhin len” nhieu hon 😀

Bình Luận