Cách thứ nhất: Sáng, anh Thành đến cửa hàng HT ở 89 Lý Nam Đế mua một bộ máy tính trị giá 9,3 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, anh Thành đề nghị với nhân viên cửa hàng cho người mang máy đến nhà anh lắp đặt, kết nối mạng và tạo hộp thư điện tử. Để lấy lòng khách, cô nhân viên liến thoắng: “Anh cứ yên tâm, kỹ thuật viên bên em sẽ làm giúp cho anh từ đầu đến cuối…”.
Buổi chiều, nhân viên cửa hàng HT mang máy tính đến nhà anh Thành lắp đặt. Anh kỹ thuật viên này loay hoay mãi mà chưa biết cách kết nối mạng và tạo hộp thư điện tử. Hỏi thì anh ta thừa nhận: “Em có biết cái “khoản” này đâu, nếu phải làm mạng làm mẽo thì em ở nhà cho rồi”.
Sốt ruột, anh Thành gọi điện đến cửa hàng HT. Một nhân viên nữ trả lời: “Bọn em chỉ biết bán thiết bị, việc kết nối mạng anh phải nhờ chuyên gia trong lĩnh vực vi tính”. Anh Thành nhắc lại lời hứa ban sáng của cửa hàng thì trong máy có tiếng cười nhạt: “Kỹ thuật viên của bọn em cũng xuống làm giúp anh đấy thôi…”.
Cách thứ hai: Sau khi “bai” anh kỹ thuật của HT, anh Thành gọi điện thoại đến Trung tâm FPT Internet ở 75 Trần Hưng Đạo. Nghe anh Thành đặt vấn đề, Trung tâm cử ngay một người làm việc theo chế độ “cộng tác viên” của Công ty đến nhà anh Thành tư vấn, cài đặt, kết nối mạng và tạo hộp thư điện tử. Những công việc này đều được miễn phí. Khác hẳn anh kỹ thuật viên của HT, “cộng tác viên” này thao tác rất nhanh nhẹn và còn hướng dẫn anh Thành cách sử dụng các dịch vụ tiện ích. Anh Thành chuẩn bị một phong bì nhỏ gọi là “bồi dưỡng” nhưng người cộng tác viên kiên quyết không nhận…
Lời bàn:
Câu chuyện trên được đăng trên mục “Mỗi ngày một chuyện” của báo Hà Nội Mới số 12310. Có người cho rằng, FPT rỗi hơi và chịu cảnh thua thiệt “Không ăn ốc phải đổ vỏ”. Nhưng họ quên mất một điều: Ai cũng có thể là khách hàng tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, nhiệm vụ của kinh doanh là tạo ra thật nhiều khách hàng hài lòng, bởi vì chỉ có khách hàng hài lòng mới mang lại lợi nhuận cho chúng ta.