Chỉ còn hơn một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán 2008! Đối với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người xa quê, ai cũng mong Tết về sum họp bên gia đình, họ hàng, bạn bè, mong ước một năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc sẽ đến. Đối với những đồng nghiệp người nước ngoài đang làm việc tại FSoft HCM như chị Yuko Fujita, anh Hikiishi Hiroyuki và một vị khách – anh Takeshi Amano thì không biết các anh chị ấy nghĩ gì về Tết Việt Nam? Mời anh chị và các bạn lắng nghe những cảm nghĩ và chia sẻ của họ về Tết tại Việt Nam để hiểu thêm về các đồng nghiệp người nước ngoài đang làm việc cùng chúng ta nhé!
Tại phòng FWB, mọi người đã quen với sự có mặt của hai đồng nghiệp đến từ xứ sở hoa anh đào, chị Yuko Fujita và anh Hikiishi Hiroyuki. Chị Yuko vào làm việc tại FSoft HCM từ tháng 02/2006. FS HCM là công ty thứ 3 chị làm tại Việt Nam. Trước khi vào FSoft HCM, chị Yuko đã từng làm việc tại công ty du lịch và công ty dịch thuật. Chị cho biết: “Chị sống ở Việt Nam đã 7 năm rồi và cũng đã ăn Tết Nguyên đán của Việt Nam 5 lần. Chị nói được tiếng Việt như thế này cũng nhờ trong 2 năm đầu tiên sống ở Việt Nam, chị chỉ học tiếng Việt thôi”.
Tết Nguyên Đán đầu tiên của chị Yuko tại Việt Nam cũng là năm đầu tiên chị xa nhà và là năm có nhiều kỷ niệm nhất, năm 2002. Năm đó chị đã có một chuyến du xuân xuyên Việt từ Sài Gòn tới Hà Nội và chặng dừng tại Hội An và Huế. Chị Yuko nhớ lại: “Ngày 30, chị ở Hội An. Không khí nhộn nhịp và sôi động khác hẳn với ở TP HCM. Ở đây, hàng quán vẫn mở. Bạn có thể đi dạo chơi, ăn uống và mua sắm. Chị cũng mua một bó hoa nhỏ xinh xinh về bày ở phòng khách. Buổi tối, đi thăm quan bằng thuyền nhỏ trên sông và con gái của cô lái thuyền hát một số bài hát cho Yuko nghe cũng là một kỷ nhiệm khó quên”.
Khi ở Huế, chị có đi thăm Đại Nội. Lúc chị tới đó, có một nhóm người Việt Nam gần 20 người cũng tới thăm quan. Khi nhìn thấy chị là người nước ngoài, họ kéo tới hỏi thăm. Lúc đầu, chị Yuko rất sợ nhưng chị vẫn trả lời các câu hỏi. Mọi người hỏi chị từ đâu tới? Chị có biết tiếng Việt không? Chị có thể hát một bài hát Việt Nam được không? Trò chuyện được một lúc, chị cảm thấy gần gũi hơn và chị đã hát bài hát “Bụi phấn”, bài hát tiếng Việt duy nhất mà chị biết hát lúc đó. Chị còn bắt nhịp cho 20 người cùng hát nữa. Khi chia tay, mọi người xin địa chỉ của nhau và vẫn giữ liên lạc tới tận 2 năm rưỡi sau đó.
Ngày mùng 3 Tết, khoảng 5 hay 6h sáng, chị tới Hà Nội. Cảm giác đầu tiên là thời tiết rất lạnh. Chị vẫn nghĩ Việt Nam là nước nhiệt đới nên thực sự rất bất ngờ về thời tiết khi đó. Cũng may, chị có chuẩn bị áo ấm trên xe bus nhưng vẫn phải mua thêm một đôi vớ. Chị cũng rất thích Hà Nội vì theo chị Hà Nội là nơi có nhiều bảo tàng nhất so với các vùng miền khác của Việt Nam, nhất là bảo tàng Hồ Chí Minh có rất nhiều tư liệu quý. Tết Nguyên Đán năm 2003, lần đầu tiên chị Yuko về thăm gia đình ông xã ở Nha Trang. “Chị về chơi, có ông bà, bố mẹ, họ hàng, làng xóm tới hỏi thăm rất vui! Chị cảm thấy được quan tâm, gần gũi và hoà đồng với mọi người”. Và đây cũng là chuyến đi giúp cho chị Yuko hiểu thêm về ông xã tương lai để bây giờ, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ 2 của chị.
Những kỷ niệm về ngày Tết Việt Nam đối với chị Yuko còn là sự tương đồng và khác nhau giữa phong tục văn hóa ngày Tết. Trong ngày Tết cổ truyền của cả hai dân tộc đều có múa Lân, các gia đình đều nấu những món ăn truyền thống, người lớn lì xì cho trẻ con. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, các gia đình thường làm bánh dày màu trắng không nhân, có thể nướng hoặc luộc ăn cùng với súp. Tùy từng vùng miền, người ta thêm các loại rau và thịt vào trong súp. Còn ở TP HCM và Nha Trang – quê chồng chị, Tết đến, các gia đình thường chuẩn bị bánh tét – loại bánh làm từ gạo nếp, được gói hình ống tròn, trong có nhân đậu xanh và thịt. Tết năm ngoái, chị về Nhật. Bố mẹ chồng cũng có gửi cho bố mẹ đẻ chị bánh tét và họ thích lắm. Chị Yuko còn đặc biệt ấn tượng về truyền thống lì xì ở Việt Nam. Chị cho biết: “Ở Nhật, người lớn thường chỉ lì xì cho trẻ con. Ở Việt Nam cũng thế nhưng con cái còn mừng tuổi cho ông bà và cha mẹ. Chị thấy rằng, đây là một phong tục đẹp và có rất nhiều ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với ông bà cha mẹ.
Cùng làm với chị Yuko tại phòng FWB còn có anh Hikiishi cũng tới từ xứ sở hoa anh đào. Anh Hikiishi tự nhận mình là người ít nói nhưng anh thấy làm việc ở FSoft HCM rất thuận tiện vì anh có thể nói chuyện và trao đổi công việc với mọi người bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Anh Hikiishi gia nhập gia đình FSoft HCM từ tháng 04/2006 nên anh cũng chưa có dịp ăn Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Tuy vậy, trong Tết dương lịch vừa rồi, anh cũng có đi xem bắn pháo hoa. Theo anh Hikiishi thì Tết ở TP HCM, anh chưa cảm nhận được gì nhiều vì thời tiết ngày nào cũng “the same”. Còn ở Nhật có 4 mùa nên Tết đến là mọi người biết ngay và đều cảm nhận được. Anh cũng cho biết thêm là ở Nhật Bản, trong ngày Tết cổ truyền, mọi người thường đi lễ chùa, sau đó thì đi ăn uống rất vui. Anh Hikiishi cũng hy vọng trong tương lai sẽ có dịp ăn Tết Nguyên Đán Việt Nam để hiểu thêm về đất nước của những đồng nghiệp đang làm việc cùng anh hàng ngày. Anh Takeshi Amano không phải là FSofter như anh Hikiishi và chị Yuko mà là đại diện partner của FSoft HCM. Tuy nhiên, anh Takeshi cũng ngồi chung phòng làm việc với dân FS HCM được gần 2 năm. Với tính tình trẻ trung, anh cho biết sở thích đi du lịch làm cho anh không thể ngồi yên khi Tết tới xuân về. Năm ngoái, anh đi Hong Kong, còn năm nay trong dự định, điểm đến của anh là Thái Lan. “Không thấy anh nhắc tới việc ăn Tết tại Việt Nam. Hay là anh không thích Tết cổ truyền của người Việt?”. Anh Takeshi trả lời là không phải anh không thích Tết Việt Nam mà do kỳ nghỉ Tết của Việt Nam ít quá. Hơn nữa, anh đang thời trai trẻ nên muốn đi đã. Mấy năm nữa có gia đình rồi, anh sẽ ăn Tết Việt Nam nhiều.
Chị Yuko, anh Hikiishi và anh Takeshi, mỗi người đều có những cảm giác và những kế hoạch riêng trong dịp nghỉ Tết sắp tới. Qua những kỷ niệm và suy nghĩ của các anh chị ấy, các bạn chắc cũng hiểu hơn về những đồng nghiệp nước ngoài đang làm việc cùng chúng ta trong ngôi nhà FSoft HCM.
PhuongPN1 – FSoft HCM
Trích “Sử ký FPT 20 năm”.