Ngày tôi trở lại Kuala Lampur (KL) để cùng đoàn quân P1 tiêu diệt những “cứ điểm” cuối cùng trong trận đánh NextG thật nhiều cảm xúc. Mặc dù trời cũng đã tối và hành lý tôi mang theo cũng chẳng gọn gàng gì, nhưng tôi quyết định dùng tàu để di chuyển từ sân bay KLIA về Kampung Warisan thay vì đi taxi. Một phần vì ngại kẹt xe, nhưng hơn cả là tôi muốn hòa mình vào KL ngay từ những giây phút đầu tiên. Trong suốt quãng đường, tôi luôn tự hỏi mình trước mỗi khúc quanh: “Phía bên kia là gì?”, rồi tự trả lời và sau đó tự hài lòng vì mọi thứ quanh đây hầu như không thay đổi. Vẫn là KL của tôi như ngày nào.
Không riêng gì tôi, mà nhiều chiến sĩ P1 khác từng ở đây – ngay “tâm bão” – nhiều khi không còn khái niệm thời gian, nơi chốn. Với chúng tôi, nhiều lúc KL chỉ là app, là incident, là hotfix, là Yusof, là user…
Trong mắt tôi, Twin Tower nổi bật nhất. Tháp đôi sừng sững với hàng ngàn cửa sổ nhỏ màu xanh lá cây, hàng trăm ống kim loại hình bầu dục (làm từ một hợp kim gì đó nhìn giống inox, to khoảng một ôm) như những chiếc đai mềm mại quấn quanh thân tháp. Sáng sáng khi đi làm, tôi luôn cố nhìn tháp đôi từ tàu LRT.
Tháp đôi trông như chiếc tàu con thoi chuẩn bị rời bệ phóng, đưa cả KL bay vút lên trời cao. Rời văn phòng vào buổi tối, tôi thích đi vòng phía trước tòa nhà để xuống ga KLCC. Đi đường đó, tôi được hít thở khí trời và được ngắm tòa nhà cao nhất thế giới long lanh, rực rỡ như hai cây cột ánh sáng khổng lồ giữa trời đêm.
KL còn là hình ảnh xếp hàng bắt tàu đi làm vào những ngày trong tuần. Mỗi sáng, anh em onsite luôn phải xếp hàng chờ tàu ở ga Setiawangsa. Thường thì vào giờ cao điểm, các chuyến tàu đều chật ních người. Nếu không quen, bạn sẽ không thể nghĩ rằng vẫn còn có chỗ cho mình trên đó. Với câu cửa miệng là “xờ cu xờ mi” khi dẫm lên chân ai đó lúc cố chen chân lên tàu, hoặc “tanh kiêu” khi được nhường một chỗ đứng mà nhiều lúc chỉ đủ đặt một chân lên. Đây là một ví dụ sinh động cho câu: “Nothing impossible”.
KL còn là khu nhà Kampung Warisan với những lối đi nhỏ trải sỏi quanh co. Bên đường là những cây đủng đỉnh với thân cây bám đầy rêu và những đám lá lốt mọc như cỏ ở Việt Nam. Các bạn Petronas khi nghe đến khu nhà nghỉ này đều trầm trồ vì đây là khu VIP ở KL. Thế nhưng có mấy ai biết được rằng, phòng một giường đôi ở đây lúc cao điểm được “nhét” đến 6-7 người FPT.
Mỗi ngày, một tín đồ hồi giáo ngoan đạo sẽ đi cầu nguyện năm lần. Khi gần đến giờ cầu nguyện thì các đền thờ sẽ mở một bài hát có giai điệu không lẫn vào đâu được để nhắc nhở các tín đồ. Giai điệu này đã trở thành KL trong… tai tôi. Có thể lần sau, đến một quốc gia hồi giáo khác, tôi lại được nghe giai điệu này, nhưng đối với tôi, nó đã là KL. Ngày xưa, khi mới đi tàu LRT anh em cứ đoán già đoán non cái câu thông báo ga kế tiếp bằng tiếng Mã, không rõ “nó” đọc cái gì mà nghe mãi không ra.
Về sau này, một đứa tra ra được, chính là câu “Stasen berikutnya” + tên ga sắp tới. Thế là sáng sớm thì “Stasen berikutnya Kếy-Ẹo-Xi-Xì”, và chiều tối thì “Stasen berikutnya Xơ-ti-a-quang-xà”.
Ngoài ra, không khí “hợp chủng quốc” luôn tồn tại ở KL. Trên một chuyến tàu điện hoặc đi bộ trong khu Bukit Bintang, bạn hãy lắng nghe và có thể dễ dàng nhận ra có
khá nhiều “ngôn ngữ” đang được nói xung quanh mình. Khách du lịch phương Tây với tiếng Anh, tiếng Pháp. Những người Mã bản xứ với giọng Bahasa đều toàn vần a; những người Mã gốc Trung Hoa “xí xa xí xồ” với nhau bằng tiếng Trung, hoặc nói tiếng Anh với chữ “lah” hoặc “mah” kéo dài ở cuối câu; những người Mã gốc Ấn nói tiếng Anh với các âm được phát ra như quyện vào nhau kiểu “bờ-rà-bờ-rà-bồ” (dịch là: deliverable). Và đương nhiên, tiếng Việt của anh em onsite cũng góp phần tô điểm thêm cho cái không khí nhộn nhịp đó.
Con đường nhỏ nằm bên trong khu BB Plaza có một quán… hút thuốc như kiểu dân mình hút điếu cày. Điếu cày ở đây cũng lạ, nhìn như cái đèn bão ở nhà, làm bằng thủy tinh. Về “nguyên lý hoạt động” của nó chắc cũng không khác mấy điếu cày ở Việt Nam. Thanh niên Mã thường ngồi quanh một cái bàn, điếu cày đặt ở giữa rồi thay phiên nhau hút, thông qua một sợi dây dẫn dài cả mét. Mùi của nó gây ấn tượng với tôi ngay từ lần đầu tiên đi ngang qua đây. Sau đó, mỗi lần đi ngang đấy cứ phải… nín thở đi thật nhanh. Một ngày hai lần, hầu hết anh em onsite ở KL đều phải ngửi mùi hương quyến rũ này. Một cục bột màu trắng to bằng nắm tay, được phủ lên trên bởi một lớp bột màu nâu trước khi cho vào lò nướng. Sau khi ra lò, bánh được cho vào một túi giấy và theo chân những khách bộ hành đi khắp nơi. Mùi hương bát ngát của nó bao phủ cả một khúc đường từ ga KLCC lên. Lần nào đi ngang tôi cũng hít lấy hít để, mặc dù khi tấp vào thì toàn mua bánh mì sandwich.
Tôi cũng đã vài lần thử các món ăn hồi giáo, tuy nhiên mỗi lần ngửi mùi của đĩa thức ăn này thì tôi lại thôi. Ở KL, thức ăn do người Tàu nấu dễ ăn hơn tuy hơi nhiều dầu. Món ăn “yêu thích” nhất của tôi chính là món rau cải luộc. Không hiểu vì lý do gì mà rau củ ở KL rất đắt.
Có khi một bó hành bằng nắm tay có giá ngang một nửa con gà béo ụ. Trong các hàng quán ở đây như Uncle Ho, Wisma, Signatures (Level 2) thì rau thuộc dạng hàng hiếm. Thường bạn phải gọi thêm nếu muốn. Tôi là “khách hàng thân thiết” của nhà hàng K2C (bếp ăn của chị Loan) cũng chính nhờ món rau luộc này.
Trong tôi, KL còn là động tác đổi passport lấy access card vào văn phòng Petronas mà lần đầu tiên khi được bảo vệ ở đây hỏi “Level?”, suýt nữa tôi hãnh diện trả lời “Im level 3” (theo chuẩn FPT); KL còn là cây chanh trong khu nhà Kampung Warisan mà số lá của nó tỉ lệ nghịch với số lần luộc gà của chị Loan; là động tác trình vé tàu LRT mỗi ngày; là cái không gian mờ mờ ảo ảo khi khoang làm việc bị tắt bớt điện do đã hết giờ làm việc; là mùi thức ăn hôi rình bám trên áo sau bữa ăn trưa ở khu ăn uống Uncle Ho; là việc chen chúc khi đi window shopping trong khu Bukit Bintang…
Và với những anh em khác, KL có thể là cái bàn Ru-lét, máy Tài-Xỉu trong khu Genting Highland; có thể là những bước chân âm thầm trên sân ga vào lúc nửa đêm sau một ngày dài fix bug; là những khi quây quần bên nhau với những câu hát – chia nhau ly rượu khi trời dần về sáng; là một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi hoặc một câu hẹn ước còn dang dở.
AnhNT2 – FSoft HCM
Trích “Sử ký FPT 20 năm”